Thứ Hai, 19 tháng 9, 2022

Nhà máy điện hạt nhân Đức bị rò rỉ

Giới chức Đức cho biết nhà máy hạt nhân Isar 2 có một điểm rò rỉ và cần ngừng hoạt động một tuần để sửa chữa trong tháng 10.

Bộ Môi trường Đức hôm nay cho biết nhà máy điện hạt nhân Isar 2 phát hiện một điểm rò rỉ, nhấn mạnh nó không ảnh hưởng tới an toàn hạt nhân nhưng có thể gây khó khăn hơn cho kế hoạch năng lượng mùa đông của chính phủ.

Nhà máy điện hạt nhân Isar 2 bên sông Isar ở Eschenbach gần Landshut, Đức, ngày 17/8. Ảnh: Reuters

Nhà máy điện hạt nhân Isar 2 bên sông Isar ở Eschenbach gần Landshut, Đức, ngày 17/8. Ảnh: Reuters

PreussenElektra, công ty vận hành nhà máy Isar 2, cho hay lò phản ứng có thể tiếp tục hoạt động tới ngày đóng cửa dự kiến, nhưng sẽ cần ngừng vận hành một tuần vào tháng 10 để sửa chữa để có thể tiếp tục hoạt động tới hết năm sau.

Nhà máy Isar 2 nằm ở bang Bavaria, phía nam nước Đức, từng được lên kế hoạch ngừng hoạt động vào cuối năm nay theo chương trình loại bỏ điện hạt nhân của Berlin. Tuy nhiên, xung đột tại Ukraine và Nga cắt nguồn cung khí đốt buộc Đức thay đổi chính sách.

Chính phủ Đức đang lên kế hoạch duy trì hai trong ba nhà máy điện hạt nhân ở chế độ chờ trong năm tới. Bộ Môi trường Đức cho hay đang cùng Bộ Kinh tế "xem xét tình hình mới và tác động của sửa chữa đối với thiết kế, dự trữ dự phòng".

Đức phụ thuộc nhiều vào khí đốt từ Nga, nguồn cung này đã giảm đáng kể sau khi Moskva bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine cuối tháng 2. Chi phí năng lượng của các hộ gia đình Đức dự báo tăng mạnh trong mùa đông năm nay, trong khi tình trạng thiếu năng lượng nguy cơ cản trở tăng trưởng kinh tế.

Để ngăn nguy cơ thiếu hụt năng lượng, Berlin hồi tháng 7 đặt ra một loạt mục tiêu nhằm giúp các kho dự trữ khí đốt đạt 95% lượng dự trữ vào tháng 11. Chính phủ Đức cũng đề xuất biện pháp cho phép các nhà máy nhiệt điện than hoạt động nhiều hơn và giảm tiêu thụ năng lượng trong những tòa nhà công cộng. Đức đã chi 1,5 tỷ USD để mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng, với Mỹ và Qatar là những nhà cung cấp chính.

Hồng Hạnh (Theo Reuters)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét