Nếu quyết định tấn công hạt nhân Ukraine, Nga được cho là sẽ chỉ sử dụng các đầu đạn chiến thuật với tác động hạn chế nhằm gửi thông điệp răn đe.
Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev ngày 27/9 tuyên bố trên Telegram rằng Moskva "có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần thiết".
"Hãy tưởng tượng Nga buộc phải sử dụng loại vũ khí đáng sợ nhất chống lại chính quyền Ukraine, bên đã có những hành động hung hăng quy mô lớn, đe dọa tồn vong của nhà nước Nga", ông viết. "Đó chắc chắn không phải lời dọa suông".
Bình luận của ông Medvedev được đưa ra sau khi Tổng thống Vladimir Putin hôm 21/9 nhấn mạnh rằng Nga có thể sử dụng mọi công cụ sẵn có, kể cả các loại "vũ khí với mức độ hủy diệt khác nhau", để bảo vệ "toàn vẹn lãnh thổ".
Những tuyên bố của Tổng thống Putin và ông Medvedev đã làm dấy lên lo ngại ở phương Tây về nguy cơ Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân trong xung đột Ukraine. Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau ngày 27/9 tuyên bố trong kịch bản Nga sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraine, NATO sẽ không đáp trả bằng hạt nhân, nhưng sẽ "tung đòn tàn khốc".
"Tôi cho rằng đây là thông điệp rõ ràng mà NATO đang gửi đến Nga", Ngoại trưởng Rau nói.
Giới chuyên gia vẫn không tin Tổng thống Putin sẵn sàng trở thành người đầu tiên ra lệnh khai hỏa vũ khí hạt nhân kể từ sau khi Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản năm 1945. Dù vậy, họ cũng xây dựng một số kịch bản sẽ xảy ra nếu Moskva tiến hành cuộc tấn công hạt nhân như vậy.
Các nhà phân tích nói với AFP rằng trong trường hợp sử dụng loại vũ khí hủy diệt này trên chiến trường Ukraine, Nga có thể sẽ triển khai một hoặc nhiều bom hạt nhân chiến thuật cỡ nhỏ.
Đây là loại bom nhỏ, có sức nổ từ 0,3 kiloton đến 100 kiloton, thấp hơn nhiều so với sức nổ 1,2 megaton trên đầu đạn hạt nhân chiến lược lớn nhất của Mỹ hay quả bom 58 megaton mà Nga thử nghiệm năm 1961.
Bom hạt nhân chiến thuật được thiết kế để chỉ gây tác động hạn chế trên chiến trường, trong khi vũ khí hạt nhân chiến lược có sức hủy diệt lớn thường được sử dụng trong đòn tấn công quyết định trong cuộc chiến tranh toàn diện.
Nhưng với vũ khí hạt nhân, "nhỏ" và "hạn chế" cũng chỉ mang tính chất tương đối. Quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima năm 1945 có sức nổ chỉ 15 kiloton.
Các nhà phân tích cho rằng nếu sử dụng bom hạt nhân chiến thuật, mục đích của Nga là khiến Ukraine sợ hãi đến mức quyết định đầu hàng hoặc chấp nhận tham gia vào các cuộc đàm phán với điều kiện do Moskva đặt ra, đồng thời răn đe sự ủng hộ từ phương Tây đối với Kiev.
Mark Cancian, chuyên gia quân sự tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), trụ sở ở Washington, Mỹ, cho rằng Nga sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công các đơn vị quân đội Ukraine trên tiền tuyến.
Các đơn vị Ukraine được bố trí dàn trải dọc chiến tuyến dài hàng trăm km, trong khi để tấn công một phòng tuyến dài 32 km, Nga sẽ phải sử dụng nhiều quả bom hạt nhân chiến thuật. "Chỉ sử dụng một quả bom hạt nhân là không đủ", Cancian nói.
Tuy nhiên, lợi ích mà những quả bom này đem lại sẽ là quá nhỏ so với rủi ro của việc Nga quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân cũng như nguy cơ từ bụi phóng xạ. Đám mây phóng xạ ở biên giới Ukraine hoàn toàn có thể theo gió lan tới lãnh thổ Nga, gây ra những hậu quả nặng nề và lâu dài.
Thay vào đó, Moskva có thể phát đi thông điệp răn đe mạnh mẽ và tránh thương vong đáng kể bằng cách cho nổ một quả bom hạt nhân trên mặt biển hoặc trên bầu trời Ukraine, nhằm tạo ra xung điện từ gây tê liệt các thiết bị điện tử.
Nhưng không loại trừ khả năng Nga sẽ chọn tấn công một căn cứ quân sự Ukraine hay tấn công một trung tâm đô thị và gây ra thương vong hàng loạt, thậm chí có thể nhắm tới giới lãnh đạo chính trị của Ukraine, theo Cancian.
Các kịch bản như vậy "nhằm chia rẽ NATO và sự đoàn kết của phương Tây chống lại Nga", Jon Wolfsthal, cựu chuyên gia chính sách hạt nhân Nhà Trắng, đánh giá.
"Không rõ liệu nó có thành công hay không, nhưng cách làm này có thể dễ dàng bị nhìn nhận là hành động tuyệt vọng của Nga khi bị dồn vào chân tường", ông nói.
Đến nay, phương Tây vẫn rất mơ hồ về cách họ sẽ phản ứng với một cuộc tấn công hạt nhân chiến thuật từ Nga. Bên cạnh đó, các lựa chọn đáp trả với phương Tây cũng khá phức tạp.
Mỹ và NATO không muốn tỏ ra yếu thế trước lời đe dọa hạt nhân của Nga. Tuy nhiên, họ cũng muốn tránh nguy cơ xung đột ở Ukraine, quốc gia không phải thành viên NATO, leo thang thành một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn cầu với sức tàn phá khủng khiếp hơn nhiều.
Theo các chuyên gia, phương Tây sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc đáp trả nếu Nga tấn công hạt nhân, nhưng phản ứng nên đến từ NATO với tư cách là một khối, chứ không phải riêng Mỹ.
Mỹ đã bố trí khoảng 100 vũ khí hạt nhân chiến thuật tại các nước thành viên NATO và sẵn sàng đáp trả Nga nếu kịch bản xấu nhất xảy ra.
Matthew Kroenig, chuyên gia từ Hội đồng Đại Tây Dương, nhận định lời cảnh báo đáp trả từ phương Tây sẽ giúp họ chứng tỏ quyết tâm và nhắc nhở Nga về những rủi ro của quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, "nó cũng có thể kích động một đòn trả đũa hạt nhân từ phía Nga, làm tăng nguy cơ về một cuộc chiến tranh hạt nhân diện rộng, làm trầm trọng thêm thảm họa nhân đạo ở Ukraine", ông lưu ý.
Rủi ro khác có thể xảy ra là một số thành viên NATO có thể không đồng ý với biện pháp sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả Nga, đúng như mục đích làm suy yếu và gây chia rẽ liên minh của Nga.
Đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân bằng biện pháp quân sự truyền thống hoặc ngoại giao thông thường, đồng thời cung cấp cho Ukraine nhiều vũ khí sát thương nhằm đối phó Nga, có thể là phương pháp hiệu quả hơn, theo giới phân tích.
"Việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân có thể mang đến cơ hội thuyết phục những quốc gia đến nay vẫn từ chối tham gia vào các lệnh trừng phạt đang gia tăng nhằm vào Moskva, như Ấn Độ hay thậm chí cả Trung Quốc", Kroenig nói.
Ngoài ra, Mỹ có thể cung cấp cho Ukraine chiến đấu cơ theo chuẩn NATO, tổ hợp tên lửa Patriot, tổ hợp Phòng thủ Tên lửa Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) hay tên lửa tầm xa ATACMS nhằm giúp quân đội nước này phản công mạnh mẽ hơn. Mỹ và đồng minh tới nay vẫn từ chối cung cấp các vũ khí tầm xa có uy lực lớn cho Ukraine, do lo ngại làm leo thang căng thẳng với Nga.
"Trong trường hợp vũ khí hạt nhân được kích hoạt, phương Tây nên loại bỏ tất cả những hạn chế mà họ đã đặt ra đối với nỗ lực hỗ trợ quân sự cho Ukraine", Cancian nói.
Tuy nhiên, bình luận viên Nick Paton Wals của CNN cho rằng bất chấp những lời đe dọa ngày càng tăng, kịch bản vũ khí hạt nhân được sử dụng trên chiến trường Ukraine vẫn khó xảy ra, bởi nó chứa đựng quá nhiều rủi ro về quân sự và chính trị mà Tổng thống Putin sẽ phải tính đến.
"Ngoài nguy cơ bị NATO đáp trả bằng biện pháp quân sự, Nga cũng khó có thể đảm bảo rằng đòn tấn công hạt nhân mà họ tung ra đạt độ chính xác và hiệu quả như mong muốn, trong khi cái giá phải trả quá cao", Wals nhận định.
Vũ Hoàng (Theo AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét