Thủ tướng Israel bày tỏ sẵn sàng làm mọi việc, kêu gọi cộng đồng quốc tế sử dụng vũ lực nếu Iran phát triển vũ khí hạt nhân.
"Cách duy nhất để ngăn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân là cho họ thấy có một mối đe dọa quân sự đáng kể", Thủ tướng Israel Yair Lapid phát biểu trong phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 22/9.
"Chỉ khi đó mới có thể thương lượng thỏa thuận lâu dài và mạnh hơn với họ. Cần phải rõ ràng với Iran là nếu nước này tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân, thế giới sẽ không đáp trả bằng lời nói mà bằng vũ lực quân sự".
Ông Lapid tuyên bố Israel sẵn sàng tham chiến nếu cảm thấy bị đe dọa. "Chúng tôi sẽ làm mọi việc cần thiết", ông nói. "Iran không được phép có vũ khí hạt nhân".
Mỹ và Israel từ lâu bày tỏ quan ngại về năng lực hạt nhân của Iran. Tehran khẳng định chương trình hạt nhân chỉ nhằm mục đích hòa bình, chưa bao giờ có tham vọng sở hữu vũ khí nguyên tử. Israel trong những tháng gần đây liên tục thuyết phục Mỹ và các cường quốc châu Âu như Anh, Pháp, Đức, không gia hạn thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015.
Iran năm 2015 đạt thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) với 6 cường quốc. Theo thỏa thuận, Tehran sẽ hạn chế hoạt động hạt nhân để đổi lại được dỡ bỏ một phần các lệnh trừng phạt. Cựu tổng thống Donald Trump năm 2018 đơn phương rút Mỹ khỏi JCPOA và tái áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm khắc với Iran. Tehran cũng từ bỏ cam kết trong thỏa thuận để đáp trả.
Mỹ và Iran bắt đầu đàm phán gián tiếp, với EU làm trung gian, để khôi phục JCPOA từ tháng 4/2021 ở Vienna, Áo. Đàm phán sau đó bế tắc vì bất đồng liên quan các yêu cầu từ Iran, như Washington phải đảm bảo không tổng thống Mỹ nào hủy bỏ thỏa thuận như ông Trump từng làm. Chính quyền Mỹ đương nhiệm không thể hứa trước điều này.
Trong 10 ngày qua, nhiều quan chức Israel đề xuất không gia hạn thỏa thuận tới ít nhất là giữa tháng 11, thời hạn mà ông Lapid cố gắng tận dụng để thúc đẩy phương Tây áp đặt cách tiếp cận cứng rắn hơn trong đàm phán với Iran.
Israel coi Iran là "kẻ thù không đội trời chung", cáo buộc Tehran tài trợ phong trào vũ trang Hamas. Israel chiếm Đông Jerusalem và Bờ Tây năm 1967 và từ năm 2007 bắt đầu áp lệnh phong tỏa với Dải Gaza, phần lãnh thổ do Hamas kiểm soát. Từ năm 2008, Hamas và Israel đã tiến hành 4 cuộc xung đột vũ trang.
Hồng Hạnh (Theo AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét