Ông Putin quyết định triệu tập 300.000 quân dự bị mà không phát lệnh tổng động viên, dường như nhằm tránh tâm lý bất bình, xáo trộn trong xã hội Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 21/9 ban bố lệnh "động viên một phần" theo đề xuất của Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu, nhằm thực hiện mục tiêu "giải phóng Donbass" ở miền đông Ukraine.
Lệnh động viên một phần do ông Putin công bố rất khác so với lệnh tổng động viện, bởi nó chỉ được áp dụng với lực lượng dự bị, chủ yếu là quân nhân đã giải ngũ, có chuyên môn và kinh nghiệm quân sự nhất định, thay vì lính nghĩa vụ. Ông cam kết rằng họ sẽ được huấn luyện thêm và được trao quyền lợi giống như quân nhân chuyên nghiệp.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết với lệnh động viên một phần, quân đội Nga có thể huy động thêm 300.000 quân nhân dự bị để phục vụ chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Trước phát biểu của Tổng thống Putin, đã xuất hiện nhiều đồn đoán ở phương Tây về việc Nga sẽ ban bố lệnh tổng động viên để huy động nhân sự cho chiến dịch quân sự tại Ukraine, trong bối cảnh quân đội nước này hứng chịu nhiều tổn thất vì đòn phản công của Kiev. Lực lượng Nga đã bị đẩy lùi khỏi tỉnh Kharkov, đông bắc Ukraine, trong tháng qua, đồng thời mất khả năng kiểm soát các tuyến tiếp tế chính của họ cho phần lớn chiến tuyến ở khu vực Donetsk và Lugansk.
Câu hỏi đặt ra lúc này là tại sao Tổng thống Putin lại ban bố lệnh động viên một phần, thay vì một lệnh tổng động viên, vốn có thể giúp quân đội Nga huy động quân số bổ sung lớn hơn nhiều.
Tổng động viên là hành động vừa mang tính kêu gọi vừa mang tính mệnh lệnh khi quốc gia chuyển sang trạng thái chiến tranh. Đối tượng của lệnh tổng động viên có thể được mở rộng đến cả người chưa qua huấn luyện quân sự như học sinh, sinh viên, công nhân, công chức, nông dân nếu tình hình yêu cầu.
Trong khi đó, lệnh động viên một phần do ông Putin công bố chỉ được áp dụng với lực lượng quân nhân chuyên nghiệp đã giải ngũ. Đây là lần đầu tiên Nga ban bố lệnh động viên quân nhân kể từ sau Thế chiến II.
Trên thực tế, Tổng thống Putin lâu nay không coi tổng động viên là một lựa chọn khả dĩ, vì lo ngại dư luận ủng hộ chiến dịch quân sự của ông bên trong đất nước có thể rạn nứt, một khi những người Nga bình thường bị điều ra chiến trường.
Dù các cuộc thăm dò đều cho thấy hầu hết người Nga vẫn ủng hộ chiến dịch quân sự tại Ukraine, mức độ nhiệt tình đã giảm bớt so với 8 năm trước, khi Tổng thống Putin sáp nhập bán đảo Crimea phía nam Ukraine vào lãnh thổ.
Chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Putin phát lệnh động viên, hầu hết các chuyến bay rời Nga đã bán sạch vé, khi quyết định này đã làm dấy lên nỗi lo ngại rằng một số người trong độ tuổi chiến đấu có thể không được phép rời đất nước.
Trong nỗ lực huy động lực lượng phục vụ chiến dịch quân sự ở Ukraine, Điện Kremlin đến nay vẫn theo đuổi cách tiếp cận thận trọng, tránh một cuộc tổng động viên dễ gây cú sốc cho toàn xã hội Nga.
Theo Mike Martin, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh thuộc Đại học Hoàng gia London, lệnh tổng động viên "không giúp ích gì cho Nga" vào lúc này.
Về cơ bản, để ban bố lệnh tổng động viên, Nga sẽ phải tuyên chiến với Ukraine, chính thức phát động một cuộc chiến tổng lực, thay cho "chiến dịch quân sự đặc biệt" hiện nay. Điều đó có thể gây cạn kiệt ngân sách liên bang Nga, khi quy mô và mức độ khốc liệt của xung đột sẽ lớn hơn nhiều, kéo theo đó là tổn thất lớn hơn.
Trên lý thuyết, lệnh tổng động viên có thể giúp Nga tăng quân số tới hàng triệu người. Nhưng trên thực tế, những đoàn quân mới tuyển mộ đó sẽ thiếu người đào tạo, do các lực lượng huấn luyện chính quy đều đã được điều tới chiến trường Ukraine.
Nga hiện nay "không đủ trường học và cơ sở huấn luyện để đào tạo số lượng tân binh lớn như vậy. Họ cũng không có đủ cơ sở vật chất để cung cấp nơi ăn chốn ở cho họ, không có đủ cả sĩ quan dẫn dắt họ", Kamil Galeev, nhà phân tích độc lập về chính trị Nga, cho hay.
Mặt khác, theo giới quan sát, Nga hiện được cho là không thể cung cấp đủ trang bị cho hàng triệu tân binh ngay cả khi họ muốn. Hệ thống tổng động viên mà Liên Xô đã xây dựng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh đã không còn tồn tại.
"Để thực hiện tổng động viên trong trường hợp chiến tranh nổ ra, bạn cần duy trì quy mô nền quốc phòng rất lớn trong thời bình", Galeev nhận định.
Đội quân đó cũng cần đơn vị tiếp nhận, chỉ huy dẫn dắt, hạ sĩ quan đào tạo và trang bị để tạo ra sức mạnh chiến đấu hiệu quả, bình luận viên quân sự David Axe viết trên Forbes.
Những người lính chưa qua đào tạo, thiếu kinh nghiệm và trang bị có thể dễ dàng đầu hàng, đào ngũ hoặc thậm chí thiệt mạng khi bị tung ra chiến trường khốc liệt, Axe cho hay.
"Phải mất hàng tháng trời để có thể huấn luyện một dân thường thành quân nhân có khả năng tác chiến", Martin từ Đại học Hoàng gia London, nói. "Nga cần binh sĩ ngay hôm nay, không phải trong 6 tháng nữa".
Điều này cũng phần nào giải thích cho việc Tổng thống Putin chỉ huy động quân nhân dự bị, những người đã có chuyên môn quân sự, trong lệnh động viên một phần của mình.
Dara Massicot, chuyên gia cấp cao chuyên nghiên cứu về quân sự Nga tại tổ chức tư vấn Rand, cho rằng cách sử dụng hiệu quả nhất lực lượng dự bị là giao cho họ những nhiệm vụ đơn giản như bảo vệ căn cứ. Song nếu làm vậy, Nga sẽ không giải quyết được vấn đề cấp bách nhất của mình hiện nay ở Ukraine là thêm binh lực để ngăn chặn chiến dịch phản công của đối phương và tiếp tục giành thêm lãnh thổ.
"Bạn không thể có những binh sĩ được đào tạo chuyên sâu trong một sớm một chiều. Nhưng đây lại là điều mà Nga cần nhất lúc này", bà nói.
Vũ Hoàng (Theo Forbes, WSJ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét