Tổng thống Lukashenko có lý do về quân sự và chính trị để không điều quân đội Belarus tham chiến ở Ukraine, dù tuyên bố lập lực lượng hiệp đồng với Nga.
Ngày 24/2, nhiều đơn vị Nga tiến vào Ukraine từ lãnh thổ Belarus. Trong những tháng sau đó, Belarus trở thành một căn cứ của Nga trong cuộc xung đột. Tuy nhiên, Tổng thống Alexander Lukashenko không ra lệnh cho quân đội Belarus trực tiếp tham gia cuộc chiến ở Ukraine.
Trong hơn 7 tháng qua, ông Lukashenko luôn cố gắng duy trì trạng thái cân bằng trong cuộc xung đột. Song trong cuộc họp với các quan chức an ninh ngày 10/10, Tổng thống Lukashenko tuyên bố Belarus và Nga sẽ thành lập lực lượng quân sự hiệp đồng để đối phó "gia tăng căng thẳng ở biên giới phía tây".
Ông thêm rằng hàng nghìn binh sĩ Nga sẽ đến Belarus để tập trận trong những ngày tới. Tuyên bố mới của lãnh đạo Belarus làm dấy lên lo ngại ở Ukraine và các nước phương Tây rằng quân đội Belarus có thể trực tiếp tham chiến, ngay cả khi Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Viktor Khrenin tuyên bố nhiệm vụ của lực lượng quân sự hiệp đồng "hoàn toàn vì mục đích phòng thủ".
Tổng thống Ukraine Volodymyz Zelensky trong hội nghị G7 hôm 11/10 đã đề nghị Liên Hợp Quốc gửi lực lượng gìn giữ hòa bình tới biên giới Ukraine-Belarus để ngăn nước láng giềng "tiến hành hoạt động khiêu khích".
Bất chấp những dấu hiệu đáng lo ngại và cảnh báo của ông Zelensky, giới quan sát cho rằng vì lý do quân sự lẫn chính trị, ông Lukashenko sẽ không điều lực lượng Belarus tới chiến trường Ukraine, ngay cả khi chịu áp lực từ phía Nga.
Về quân sự, Konrad Muzyka, nhà phân tích quốc phòng kiêm giám đốc công ty tư vấn quốc phòng Rochan ở Ba Lan, cho rằng lực lượng quân đội của Belarus "tương đối yếu" và khó có thể tạo ra khác biệt trên chiến trường Ukraine.
Quân đội Belarus có khoảng 45.000 quân, trong đó có nhiều lính nghĩa vụ thiếu kinh nghiệm tác chiến. Trong kịch bản tốt nhất, Minsk có thể triển khai được 20.000 quân nhân chuyên nghiệp phục vụ theo hợp đồng, theo nhà phân tích quân sự Ukraine Oleh Zhdanov.
Theo các chuyên gia, nếu lực lượng này được triển khai tham chiến, họ có thể hỗ trợ Nga chiếm giữ một số hành lang tiếp tế quan trọng của Ukraine, nhưng nhiều khả năng sẽ không thể tung ra được những đòn đánh quyết định làm thay đổi cục diện chiến trường.
"Các binh sĩ Belarus cũng không có lý do gì để chiến đấu ở Ukraine", Zhdanov nói. "Điều đó đồng nghĩa ông Lukashenko có thể hỗ trợ mọi thứ cho Nga, ngoại trừ lực lượng quân sự của mình".
Franak Viacorka, cố vấn cấp cao của lãnh đạo phe đối lập Belarus Sviatlana Tsikhanouskaya, cũng cho rằng quân đội Belarus cũng không đủ nguồn lực cần thiết để chiến đấu ở Ukraine.
"Chúng tôi không có đủ binh sĩ hoặc khí tài quân sự. Rất nhiều khí tài đã được chuyển giao cho Nga. Belarus đã sử dụng tất cả những gì có thể dùng được. Lực lượng sẵn sàng chiến đấu cũng rất ít, khoảng 7.000 người, và họ không sẵn sàng cho một chiến dịch tấn công", ông cho hay.
Viacorka tin rằng phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Khrenin cho thấy các lãnh đạo quân sự đang tìm cách trấn an binh sĩ nước này, khẳng định họ sẽ không bị kéo vào cuộc chiến. "Sau khi chứng kiến đà tiến của quân đội Ukraine trước lực lượng Nga gần đây, không ai muốn tới đó tham chiến", ông nói.
Ngoài yếu tố quân sự, vấn đề lớn hơn nằm ở mặt chính trị. Sau khi Belarus vượt qua phong trào biểu tình năm 2020, giới quan sát cho rằng ông Lukashenko sẽ không muốn mạo hiểm tham gia vào một cuộc chiến mà người dân Belarus không ủng hộ.
"Ông ấy không muốn bị kéo vào chiến tranh vì nó có thể mang tới quá nhiều rủi ro", Artyom Shraibman, nhà nghiên cứu của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nói và lưu ý rằng kết quả thăm dò dư luận chỉ ra chưa tới 10% người Belarus ủng hộ tham gia trực tiếp vào xung đột Ukraine.
Valery Karbalevich, chuyên gia phân tích độc lập người Belarus, cho hay cả giới tinh hoa lẫn người dân bình thường ở nước này đều "không sẵn sàng bước chân vào cuộc chiến".
Giới quan sát cho rằng Tổng thống Belarus sẽ chịu một số sức ép chính trị từ phía Nga. Moskva đã hỗ trợ Minsk hàng tỷ USD thông qua các khoản vay và năng lượng giá rẻ. Nga cũng hỗ trợ Belarus rất nhiều về an ninh.
Năm 2020, Tổng thống Putin đã nói với ông Lukashenko rằng Nga sẵn sàng thực hiện hiệp ước quốc phòng tập thể nếu cần thiết để trợ giúp Belarus đối phó với các cuộc biểu tình bạo lực.
Nhưng khi lực lượng Nga đang hứng chịu nhiều thất bại trên chiến trường Ukraine, quyết định tham chiến có thể khiến Belarus sa lầy vào một cuộc xung đột có nguy cơ kết thúc trong thất bại. "Đây là điều mà ông Lukashenko không mong muốn", Shraibman nhận định.
Theo giới chuyên gia, thay vì đưa quân đội trực tiếp tham chiến, ông Lukashenko có thể cho phép lực lượng Nga triển khai ở biên giới Belarus để kéo giãn hệ thống phòng thủ của Ukraine, hoặc có thể cho phép Nga sử dụng Belarus làm nơi huấn luyện cho một phần lính dự bị mới được huy động.
"Tất nhiên ông Putin có nhiều đòn bẩy với Belarus, nhưng ông ấy khó buộc Tổng thống Lukashenko có hành động mạo hiểm về chính trị như vậy", Shraibman nói. "Đó là lý do tôi nghĩ ông Lukashenko chắc chắn sẽ chống lại bất kỳ nỗ lực nào kéo Belarus vào một cuộc chiến toàn diện".
Thanh Tâm (Theo Guardian, AP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét