Thứ Tư, 12 tháng 10, 2022

Ký ức người sống sót trong 'Phép màu Andes'

UruguayTrong 45 người trên chiếc máy bay rơi xuống dãy Andes đúng 50 năm trước, 16 người tạo nên "phép màu" khi sống sót 72 ngày không thức ăn.

Roy Harley nhớ như in 10 tuần ông cùng những người sống sót khác bám trụ trên sông băng Andea sau khi chiếc máy bay của Không quân Uruguay lao xuống dãy Andes vào ngày thứ sáu định mệnh 13/10/1972.

Roy Harley, một trong 16 người sống sót sau vụ rơi máy bay trên dãy Andes ở Chile, chụp ảnh tại Viñedos de la Tahona, Uruguay, ngày 15/8. Ảnh: AFP

Roy Harley, một trong 16 người sống sót sau vụ rơi máy bay trên dãy Andes ở Chile, chụp ảnh tại Viñedos de la Tahona, Uruguay, ngày 15/8. Ảnh: AFP

Ông và 31 người sống sót tỉnh lại, thấy bóng tối bao trùm ở độ cao 3.500 mét, nơi nhiệt độ xuống tới -33 độ C. Nhiều người trong số họ chưa tới 20 tuổi, khi máy bay chở một đội bóng bầu dục nghiệp dư cùng gia đình tới Chile tham gia thi đấu. Không ai mặc quần áo ấm.

Một số người bị thương nặng. Những người có thể cử động cố chui vào ẩn náu trong xác máy bay, giữa thi thể của người chết và tiếng la hét của người bị thương.

"Đêm đó, tôi như ở trong địa ngục", Harley nhớ lại. "Dưới chân tôi là một cậu thiếu niên đang gần chết ngạt vì máu của mình. Tôi không đủ can đảm lại gần, nắm tay và an ủi cậu ấy. Tôi rất sợ, vô cùng sợ".

Tới sáng, thêm 4 người trong đoàn tử vong. Cứ thế, mỗi ngày qua đi, lại có thêm người chết.

"Tôi không biết nói gì để diễn tả cái lạnh ở đó", Carlos Paez, 68 tuổi, đồng đội cũ của Harley, người sống sót cùng ông, nói.

Nhiều người nghĩ đời mình tới đây là hết. Vào ngày thứ 10, những người sống sót nghe thấy thông báo qua hệ thống vô tuyến trên máy bay rằng chiến dịch tìm kiếm họ đã chấm dứt.

"Một trong những điều đau đớn nhất là nhận ra Trái đất vẫn quay mà không có chúng ta", Paez, người đã đi khắp thế giới diễn thuyết truyền cảm hứng, nói.

Nhưng đó cũng là cú sốc khiến những người sống sót phải tự giải quyết vấn đề và tìm cách thoát khỏi sông băng. Một chuyện đau đớn khác là cuộc tranh luận về ăn thịt đồng loại. Trên máy bay không có thực phẩm dự trữ, vì đây là chặng bay ngắn từ Mendoza ở Argentina, dừng chân tại một điểm, rồi tiếp tục bay tới Santiago, Chile.

Giữa núi băng hoang vắng, lạnh giá, họ không thể tìm được thức ăn. Khi sắp chết đói, đa số người sống sót bỏ phiếu đồng ý ăn thịt những người bạn đã chết.

"Chúng tôi đã cố ăn ghế da, thuốc lá, kem đánh răng", Harley nhớ lại. "Chúng tôi sắp chết. Khi đứng giữa lựa chọn chết hay ăn thứ duy nhất có thể, chúng tôi chọn ăn thịt để sống".

Những người sống sót trong vụ rơi máy bay vẫy tay chào trực thăng giải cứu ngày 22/12/1972. Ảnh: AP

Những người sống sót trong vụ rơi máy bay vẫy tay chào trực thăng giải cứu ngày 22/12/1972. Ảnh: AP

Ngày thứ 16, thảm họa lại xảy ra. Khi những người sống sót đang ngủ, một trận tuyết lở chôn vùi phần thân máy bay nhô lên, nơi trú ẩn duy nhất của họ. 8 người chết, chỉ còn lại 19 trong số 32 người sống sót ban đầu. Vài ngày sau, lại có thêm ba người chết.

"Trận tuyết lở như thể Chúa đâm cho chúng tôi một nhát dao sau lưng", Paez nói.

Họ tận dụng những gì còn sót lại từ máy bay để làm mũ, găng tay, giày đi tuyết, kính chống lóa. Họ cũng tìm ra cách làm tan băng tuyết để lấy nước uống, bất chấp nhiệt độ âm. Cuối cùng, họ tìm được lối thoát.

Trong nỗ lực tuyệt vọng cuối cùng suýt nữa phải trả giá bằng mạng sống, Roberto Canessa và Fernando Parrado đi bộ 10 ngày theo bản năng giữa núi tuyết trắng xóa. Cuối cùng, họ tới một con sông, phát hiện bên kia sông có người đang cưỡi ngựa.

Họ cố gắng gào to, nhưng tiếng nước chảy khiến nhóm người bên kia sông không thể nghe thấy hai người. Ngày hôm sau, một người phía bên sông kia quay lại, ném một mảnh giấy quấn quanh về phía hai người. Parrado viết lời cầu cứu lên giấy: "Tôi đến từ chiếc máy bay rơi trên núi".

8 người sống sót tụ tập trong thân máy bay đêm cuối trước khi được giải cứu ngày 22/12/1972. Ảnh: AP

8 người sống sót tụ tập trong thân máy bay đêm cuối trước khi được giải cứu ngày 22/12/1972. Ảnh: AP

Ngày hôm sau, những chiếc trực thăng đầu tiên xuất hiện. Khi lên chiếc máy bay xấu số của Không quân Uruguay tới Chile, Harley nặng 84 kg. Thời điểm được cứu, ông chỉ còn 37 kg, cao 1,8 mét. Những người sống sót sụt trung bình 29 kg.

Harley và Paez luôn nhấn mạnh họ không phải nạn nhân. Câu chuyện sống sót của họ được gọi là "Phép màu Andes", nhưng nó cũng khẳng định sự kiên cường của con người và tinh thần đồng đội.

"Đó là câu chuyện phi thường được những người bình thường tạo ra", Paez nói. "Cuối cùng, sự sống đã chiến thắng".

Hồng Hạnh (Theo AFP)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét