Hạn chế bán vũ khí hay rút lực lượng khỏi Arab Saudi là hai trong các phương án Washington đang xem xét nhằm trừng phạt Riyadh vì giảm sản lượng dầu.
Mối quan hệ Arab Saudi - Mỹ dường như đã rơi xuống đáy sau động thái cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+, tổ chức do Arab Saudi dẫn dắt. Choáng váng trước "đòn giáng ngoại giao" của đồng minh Arab Saudi, Tổng thống Joe Biden tuyên bố Washington phải xem xét lại mối quan hệ của mình với Riyadh.
Hôm 12/10, Arab Saudi phản pháo bằng cách công bố thông tin chính quyền Biden đã yêu cầu họ hoãn quyết định cắt giảm sản lượng "trong một tháng", dường như nhằm trì hoãn tác động tiêu cực của nó tới cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ. Thông tin này đã khiến những người Cộng hòa sôi sục, cho rằng ông Biden đang tìm cách gây sức ép với Riyadh vì mục đích chính trị.
Nhà Trắng ngay sau đó đáp lại rằng Arab Saudi đang cố tìm cách thay đổi bản chất vấn đề. Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho hay Washington đang "đánh giá lại" mối quan hệ với Riyadh dựa trên những hành động này.
Giới phân tích cho rằng Nhà Trắng và phe Dân chủ nắm trong tay một số công cụ có thể trừng phạt và khiến Arab Saudi hứng chịu "hậu quả" như tuyên bố của Tổng thống Biden, dù tác động và tính khả thi của chúng còn nhiều tranh cãi.
Thông qua dự luật NOPEC
Gần như ngay lập tức sau quyết định cắt giảm sản lượng dầu, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden sẽ "tham khảo ý kiến quốc hội về các công cụ và biện pháp bổ sung nhằm giảm bớt khả năng kiểm soát của OPEC với giá năng lượng". Giới chuyên gia suy đoán đây là tín hiệu cảnh báo về việc chính quyền Biden sẽ cân nhắc thông qua Dự luật Không liên kết Các nhà sản xuất và xuất khẩu Dầu (NOPEC), động thái có khả năng đặt dấu chấm hết với ảnh hưởng của OPEC.
Dự luật này nhằm phá vỡ thế kiểm soát của một số quốc gia với giá dầu bằng cách buộc các nước OPEC phải tuân thủ luật chống độc quyền. NOPEC tước quyền miễn trừ từ lâu đã bảo vệ OPEC và các công ty dầu mỏ quốc gia của nhóm này khỏi các vụ kiện chống độc quyền.
Nếu NOPEC được thông qua, Mỹ có thể kiện các thành viên OPEC và những công ty dầu mỏ của họ với cáo buộc thông đồng để đẩy giá dầu, vi phạm luật chống độc quyền.
Một ủy ban của Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật hồi tháng 5. Nhưng để trở thành luật, nó vẫn cần được cả Thượng viện và Hạ viện nhất trí và được Tổng thống Biden ký phê duyệt.
Một cuộc khảo sát của công ty thăm dò dư luận Morning Consult và Politico cho thấy chưa đầy 50% cử tri Mỹ ủng hộ NOPEC, trong đó có hơn một nửa là các đảng viên Dân chủ và 2/5 là đảng viên Cộng hòa.
Giới phân tích đánh giá việc thông qua dự luật NOPEC cũng sẽ khiến Mỹ phải chịu những hậu quả nhất định.
"Tôi nghĩ nó sẽ tạo ra tác động tiêu cực với ngành công nghiệp dầu khí, khiến tất cả các hình thức liên doanh và đầu tư với các công ty dầu mỏ quốc gia trở nên phức tạp hơn", Karen Young, học giả nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu thuộc Đại học Columbia, Mỹ, nhận xét.
Một số người lo ngại NOPEC có thể dẫn đến việc OPEC sản xuất dầu ồ ạt, khiến giá dầu giảm đến mức ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ, nơi có chi phí khai thác cao, có thể ngừng hoạt động vì không có lợi nhuận. Arab Saudi có chi phí khai thác dầu thấp nhất thế giới, vì vậy họ có thể tiếp tục thu lợi nhuận với lợi thế này.
Viện Dầu mỏ Mỹ, hiệp hội thương mại trong ngành công nghiệp khai thác dầu khí tự nhiên, đã phản đối mạnh mẽ dự luật NOPEC, cho rằng nó sẽ gây bất lợi đến khía cạnh ngoại giao, quân sự và thương mại của quốc gia. Hồi tháng 5, Phòng Thương mại Mỹ trấn an rằng NOPEC sẽ "không tác động đến việc điều chỉnh giá xăng dầu".
Hạn chế bán vũ khí cho Arab Saudi
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Menendez tuần qua đã kêu gọi đóng băng ngay lập tức quan hệ giữa Washington và Riyadh, trong đó ngừng bán cho Arab Saudi những vũ khí không nhằm đảo bảo lợi ích và công dân Mỹ ở Trung Đông.
Một số chính trị gia ủng hộ đề xuất này, những số khác bày tỏ lo ngại, cho rằng điều đó sẽ chỉ đẩy Arab Saudi xích lại gần Nga hơn.
Mỹ là nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới với doanh thu từ việc bán vũ khí ra nước ngoài đạt trung bình 47 tỷ USD trong năm tài khóa 2021. Theo báo cáo từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm hồi năm ngoái, Arab Saudi là khách hàng chủ chốt, chiếm 24% tổng doanh số bán vũ khí của Mỹ.
"Người dân Mỹ bình thường không biết rằng đây là một thị trường béo bở cho ngành công nghiệp vũ khí. Và đó là một thị trường mà người Arab Saudi sẵn sàng chi tiền ở mức cao nhất", David Des Roches, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Cận Đông và Nam Á, cho biết.
Chuyên gia Karen Young tin rằng phương án ngừng bán vũ khí cho Arab Saudi khó thành hiện thực. Mặc dù Arab Saudi chưa có phương án thay thế ngay lập tức cho các hệ thống phòng không mua từ Mỹ, việc Washington gia tăng các hạn chế vũ khí có thể "mở đường" cho những nhà cung cấp từ các quốc gia khác.
Theo giới quan sát, Arab Saudi đã và đang cố gắng đa dạng hóa nguồn cung vũ khí của mình và có thể sẵn sàng mua khí tài từ những nơi khác nếu Mỹ siết hạn chế.
"Arab Saudi có mối quan hệ lâu dài với Anh, Pháp, Trung Quốc và cũng đang thiết lập quan hệ với Brazil, Nam Phi cùng nhiều nước khác", nhà phân tích Ali Shihabi đánh giá. "Động thái hạn chế bán vũ khí chỉ khiến các nhà hoạch định chính sách Arab Saudi thêm tin rằng họ không thể phụ thuộc duy nhất vào Mỹ nữa. Kỷ nguyên 'bỏ tất cả trứng vào giỏ' của Mỹ sẽ không còn".
Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng đồng tình rằng Arab Saudi khó có khả năng thay thế toàn bộ cơ sở hạ tầng quốc phòng của Mỹ trong trung hạn, do quốc gia này đang phụ thuộc lớn vào các tổ hợp tên lửa Patriot của Mỹ để bảo vệ các cơ sở dầu khí chiến lược của mình.
Rút lực lượng Mỹ khỏi Arab Saudi và UAE
Ba nghị sĩ đảng Dân chủ tuần trước đưa ra đề xuất rút lực lượng đồn trú của Mỹ khỏi Arab Saudi và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), "chấm dứt nỗ lực bảo vệ của Mỹ đối với các đối tác Vùng Vịnh".
"Cả hai nước này đều trông cậy vào hiện diện quân sự của Mỹ ở Vùng Vịnh để bảo vệ an ninh và các mỏ dầu", tuyên bố từ ba nghị sĩ đảng Dân chủ có đoạn. Họ lưu ý thêm rằng không có lý do gì quân đội và các nhà thầu quân sự Mỹ nên tiếp tục bảo vệ "những quốc gia đang tích cực chống lại chúng ta".
Khoảng 3.500 nhân viên quân sự Mỹ đang đồn trú ở UAE. Mỹ đã rút hầu hết binh sĩ khỏi Arab Saudi vào năm 2003, nhưng vẫn cung cấp hỗ trợ vũ khí đáng kể cho Riyadh trong cuộc đối đầu với lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Mỹ khó có thể rút quân hoàn toàn khỏi UAE và Arab Saudi, vì động thái này sẽ để lại khoảng trống trong khu vực mà các đối thủ của Mỹ như Iran, Trung Quốc hay Nga sẵn sàng thế chỗ.
"Khi người Mỹ nói về an ninh ở Vùng Vịnh, nhiều người quên rằng đó là nhằm bảo vệ dòng chảy tự do của dầu và khí đốt đến từ đây, chứ không phải bảo vệ hoàng gia Arab Saudi", ông Shihabi nói. "Điều này phục vụ lợi ích của Mỹ và tạo ra đòn bẩy lợi thế cho họ, không chỉ trước các nước như Trung Quốc, vốn phụ thuộc vào dầu đến từ Vùng Vịnh, mà còn cả Nhật Bản, Ấn Độ và châu Âu".
Các phương án khác
Giới chuyên gia cho rằng tất cả những lựa chọn quyết liệt mà giới chính trị gia Mỹ đang xem xét để trừng phạt Arab Saudi đều khó có thể thành hiện thực. Thay vào đó, Nhà Trắng có thể chọn thực hiện biện pháp ít cứng rắn và giúp họ giữ thể diện hơn.
"Chính quyền Biden đang đẩy căng thẳng này đi xa vì lợi ích chính trị và điều đó thực sự nguy hiểm", bà Young nói. "Nó khiến mối quan hệ giữa hai nước có vẻ như chỉ xoay quanh dầu mỏ, trong khi cả hai chính quyền đều đang cố gắng cho thấy nó lớn hơn và có ý nghĩa hơn như thế".
"Mỹ có thể kết thúc tình thế đối đầu bằng một tuyên bố nhẹ nhàng về việc bán vũ khí và một lời khiển trách", bà nói thêm.
Chuyên gia Des Roches cho rằng Mỹ cũng có thể cân nhắc ngừng các cuộc gặp cấp cao với giới chức Arab Saudi trong một khoảng thời gian. "Dù sao thì công việc cũng đang được trao đổi ở cấp độ thấp hơn", ông nói.
"Có lý do khiến mối quan hệ này không bị gián đoạn kể từ thời tổng thống Franklin Roosevelt", ông cho biết thêm. "Đó là mối quan hệ dựa trên lợi ích và lợi ích thì vẫn không thay đổi".
Vũ Hoàng (Theo CNN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét