Moskva phản đối Tokyo khai hỏa pháo phản lực HIMARS trong cuộc tập trận chung với Mỹ tuần này ở thao trường gần quần đảo Kuril tranh chấp với Nga.
"Chúng tôi đã truyền đạt phản đối mạnh mẽ tới đại sứ quán Nhật Bản ở Moskva về các vụ thử hệ thống pháo phản lực HIMARS", Bộ Ngoại giao Nga hôm 12/10 ra tuyên bố cho biết, đề cập đến cuộc tập trận chung ngày 10/10 giữa quân đội Nhật và Mỹ.
Bộ Ngoại giao Nga cho rằng khi lên kế hoạch tổ chức tập trận chung với Mỹ tại thao trường Yausubetsu, miền bắc Nhật Bản, Tokyo đã tuyên bố không có kế hoạch thử nghiệm các loại vũ khí tầm xa như HIMARS.
"Chúng tôi coi đợt tập trận này là thách thức với an ninh vùng Viễn Đông của Nga và kiên quyết yêu cầu chấm dứt các hành động như vậy", tuyên bố có đoạn.
Nga cho hay đã cảnh báo Nhật về "các biện pháp đáp trả thích hợp và không thể tránh khỏi, nhằm ngăn chặn các mối đe dọa quân sự", song không nêu chi tiết.
Theo hãng tin Kyodo của Nhật, 150 thành viên Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản (JGSDF) và khoảng 30 lính thủy đánh bộ Mỹ được triển khai từ căn cứ Okinawa để thực hành phối hợp, khai hỏa các hệ thống HIMARS trong cuộc tập trận hôm 10/10.
HIMARS là hệ thống pháo phản lực hạng nặng có thể bắn liên tiếp 6 rocket dẫn đường độ chính xác cao. Khi sử dụng đạn M31 mang đầu đạn nổ mạnh đa dụng nặng 90 kg, HIMARS có tầm bắn 80 km. Tổ hợp này cũng có thể khai hỏa tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) có tầm bắn lên đến 300 km.
Tầm bắn 80 km của đạn M31 gần bằng với hỏa tiễn Smerch của Nga, nhưng nhờ cơ chế dẫn đường bằng GPS, pháo HIMARS có thể nhắm mục tiêu chính xác hơn rất nhiều. Đây cũng là loại vũ khí được Mỹ viện trợ Ukraine, đóng vai trò quan trọng trong cục diện chiến trường tại đây.
Đợt tập trận chung Mỹ - Nhật diễn ra từ ngày 1/10 đến 14/10 tại căn cứ huấn luyện quân sự lớn nhất Nhật Bản ở Yausubetsu, phía đông Hokkaido, có sự góp mặt của 3.500 binh sĩ và trực thăng lai "Ưng biển" V-22 Osprey.
Yausubetsu nằm gần các đảo Nga đang kiểm soát tại quần đảo Kuril, tâm điểm tranh chấp lãnh thổ giữa Tokyo và Moskva. Tranh chấp quần đảo Kuril khiến Moskva không thể ký hiệp ước hòa bình với Tokyo và quan hệ hai bên căng thẳng trong nhiều năm. Nga gần đây cũng tăng cường hiện diện quân sự trên quần đảo này.
Nhật Bản và các nước phương Tây đã áp đặt loạt trừng phạt chưa từng có lên Nga nhằm phản đối chiến dịch quân sự tại Ukraine. Quan hệ song phương Nga - Nhật trở nên tồi tệ trong những tuần gần đây, khi Moskva trục xuất một lãnh sự Nhật Bản vì cáo buộc hoạt động gián điệp.
Đức Trung (Theo Reuters, TASS, Kyodo)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét