Nguồn cung từ bên ngoài cùng lượng chip tích trữ và kho vũ khí chiến lược giúp Nga có thể liên tục bổ sung tên lửa trong chiến sự với Ukraine.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley hôm 16/11 cho biết Nga đã tập kích toàn bộ lãnh thổ Ukraine bằng gần 100 tên lửa hành trình và nhiều vũ khí khác trong ngày 15/11. "Đây là đợt không kích lớn nhất nhằm vào Ukraine kể từ đầu chiến sự", ông nói.
Trong gần 9 tháng chiến sự, quan chức quốc phòng và giới chuyên gia quân sự phương Tây nhiều lần nhận định kho vũ khí Nga, trong đó có tên lửa dẫn đường, sắp cạn kiệt do tần suất sử dụng cao.
Tuy nhiên, lực lượng Nga những tháng qua gần như ngày nào cũng tuyên bố sử dụng tên lửa và vũ khí chính xác cao tập kích mục tiêu tại Ukraine. Đòn tấn công ngày 15/11 đặt ra nhiều câu hỏi về quy mô thực sự của kho dự trữ vũ khí Nga cũng như những nguồn Moskva dựa vào để bổ sung tên lửa.
Nga có thể liên tục xuất xưởng tên lửa mới
"Tôi nhiều lần chứng kiến giới phân tích phương Tây cho rằng Nga sẽ sớm cạn vũ khí. Đừng mất công chờ đợi. Tiến độ xuất xưởng khí tài và trang bị đặc biệt đang tăng gấp nhiều lần ở mọi lĩnh vực, từ xe tăng đến pháo binh, tên lửa chính xác cao và máy bay không người lái (UAV). Hãy đợi đấy", Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev nói hôm 24/10.
Tạp chí quốc phòng IHS Janes có trụ sở tại Anh hồi giữa tuần chia sẻ phân tích về chiến sự, nhận định Nga đã tích trữ lượng lớn chip bán dẫn và thiết bị điện tử để sản xuất tên lửa từ nhiều năm trước khi mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, nhất là khi quan hệ giữa Moskva và phương Tây xấu đi sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.
Nhiều thiết bị điện tử trong số này vốn được dùng cho mục đích dân sự, nhưng Nga có thể cải tiến để lắp đặt chúng trên khí tài quân sự. Một số UAV Nga bị quân đội Ukraine tịch thu được trang bị máy ảnh thông thường, thay cho cảm biến chuyên phục vụ mục đích quân sự.
Nga có thể mua các thiết bị điện tử lưỡng dụng qua bên thứ ba, chủ yếu là các doanh nghiệp sẵn sàng hứng chịu lệnh trừng phạt của Mỹ nếu bị phát hiện. Điều này cho phép ngành công nghiệp quốc phòng Nga tránh được những ảnh hưởng từ lệnh cấm bán thiết bị bán dẫn và điện tử của phương Tây.
"Nhiều khả năng các dây chuyền sản xuất tên lửa của Nga đang hoạt động hết công suất. Nền kinh tế nước này gần như chuyển sang thời chiến, hàng loạt nhà máy công nghiệp quốc phòng đang làm việc ba ca và cả cuối tuần", phân tích của IHS Janes có đoạn.
Nga tận dụng kho tên lửa phòng không để tấn công mặt đất
Không quân Ukraine cho biết Nga đã sử dụng ít nhất 10 tên lửa thuộc hệ thống phòng không S-300 để tấn công các thành phố tiền tuyến trong ngày 17/11. Vitaly Kim, tỉnh trưởng tỉnh Mykolaiv ở miền nam Ukraine, hồi tháng 7 cũng thông báo lực lượng Nga phóng tên lửa S-300 nhằm vào khu vực này.
Năng lực tấn công mục tiêu mặt đất của hệ thống phòng không S-300 từng được hãng thông tấn Nga RIA Novosti đề cập trong bản tin về cuộc diễn tập của Quân khu miền Đông hồi tháng 5/2017. Trong cuộc diễn tập tại thao trường Khabarovsk, lực lượng phòng không Nga đã sử dụng S-300 để phá hủy mục tiêu mô phỏng "xe thiết giáp địch".
Hệ thống dẫn đường quán tính và cập nhật tham số mục tiêu qua đường truyền vô tuyến cho phép hệ thống S-300 tấn công mục tiêu cỡ lớn trên mặt đất. Các quả đạn S-300 cũng rất khó đánh chặn vì tốc độ cao và đường bay tương tự tên lửa đạn đạo.
Nga được cho là đang biên chế lượng lớn tên lửa S-300. "Đây là tổ hợp phòng không cũ hơn, kém năng lực hơn so với S-400. Bởi vậy, Nga có thể tận dụng lượng đạn S-300 đang niêm cất trong kho để tấn công mục tiêu mặt đất nhằm tiết kiệm chi phí", đại tá David Shank, cựu chỉ huy Trường Pháo Phòng không Lục quân Mỹ, nhận định.
Giới chuyên gia phương Tây cho rằng Nga có thể sử dụng tổ hợp S-300 để tập kích các mục tiêu trong tầm bắn của họ song ngoài tầm pháo kích, đồng thời rút ngắn thời gian tấn công mục tiêu và hạn chế tiêu hao tên lửa hành trình đắt tiền.
"Tên lửa hành trình phải bay xa và lâu hơn, trong khi tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander thường dành cho mục tiêu trọng yếu. Nga đã loại biên nhiều đơn vị S-300 để thay bằng tổ hợp S-400 và có kho dự trữ đạn khổng lồ, phù hợp để tiêu diệt mục tiêu cố định trên mặt đất, thay vì dùng cho các tình huống đánh chặn có rủi ro cao", biên tập viên Thomas Newdick của Drive nhận định.
Nga có thể tìm đến nguồn cung từ bên ngoài
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm 16/11 cho rằng Nga đang chật vật bổ sung kho tên lửa để đáp ứng nhu cầu chiến trường và phải tìm đến những quốc gia thân thiện như Iran nhằm bù đắp năng lực tiến công.
Chính phủ Ukraine những tháng qua cáo buộc Nga tăng cường sử dụng máy bay không người lái (UAV) tự sát Shahed-136 do Iran phát triển để tập kích hạ tầng dân sự. Phương Tây cùng các nhà nghiên cứu quốc phòng cũng nhận định tương tự, dựa trên hình ảnh thực tế và thông tin tình báo.
Nga phủ nhận sử dụng UAV Iran trong xung đột, nhấn mạnh các sản phẩm nội địa đang thể hiện hiệu quả trên chiến trường. Trong khi đó, Tehran thừa nhận "cung cấp cho Nga lượng nhỏ UAV vài tháng trước chiến sự Ukraine", đồng thời cam kết "không làm ngơ" nếu như phát hiện Moskva sử dụng UAV Iran cho chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Hồi đầu tháng 11, Yurii Ihnat, phát ngôn viên quân đội Ukraine cho hay họ dự đoán Iran sẽ chuyển một lượng tên lửa đạn đạo cho Nga. Ihnat cho hay các tên lửa này được sản xuất "khá gần đây" và có tầm bắn 300-700 km.
Nga rút vũ khí từ kho dự trữ chiến lược cho xung đột với NATO
"Phương Tây không thể nắm rõ tình trạng kho vũ khí của Nga, cũng như liệu nước này còn bao nhiêu tên lửa dự trữ", Mark Cancian, cựu chiến lược gia vũ khí tại Nhà Trắng, nêu quan điểm. Dù vậy, Mỹ và các đồng minh tin rằng bên cạnh lượng khí tài sử dụng ở Ukraine, Nga vẫn duy trì kho dự trữ vũ khí khổng lồ nhằm đề phòng trường hợp nổ ra xung đột quy mô lớn với NATO.
"Phương Tây coi đây xung đột Nga - NATO là kịch bản khó xảy ra, nhưng Moskva vẫn xem đó là nguy cơ tiềm tàng và vẫn xây dựng kho vũ khí lớn đề phòng", Cancian nhận định. "Khi xung đột với Kiev tăng nhiệt, Moskva hoàn toàn có thể rút một phần từ kho dự trữ này để tiến hành các cuộc tập kích cường độ lớn nhằm vào Ukraine".
Vũ Anh (Theo Japan Times)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét