IAEA lên án cuộc pháo kích vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine, cảnh báo nó có nguy cơ gây ra thảm họa hạt nhân lớn.
"Những vụ nổ tại nhà máy điện hạt nhân lớn này là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được. Điều này phải được dừng lại ngay lập tức, bất kể ai là người đứng sau. Như tôi đã nói nhiều lần trước đây, các bạn đang đùa với lửa", Rafael Grossi, tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), nói hôm 20/11.
Tuyên bố được ông Grossi đưa ra sau khi các thanh sát viên IAEA báo cáo hơn chục vụ nổ do đạn pháo làm rung chuyển nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, miền nam Ukraine vào tối 19/11 và ngày 20/11. Nhóm chuyên gia IAEA cho biết một số tòa nhà, hệ thống và thiết bị tại nhà máy đã bị hư hại, song chưa đe dọa an toàn hạt nhân của cơ sở.
Những đợt pháo kích vào nhà máy Zaporizhzhia, nơi Nga kiểm soát từ hồi tháng 3, đã làm dấy lên lo ngại về khả năng xảy ra sự cố hạt nhân nghiêm trọng, như thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986.
Moskva và Kiev đã nhiều lần đổ lỗi cho nhau về các vụ pháo kích vào nhà máy và lần này không ngoại lệ. Bộ Quốc phòng Nga cho biết Ukraine đã nã pháo vào đường dây cung cấp điện cho nhà máy, còn TASS dẫn lời quan chức Nga cho biết một số cơ sở lưu trữ của nhà máy đã bị Kiev pháo kích.
"Họ không chỉ nã pháo hôm qua, hôm nay mà ngay lúc này", Renat Karchaa, cố vấn của lãnh đạo tập đoàn năng lượng hạt nhân Nga Rosenergoatom, nói và thêm rằng bất kỳ cuộc pháo kích nào vào địa điểm này đều đe dọa an toàn hạt nhân.
Trong khi đó, tập đoàn năng lượng hạt nhân Ukraine Energoatom cáo buộc quân đội Nga thực hiện vụ pháo kích và ít nhất 12 quả đạn đã trúng vào nhà máy. Công ty này nói rằng Nga nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng cần thiết để khởi động lại các bộ phận của nhà máy, nhằm hạn chế nguồn cung điện cho Ukraine.
Nhà máy Zaporizhzhia cung cấp khoảng 1/5 lượng điện cho Ukraine trước xung đột và đã nhiều lần phải vận hành bằng các máy phát điện dự phòng. Nhà máy có 6 lò phản ứng làm máy bằng nước do Liên Xô thiết kế.
Các lò phản ứng tại nhà máy đã ngừng hoạt động, nhưng nhiên liệu hạt nhân vẫn có nguy cơ tan chảy nếu hệ thống làm mát bị mất điện và ngừng hoạt động. Các cuộc pháo kích đã khiến nguồn điện cung cấp cho hệ thống làm mát của nhà máy nhiều lần bị cắt.
Thanh Tâm (Theo Reuters)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét