Bộ Tài chính Mỹ cho biết Washington và đồng minh dự kiến áp trần giá dầu Nga từ ngày 5/12, nhằm cắt đứt nguồn tài chính quan trọng của Moskva.
Một quan chức cấp cao của Bộ Tài Chính Mỹ ngày 22/11 nói rằng Liên minh châu Âu (EU) đang tham khảo ý kiến các thành viên về mức giá và phương Tây sẽ thực hiện các bước áp giá trần ngay sau khi quy trình của EU hoàn tất.
Giá trần sẽ là cơ sở cho lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 5/12, cấm các công ty vận chuyển hoặc cung cấp bảo hiểm cho các lô hàng dầu Nga được bán trên mức giá cố định.
"Chúng tôi hy vọng họ sẽ hoàn thành các cuộc tham vấn về thiết lập giá trong vài ngày tới. Với tư cách liên minh, chúng tôi sẽ thực hiện áp giá trần từ ngày 5/12", quan chức Bộ Tài chính Mỹ nói.
Quan chức này thêm rằng không có lý do nào để cho rằng Moskva sẽ trả đũa chính sách mới, vì "bất kỳ hành động nào nhằm tăng giá sẽ tác động đến các khách hàng mới của họ, như Ấn Độ và Trung Quốc".
Giới chức tài chính khẳng định mức giá trần vẫn cho phép Nga kiếm được lợi nhuận, nhưng không cho phép họ có thể có nguồn thu quá lớn từ mức giá tăng.
Bộ Tài chính Mỹ hôm 22/11 cũng ban hành hướng dẫn tuân thủ mức giá trần cho các công ty tài chính và vận chuyển liên quan tới các giao dịch. Quan chức Mỹ thêm rằng mức giá trần có thể được xem xét cập nhật hàng quý hoặc nửa năm một lần, để đảm bảo bình ổn thị trường.
Cuộc xung đột Ukraine, bùng phát ngày 24/2, đã khiến giá năng lượng tăng vọt, mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ cho Nga và giúp nước này giảm thiểu các tác động của biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt. Mỹ và đồng minh cho biết áp trần giá dầu không chỉ nhằm tước nguồn thu của Nga, mà còn giúp hạ nhiệt giá năng lượng toàn cầu.
Nga nhiều lần cảnh báo nước này có thể cắt giảm sản lượng dầu để đối phó với tác động tiêu cực nếu phương Tây áp giá trần. Điện Kremlin cũng tuyên bố sẽ ngừng bán dầu cho các nước áp giá trần.
Trước khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi tháng 2, châu Âu là điểm đến của gần một nửa lượng dầu xuất khẩu Nga. Năm 2021, khối này nhập từ Nga khoảng 2,2 triệu thùng dầu thô, 1,2 triệu thùng sản phẩm tinh chế và 0,5 triệu thùng dầu diesel mỗi ngày, trong đó Đức, Ba Lan và Hà Lan là những khách hàng lớn nhất.
Thanh Tâm (Theo AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét