Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2022

Bà Merkel nói không đủ ảnh hưởng để ngăn xung đột Ukraine khi sắp về hưu

Bà Merkel nói từng định đàm phán với Tổng thống Nga về vấn đề Ukraine trước khi nghỉ hưu, song nhận thấy không đủ ảnh hưởng để làm điều này.

Cựu thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 24/11 chia sẻ trên Spiegel rằng bà và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng lên kế hoạch tổ chức đàm phán độc lập với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong khuôn khổ hội đồng châu Âu vào 2021, năm cuối bà nắm quyền và trước khi xung đột tại Ukraine bùng phát.

"Tuy nhiên, tôi không còn đủ ảnh hưởng để làm điều này vì mọi người đều biết rằng tôi sẽ rời nhiệm sở vào mùa thu năm đấy", bà Merkel thừa nhận. "Cảm giác lúc đó rõ ràng. Tôi đã hết quyền lực chính trị, còn ông Putin cho rằng chỉ quyền lực mới có giá trị".

Cựu thủ tướng Đức Merkel rời chính trường sau 16 năm lãnh đạo vào tháng 9/2021. Chuyến công du Nga cuối cùng trên cương vị thủ tướng Đức của bà Merkel diễn ra tháng 8/2021.

Cựu thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu trong một sự kiện tại Berlin ngày 7/6. Ảnh: Reuters.

Cựu thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu trong một sự kiện tại Berlin ngày 7/6. Ảnh: Reuters.

Bà Merkel hồi tháng 10 khẳng định không hối tiếc về chính sách năng lượng với Moskva trong nhiệm kỳ của bà, dù điều này bị cho là khiến Đức phụ thuộc vào khí đốt Nga. Bà cho rằng nguồn cung khí đốt giá rẻ từ Nga đã cho phép Đức thúc đẩy quá trình loại bỏ dần năng lượng hạt nhân và than đá.

Bà Merkel giữ chức thủ tướng Đức năm 2005-2021 và được nhận định vẫn là người có tầm ảnh hưởng tại nước này. Trong 16 năm tại vị, bà thường xuyên gặp Tổng thống Putin và ủng hộ cách tiếp cận thực dụng dựa vào thương mại với Nga. Chính quyền của bà Merkel đã ủng hộ xây dựng hai đường ống khí đốt quan trọng giữa Nga và Đức là Nord Stream 1 và 2.

Xung đột Nga - Ukraine diễn ra hơn 9 tháng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Điện Kremlin ngày 24/11 cho biết Ukraine có thể dừng xung đột bằng cách đáp ứng các yêu cầu của Nga, song không nêu rõ.

Trong khi đó, Ukraine tuyên bố xung đột chỉ kết thúc khi Nga rút toàn bộ quân khỏi lãnh thổ, trong đó có bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập từ năm 2014.

Ngọc Ánh (Theo Reuters)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét