World Cup 2022, sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh, giúp Qatar thoát vòng phong tỏa của các láng giềng Arab và tăng vị thế chính trị trong khu vực.
Vào đêm khai mạc World Cup 2022 tại sân vận động Al Bayt của thành phố Al Khor, vùng duyên hải phía đông bắc Qatar, Tiểu vương Tamim bin Hamad Al Thani có mặt trên khán đài để chứng kiến thành quả hơn một thập kỷ cùng hơn 220 tỷ USD xây dựng.
Ngồi cạnh ông là Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sissi, lãnh đạo của hai quốc gia Arab láng giềng mà vài năm trước còn dẫn dắt nỗ lực phong tỏa, cô lập Qatar vì cạnh tranh vị thế địa chính trị tại khu vực.
Căng thẳng giữa các bên leo thang vào năm 2017, khi Ai Cập cùng Arab Saudi cáo buộc Qatar hỗ trợ một số nhóm Hồi giáo cực đoan và có quan hệ thân thiết với Iran. Sau ba năm tìm cách chặn mọi tuyến giao thông đường hàng không, hàng thủy và đường bộ với Qatar, "Bộ tứ Chống khủng bố" Ai Cập, Bahrain, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Arab Saudi vào tháng 1/2021 đồng ý gỡ phong tỏa cho quốc gia này.
Sự xuất hiện của Thái tử Arab Saudi và Tổng thống Ai Cập, hai nước được ví như "anh lớn" trong khu vực, phần nào cho thấy Qatar đã tiến xa trong nỗ lực cải thiện vị thế chính trị của mình.
Vào thời kỳ cao điểm của cuộc khủng hoảng, một số tờ báo ở Vùng Vịnh thậm chí còn đăng đề xuất đào hào dọc biên giới Arab Saudi - Qatar và lấp đầy chất thải phóng xạ để chặn triệt để đi lại giữa hai nước. Những bình luận cực đoan như vậy phản ánh mối bất đồng sâu sắc, tưởng chừng như không thể dung hòa giữa Qatar và 4 nước láng giềng, khiến lãnh đạo Kuwait khi đó công khai lo ngại chiến tranh bùng nổ tại Vùng Vịnh.
Mây đen địa chính trị giờ đây dường như chỉ còn là quá khứ đối với người dân lẫn giới lãnh đạo Qatar. Trong bài phát biểu khai mạc World Cup 2022, Tiểu vương bin Hamad Al Thani ca ngợi truyền thống bao dung và đoàn kết của các bộ lạc Bedouin sinh sống trên dải đất trải dài từ bán đảo Arab đến Bắc Phi, nay đã trở thành những quốc gia Hồi giáo ở khu vực.
"Thật tuyệt vời khi chúng ta có thể gác lại những điều gây chia rẽ để cùng ở đây vinh danh tính đa dạng và những điều tích cực giúp chúng ta gắn kết", Tiểu vương Qatar nhấn mạnh.
Cũng có mặt trên hàng ghế thượng khách tại buổi lễ là Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, dù đội tuyển nước ông không giành được tấm vé vào vòng chung kết World Cup.
Giới quan sát cho rằng để tổ chức thành công sự kiện bóng đá lớn nhất thế giới, Doha đã nhận được sự hỗ trợ không nhỏ từ Ankara. Ngoài Iran, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nước lớn trong khu vực duy trì hỗ trợ Qatar vượt qua ba năm khủng hoảng ngoại giao, giúp quốc gia Vùng Vịnh duy trì liên kết giao thương với thế giới và nguồn cung hàng hóa thiết yếu.
Đại diện cho UAE là Phó tổng thống kiêm Thủ tướng Mohammed bin Rashid Al Maktoum, người đứng đầu tiểu vương quốc Dubai vốn có quan hệ thương mại và đầu tư mật thiết với Qatar.
Giới phân tích cho rằng việc Tổng thống UAE, Tiểu vương Abu Dhabi Mohammed bin Zayed Al Nahyan cùng nhà vua Bahrain Hamad bin Isa Al Khalifa vắng mặt ở Al Bayt cho thấy cục diện địa chính trị Vùng Vịnh vẫn còn sóng ngầm căng thẳng. Những hoàng tộc Hồi giáo ở khu vực chưa dứt hoài nghi với lập trường của Qatar về vai trò của Iran hay làn sóng cải cách khởi phát từ phong trào Mùa xuân Arab năm 2011, được xem là gốc rễ bất đồng giữa Qatar và phần còn lại của khu vực.
Tuy nhiên, những rạn nứt quan hệ như vậy không còn đe dọa Qatar trầm trọng như 5 năm trước.
Chính phủ Qatar đã phủ nhận mọi liên hệ với các nhóm Hồi giáo cực đoan, trong đó có những lực lượng từng tham gia cuộc nội chiến tại Syria. Phiến quân al-Qaeda đã chỉ trích nước chủ nhà World Cup mang những văn hóa "báng bổ đạo đức và vô thần" vào vùng đất Arab, song không đưa ra những lời đe dọa trực tiếp nhắm vào các sự kiện thể thao tại đây.
Quốc gia Hồi giáo cũng chấp nhận cởi mở hơn với phương Tây, đặc biệt trong giai đoạn World Cup diễn ra, khi cho phép phục vụ thức uống có cồn ở khách sạn và các khu vực dành cho cổ động viên bóng đá, bất chấp phản đối từ những người có quan điểm bảo thủ trong khu vực.
Đáp lại tinh thần này, một số chính khách và lãnh đạo phương Tây cũng công khai kêu gọi dư luận giảm chỉ trích Qatar trong vấn đề nhân quyền hay những vấn đề ngoài thể thao.
Chủ tịch Gianni Infantino nhấn mạnh Qatar đã nỗ lực và cầu thị để hiện thực hóa giấc mơ đăng cai sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh. Ông đồng thời phản bác những chính trị gia châu Âu thời gian qua lên án vấn đề nhân quyền ở Qatar, cho rằng bản thân người châu Âu "cần thêm 3.000 năm hối lỗi về những điều đã gây ra khắp thế giới trong 3.000 năm qua" trước khi nghĩ đến chuyện "rao giảng đạo đức".
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã kêu gọi dư luận và chính khách phương Tây "không chính trị hóa thể thao" khi bàn luận về World Cup Qatar. Trong khi đó, thành viên Nghị viện châu Âu (EP) Marc Tarabella đánh giá những cải cách của Qatar trong hành trình chuẩn bị World Cup có thể trở thành "hình mẫu tốt cho những láng giềng khu vực".
Phong trào tẩy chay với danh nghĩa nhân quyền của phương Tây với Qatar cũng không diễn ra như nhiều người lo lắng. Một số quan chức cấp cao phương Tây như Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Ngoại trưởng Anh James Cleverly hay Ngoại trưởng Bỉ Hadja Lahbib cùng các quan chức Liên Hợp Quốc cũng có mặt tại Qatar trong tuần đầu tiên diễn ra World Cup 2022.
Theo giới quan sát, Qatar đã chứng tỏ sự khôn khéo đáng kinh ngạc về địa chính trị, không chỉ với giấc mơ World Cup mà cả về chiến lược tổng thể, đảm bảo ràng buộc lợi ích với nhiều bên để duy trì vị thế quốc gia.
Kristian Ulrichsen, chuyên gia về Trung Đông của Viện Baker của Mỹ, nhận định tiếng nói của Qatar càng có thêm trọng lượng với phương Tây trong thời gian qua vì tác động từ xung đột Nga - Ukraine lên an ninh năng lượng thế giới, bên cạnh vai trò ngoại giao con thoi trong những vấn đề khu vực như thỏa thuận hạt nhân Iran và cuộc khủng hoảng Afghanistan.
Theo Mahfoud Amara, chuyên gia về quản lý thể thao tại Đại học Qatar, hoàng gia nước này sẽ tiếp tục đầu tư mạnh tay cho những sự kiện tầm cỡ quốc tế trong thời gian tới, xem thể thao là mảnh ghép quan trọng trong chiến lược quốc gia.
Trong thập kỷ này, quốc gia nhỏ bé ở Trung Đông còn đăng cai tổ chức vòng chung kết bóng đá Asian Cup 2023 và xa hơn nữa là đại hội thể thao châu lục Asian Games 2030. Giới chức Qatar đã bắt đầu thảo luận về khả năng xin đăng cai tổ chức Olympic mùa hè 2036, phát huy những hạ tầng thể thao và thành quả phát triển đô thị mà họ đã dốc tiền xây dựng hơn một thập kỷ qua cho World Cup lần này.
"Qatar đã quyết định học cách chạy xe ở làn cao tốc và họ có thừa tiền để thành công", Simon Chadwick, chuyên gia về kinh tế thể thao và địa chính trị tại Trường Kinh doanh Skema ở Pháp, nhận định về cách quốc gia Trung Đông hiện thực hóa giấc mơ World Cup.
Thanh Danh (Theo AP, Politico)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét