Nhiều phụ nữ Trung Quốc từng được cha mẹ đặt cho những cái tên thể hiện mong muốn sinh con trai giờ đây quyết định thay đổi điều đó.
"Sau một tuần, cuối cùng tôi đã hoàn thành thủ tục đổi tên với nhà chức trách. Hãy để các ngôi sao tỏa sáng trong những năm tới. Không bao giờ là quá muộn!", Chen Xingwan, 20 tuổi, viết trên mạng xã hội để ăn mừng thay đổi lớn của mình.
Hai thập kỷ qua, cô gái trẻ Trung Quốc này được gọi với cái tên Chen Yanan, trong đó "ya" nghĩa là "thứ hai" và "nan" nghĩa là "đàn ông".
Theo cha Chen, người đã đặt tên cho cô, cái tên nghĩa là "một cậu bé sẽ đến sau đứa trẻ này", còn mẹ cô giải thích rằng nó có nghĩa "bạn không tệ hơn một cậu bé".
Chia sẻ giấy tờ đổi tên của mình trên mạng xã hội Xiaohongshu, nữ sinh viên đại học đến từ tỉnh miền đông An Huy cho hay cô hy vọng nó sẽ chấm dứt quãng thời gian dài cô tự nghi ngờ bản thân và mở ra một chương mới trong cuộc đời cô.
Chen chỉ là một trong số rất nhiều phụ nữ Trung Quốc đang thay đổi những cái tên phân biệt giới tính mà cha mẹ đặt cho họ, vốn để thể hiện mong muốn có con trai.
Xu hướng này phát triển nhanh trong năm qua giữa bối cảnh phong trào đấu tranh vì nữ quyền ngày càng được thúc đẩy ở Trung Quốc và chính phủ cũng nới lỏng quy định đối với việc thay tên đổi họ.
Vào đầu năm ngoái, Trung Quốc đã áp dụng quy định cho phép người lớn chọn tên của mình, miễn là các từ được sử dụng "không đi ngược những giá trị xã hội cơ bản".
Do truyền thống thích con trai nối dõi trong xã hội Trung Quốc, những cái tên con gái thể hiện mong ước của gia đình về việc sinh được "quý tử" đã trở nên rất phổ biến. Kết quả là nhiều cái tên phân biệt giới tính ra đời, như Yanan, nghĩa là "chỉ đứng sau nam giới", Zhaodi: "tín hiệu có em trai", Yingdi: "chào đón em trai ra đời" hay Aidi: "em trai yêu quý".
Theo Bộ Công an Trung Quốc, trong số những công dân nữ mang ba họ phổ biến nhất nước là Wang, Li và Zhang, gần 32.000 người có tên "chỉ đứng sau nam giới", hơn 13.000 người mang tên "tín hiệu có em trai".
"Từ nhỏ, tất cả giáo viên của tôi sẽ hỏi tôi những câu hỏi giống nhau khi lần đầu tiên nhìn thấy tên tôi, như 'Cha em muốn có con trai à? Em có em trai chưa?'", Chen chia sẻ.
Em trai Chen chào đời sau cô ba năm và được đặt tên là Yongkuan. "Đó là một cái tên rất bình thường và sẽ không mang lại bất kỳ rắc rối nào cho thằng bé", cô nói.
Tuy nhiên, Chen cho biết cô bị xã hội kỳ thị vì cái tên của mình. Cô kể rằng các bạn cùng lớp đã đặt cho cô những biệt danh khó chịu liên quan đến đàn ông, như "phòng của nam giới".
"Tôi ghét cái tên của mình từ lúc còn nhỏ. Khi tôi được yêu cầu giới thiệu bản thân, tôi luôn không muốn nói tên mình", Chen cho hay.
"Đối với một số người, tên của họ có thể không đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng với nhiều người khác, họ có thể bị tổn thương vì cái tên của mình. Một số người còn bị ảnh hưởng xấu về mặt tâm lý", Chen giải thích.
Dưới bài đăng của Chen, không ít phụ nữ đã tỏ ra đồng cảm với cô. Họ cũng kể về trải nghiệm đổi tên của mình, đồng thời đăng kèm ảnh chụp thẻ căn cước với tên mới. Trong số này có Zhang Yingdi, 22 tuổi, đến từ Thiên Tân, người đã đổi tên thành Zhang Yuge, hay Lin Aidi, 24 tuổi, đến từ tỉnh Quảng Đông, với tên mới là Lin Lisha.
Huang Chunyu, giáo sư về văn hóa và lịch sử Trung Quốc, cho biết tên của một ai đó thường biểu đạt kỳ vọng và hiểu biết của người đặt tên về những gì tạo nên cuộc sống tốt đẹp.
"Ngay cả ngày nay, đối với không ít gia đình, sinh được con trai sau con gái vẫn đồng nghĩa với việc họ sẽ có được nhiều lợi ích hơn trong tương lai", ông nói. "Chừng nào quyền thừa kế hầu như vẫn chỉ dành cho nam giới thì mong muốn có con trai nối dõi sẽ vẫn còn đó".
Huang nói thêm rằng nhận thức cộng đồng ngày càng tăng về bình đẳng giới là động lực dẫn đến xu hướng đổi tên hiện nay.
"Sau kỷ nguyên của chính sách một con, phụ nữ trở nên độc lập và tự tin hơn. Họ từ chối phục tùng nam giới và tin rằng họ giỏi ngang bằng, thậm chí tốt hơn nam giới", ông giải thích. "Vì thế, xu hướng này phản ánh đúng sự phát triển của xã hội".
Chen cho hay cô rất vui vì thái độ của cha mẹ mình đã thay đổi theo thời gian. Chen nói rằng phụ huynh đã ủng hộ khi cô ấy chia sẻ bản thân muốn có một cái tên mới.
"Càng về già, họ không còn cứng nhắc như trước. Họ không chỉ đồng ý với quyết định của tôi mà còn giúp tôi chọn tên mới", Chen kể.
Vũ Hoàng (Theo SCMP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét