6 tuần Nga tập kích hạ tầng năng lượng Ukraine có thể đẩy nước này vào thảm họa, khi hàng triệu người phải chịu cảnh mất điện giữa mùa đông lạnh giá.
Thị trưởng Kiev Vitali Klitschko hôm 25/11 cho hay 60% hộ gia đình ở thủ đô Ukraine, nơi có 3 triệu dân, bị mất điện trong nhiều giờ liên tục, khi các kỹ sư nỗ lực sửa chữa các trạm biến áp và đường dây bị hư hại do các đợt tập kích tên lửa của Nga. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết nhiều người Kiev mất điện suốt 20-30 giờ khi nhiệt độ bắt đầu xuống thấp đầu mùa đông.
Các quan chức Ukraine và phương Tây gần đây liên tục cảnh báo rằng khả năng khôi phục cũng như bảo vệ lưới điện của họ ngày càng trở nên hạn chế trước các đòn tập kích tên lửa liên tục của Nga.
Hệ thống điện từ thời Liên Xô của Ukraine không dễ sửa chữa một cách nhanh chóng. Tại một số thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất, các quan chức không thể làm gì khác hơn ngoài kêu gọi người dân sơ tán, điều có thể làm tăng nguy cơ sụp đổ nền kinh tế và khủng hoảng tị nạn lan rộng sang những quốc gia láng giềng châu Âu.
"Nói một cách đơn giản, thách thức lớn nhất trong mùa đông này là sinh tồn", Hans Henri P. Kluge, giám đốc khu vực của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phát biểu tại Kiev hồi đầu tuần, lưu ý rằng những tháng lạnh giá sắp tới "có thể đe dọa tính mạng hàng triệu người dân Ukraine".
Hôm 23/11, Nga tiếp tục trút mưa tên lửa lên Ukraine, tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng và các khu vực dân cư trên khắp đất nước, khiến ít nhất ba người thiệt mạng ở Kiev, theo chính quyền địa phương. Đợt tập kích tên lửa của Nga cũng gây ra tình trạng mất điện diện rộng, trong đó có cả thành phố Lviv ở phía tây Ukraine.
Bộ Năng lượng Ukraine cho hay cuộc tấn công khiến "phần lớn người tiêu dùng không có điện", "đa số các nhà máy nhiệt điện và thủy điện" phải ngừng hoạt động tạm thời, gây gián đoạn nguồn cung cấp nhiệt và nước.
Tuyết đã rơi khắp Ukraine và nhiệt độ đang giảm xuống dưới mức đóng băng ở nhiều vùng của đất nước. Kluge cho biết khoảng hai đến ba triệu người Ukraine sẽ phải rời bỏ nhà cửa để "tìm đến nơi khác ấm áp và an toàn hơn".
"Hành động này giống như vũ khí hóa người tị nạn", trung tướng lục quân Mỹ về hưu Ben Hodges, cựu chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu, nhận định về các cuộc tập kích tên lửa của Nga. "Bằng cách biến Ukraine thành nơi không thể trú ngụ vào mùa đông, họ sẽ đẩy thêm hàng triệu người dân nước này đến châu Âu. Điều đó sẽ gây áp lực lên các chính phủ châu Âu, có thể buộc họ phải gây áp lực trở lại Kiev".
Theo ông, Nga đang thua trên khắp các mặt trận, vì thế chiến thuật duy nhất của Moskva là nhắm vào cơ sở hạ tầng dân sự Ukraine để "gây áp lực" và hy vọng đạt được một giải pháp "có lợi cho Điện Kremlin".
Tuy nhiên, một quan chức cấp cao Liên minh châu Âu (EU) giấu tên khẳng định khối vẫn có khả năng tiếp nhận làn sóng tị nạn tiếp theo từ Ukraine và sẽ hỗ trợ Kiev "đến bao giờ có thể".
Nga chưa cho thấy dấu hiệu họ sẽ giảm các cuộc không kích. Tuần trước, Moskva triển khai khoảng 100 tên lửa và hàng loạt máy bay không người lái tự sát tấn công Ukraine trong hai ngày, khiến gần 10 triệu người dân mất điện.
Suốt nhiều tuần, tên lửa Nga tập trung nhắm vào các thành phần quan trọng của hệ thống truyền tải điện Ukraine, đánh sập nhiều trạm biến áp, làm gián đoạn nguồn cung cấp điện tới các hộ gia đình, doanh nghiệp, văn phòng chính phủ, trường học, bệnh viện cùng những cơ sở thiết yếu khác.
Tuần trước, Nga tiếp tục mở rộng mục tiêu của mình. Oleksiy Chernyshov, giám đốc điều hành công ty năng lượng nhà nước Ukraine Naftogaz, cho biết một "cuộc tập kích tên lửa" đã tấn công 10 cơ sở sản xuất khí đốt ở các vùng Kharkov và Poltava.
"Tất nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để phục hồi, nhưng điều này cần thời gian và nguồn lực lớn", Chernyshov nói. "Thời gian là điều cốt yếu bởi mùa đông đang đến".
Theo Victoria Voytsitska, cựu nghị sĩ quốc hội, người đang làm việc với các nhóm xã hội dân sự để tìm kiếm thiết bị cần thiết cho Ukraine, việc Nga nhắm mục tiêu vào các nguồn cung cấp khí đốt là một diễn biến đáng chú ý. Nếu Moskva phá hủy hệ thống cung cấp khí đốt của Ukraine, nhiều làng mạc và thành phố trên khắp đất nước sẽ "không thể ở được".
Voytsitska cùng một số quan chức Ukraine dự đoán quân đội Nga thời gian tới sẽ tập trung đánh phá các phần quan trọng khác của hệ thống phân phối khí đốt cũng như các cây cầu và tuyến đường sắt trọng yếu. Bà đặc biệt lo ngại trước khả năng Nga tấn công những nhà máy vận hành hệ thống sưởi ấm tập trung ở các thành phố lớn, đẩy hàng triệu người phải sống trong cảnh nhiệt độ đóng băng.
"Điều có thể chặn đòn tập kích của Nga là các hệ thống phòng thủ tên lửa phương Tây, thứ chúng tôi chưa có đủ", bà nói.
Các thành phố trên khắp Ukraine, trong đó có thủ đô Kyiv, đang tiến hành cắt điện luân phiên để giảm tải cho lưới điện, nhất là vào giờ cao điểm. Thời gian cắt thường kéo dài khoảng 4 tiếng.
Borys Filatov, thị trưởng thành phố Dnipro, miền trung Ukraine, cho biết 9 tiếng là quãng thời gian cắt điện dài nhất tại đây. Ở Kiev, theo Phó thị trưởng Petro Panteleyev, thời gian mất điện có thể lên đến 12 tiếng.
Bất chấp những khó khăn, Bộ trưởng Năng lượng Ukraine German Galushchenko khẳng định tình hình "vẫn được kiểm soát". Nhưng ông thừa nhận sau mỗi cuộc tập kích, việc khôi phục các thiết bị hư hại cũng như đảm bảo hệ thống điện hoạt động trơn tru càng trở nên khó khăn hơn.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov trong khi đó tuyên bố các cuộc tập kích sẽ tiếp diễn cho đến khi Nga đạt được mục tiêu của mình. Bộ Quốc phòng Nga cũng tuyên bố đòn tấn công bằng tên lửa vào hạ tầng năng lượng đã cản trở đáng kể khả năng tiếp tế hậu cần cho lực lượng Ukraine ở tiền tuyến.
Theo Volodymyr Kudrytskyi, người đứng đầu nhà điều hành lưới điện Ukraine Ukrenergo, Nga chủ yếu nhắm vào những trạm biến áp, nơi dòng điện được chuyển hướng từ các trạm phát. Thiết bị quan trọng nhất ở những trạm biến áp này là máy biến áp tự động có công nghệ và chi phí cao, rất khó thay thế.
Kudrytskyi cho biết ở một số nơi, hệ thống điện đã bị tấn công tới 5 lần. Các đội sửa chữa phải "làm việc 24/7 để khắc phục thiệt hại nhanh nhất có thể". Song ngay sau đó, "tên lửa Nga lại bay tới", tạo ra "một đống phế liệu cháy rụi tại nơi họ vừa lắp đặt một máy biến áp mới".
Vậy nên, các nhà điều hành điện Ukraine luôn cần lượng lớn nguyên vật liệu thay thế. Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ cho hay họ đang cố gắng hết sức nhằm đảm bảo hỗ trợ Ukraine khôi phục lưới điện, trong đó có 7 triệu USD thiết bị sửa chữa tới các thành phố Kiev, Kharkov, Sumy và Mykolaiv. Theo kế hoạch, số hàng này sẽ tới Ukraine vào tuần tới.
Trong một thông báo, cơ quan này cho biết đang chuyển hơn 1.700 máy phát điện cho Ukraine, trong đó có một số máy sẽ được dùng cho các trung tâm sưởi ấm khẩn cấp.
Nhưng máy biến áp tự động, "trái tim" của các trạm biến áp, mới là thứ Ukraine cần nhất lúc này và là chìa khóa giữ cho lưới điện hoạt động.
Các quan chức ở Washington cho biết họ nhận thức được nhu cầu của Ukraine và đang nỗ lực hết sức để tìm kiếm cũng như cung cấp phụ tùng thay thế. Tuy nhiên, các nhà sản xuất Mỹ không phải lúc nào cũng có sẵn thiết bị cần thiết và nếu có, họ cũng mất rất nhiều thời mới chuyển được chúng tới Ukraine. Giải pháp được đề xuất là thành lập một kho dự trữ phụ tùng thay thế ở Ba Lan để chuyển chúng tới Ukraine khi cần.
Olena Pavlenko, chủ tịch DiXi Group, công ty tư vấn năng lượng có trụ sở tại Kiev, đã tới Pháp và Mỹ tuần trước để cố gắng thúc đẩy các đối tác của Ukraine tăng tốc độ cung cấp thiết bị.
EU đã thiết lập một cơ chế để nhanh chóng đáp ứng yêu cầu của Ukraine từ thiết bị có sẵn trong kho. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết cuộc họp của các nhà tài trợ cho Ukraine vào ngày 13/12 sẽ tập trung vào vấn đề cơ sở hạ tầng.
Nhưng đối với nhiều người, từ nay đến giữa tháng 12 là một chặng đường dài. "Từ 'nghiêm trọng' và 'khẩn cấp' vẫn còn quá nhẹ khi dùng để mô tả nhu cầu thiết bị sửa chữa mạng lưới điện của Ukraine", Bộ trưởng Năng lượng Galushchenko nói. "Đối với chúng tôi, mỗi giờ trôi qua đều cấp bách".
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét