Thứ Năm, 30 tháng 9, 2021

Biến chủng R1 'gần như biến mất' ở Mỹ

Biến chủng R1 mang một số đột biến có thể tăng khả năng lây lan và né vaccine dường như "về cơ bản đã biến mất" ở Mỹ.

Andy Pekosz, nhà virus học tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, Mỹ tuần này cho biết biến chủng R1 được quan tâm vì nó mang một số đột biến có thể tránh phản ứng miễn dịch của cơ thể.

"Tuy nhiên, ngay trước khi biến chủng Alpha lây lan khắp Mỹ, tiếp đó là Delta, và sau khi Alpha và Delta lây lan rộng, R1 về cơ bản đã biến mất", Pekosz nói. "Điều đó nói với chúng tôi rằng Alpha và Delta có lẽ là những biến chủng lây lan cao hơn R1, dù R1 mang một số đột biến khiến chúng tôi lo ngại".

Barbara Ferrer, giám đốc Y tế Công cộng hạt Los Angeles, bang California, hôm 28/9 cũng nói rằng R1 dường như không còn lây lan ở Mỹ.

"Biến chủng này mang những đặc tính khiến mọi người lo lắng, nhưng nó đang dần biến mất", Ferrer cho biết.

Hiện 70 trường hợp liên quan biến chủng R1 được xác định trên khắp California. "Số lượng thấp ca nhiễm biến chủng R1 trong dữ liệu có sẵn ở California cho thấy biến chủng này có mức lây lan thấp trên toàn bang", quan chức bang cho hay. "R1 được xác định lần đầu ở California vào tháng 12/2020 và chưa được ghi nhận thêm kể từ tháng 5".

R1 làm dấy lên một số lo ngại vì nó mang những đặc tính mà giới chức cho rằng có thể dễ lây lan hơn hoặc làm giảm hiệu quả của các loại vaccine đang được triển khai. Tuy nhiên, cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đều không phân loại R1 là biến chủng cần quan tâm hoặc được quan tâm.

R1 thu hút sự chú ý đáng kể vào tháng 4, khi là chủ đề một nghiên cứu được CDC công bố liên quan đợt bùng phát tại viện dưỡng lão ở bang Kentucky.

Theo CDC, Mỹ hiện tiêm được gần 393 triệu liều vaccine trong nước và phân phối hơn 474 triệu liều. Hơn 214 triệu người đã được tiêm ít nhất một mũi, trong khi gần 185 triệu người hoàn thành tiêm chủng. Khoảng 4 triệu người đã được tiêm mũi tăng cường Pfizer hoặc Moderna kể từ 13/8.

Kỹ thuật viên y tế khẩn cấp tiêm vaccine Pfizer/BioNTech cho một thiếu niên ở thành phố Los Angeles, bang California, Mỹ hôm 23/8. Ảnh: AFP.

Kỹ thuật viên y tế khẩn cấp tiêm vaccine Pfizer/BioNTech cho một thiếu niên ở thành phố Los Angeles, bang California, Mỹ hôm 23/8. Ảnh: AFP.

Thế giới đã ghi nhận 202.338.692 ca nhiễm nCoV và 4.289.467 ca tử vong, tăng lần lượt 676.407 và 9.968, trong khi 180.138.241 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.

WHO hôm 30/9 cho biết chỉ 2%, hoặc thấp hơn, dân số châu Phi đã được tiêm chủng đầy đủ. 15/54 quốc gia châu Phi đã tiêm chủng cho ít nhất 10% dân số, đạt mục tiêu toàn cầu do Đại hội đồng Y tế Thế giới đặt ra hồi tháng 5.

"Dữ liệu mới nhất cho thấy mức tăng khiêm tốn nhưng vẫn còn chặng đường dài để đạt mục tiêu của WHO là tiêm chủng đầy đủ cho 40% dân số vào cuối năm nay", Richard Mihigo, điều phối viên tiêm chủng của WHO tại châu Phi cho biết, thêm rằng các lô vaccine ngày càng tăng "nhưng kế hoạch giao hàng không rõ ràng" khiến tiêm chủng bị trì trệ.

Tổng cộng 23 triệu liều vaccine đã đến châu Phi trong tháng 9, tăng gấp 10 lần so với tháng 6. Hầu hết các nước châu Phi đã đạt hoặc hoàn thành tốt hơn mục tiêu 10% đều có dân số tương đối nhỏ.

Các hòn đảo Mauritius và Seychelles đã tiêm chủng đầy đủ cho hơn 60% dân số, theo dữ liệu của WHO. Ở Morocco, 48% dân số đã được tiêm hai mũi, trong khi con số này là trên 20% ở Tunisia, Comoros và Cape Verde.

Ca Covid-19 ở châu Phi giảm 35%, xuống còn hơn 74.000 trường hợp trong tuần tính đến 26/9. Gần 1.800 trường hợp tử vong được báo cáo ở 34 quốc gia châu Phi trong cùng thời gian.

Nga ghi nhận ca tử vong cao kỷ lục ngày thứ ba liên tiếp với 867 trường hợp được ghi nhận trong 24 giờ qua và 23.888 ca nhiễm mới, trong bối cảnh ca nhiễm tăng đột biến do biến chủng Delta và tỷ lệ tiêm chủng hạn chế. Số liệu mới nâng tổng số người chết do Covid-19 ở Nga lên 207.255, cao nhất châu Âu.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết tỷ lệ tiêm chủng của Nga "vẫn chưa đủ". "Chúng ta cần tiếp tục tích cực giải thích rằng thứ duy nhất cứu sống được nhiều người là vaccine", Peskov nói.

Là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề thứ năm trên thế giới với hơn 7 triệu ca nhiễm, Nga ghi nhận ca nhiễm tăng cao, đặc biệt ở thủ đô Moskva, trong tháng qua.

Moskva và một số khu vực đã áp dụng tiêm chủng bắt buộc từ mùa hè, nhưng tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt kỳ vọng. Tính đến 30/9, gần 29% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ.

Ukraine hôm 30/9 ghi nhận ca Covid-19 hàng ngày cao nhất kể từ tháng 4 với 11.757 trường hợp, cùng 194 ca tử vong và 2.556 ca nhập viện. Giới chức đất nước khoảng 40 triệu dân này ban đầu phải vật lộn với tình trạng thiếu vaccine và hiện chiến đấu để thuyết phục những người hoài nghi vaccine.

Chiến dịch tiêm chủng cũng bị cản trở do sự gia tăng chứng nhận tiêm chủng và xét nghiệm PCR giả.

Bộ trưởng Y tế Ukraine Viktor Lyashko cho biết cơ quan này đang chuẩn bị đưa ra hình thức tiêm chủng bắt buộc cho giáo viên và quan chức chính phủ. Những nhân viên không được tiêm phòng sẽ có nguy cơ mất việc.

4 loại vaccine, trong đó có AstraZeneca, Pfizer và Moderna, hiện có sẵn ở Ukraine, nhưng chỉ 14% người Ukraine đã được tiêm chủng đầy đủ.

Ukraine hiện ghi nhận hơn 2,4 triệu ca nhiễm và hơn 56.000 ca tử vong. Chính phủ giữa tháng trước tái áp đặt hàng loạt biện pháp hạn chế virus lây lan.

Philippines ghi nhận 2.549.966 ca nhiễm và 38. 294 ca tử vong, tăng lần lượt 14.286 và 130 ca.

Bộ trưởng Kế hoạch Kinh tế Karl Kendrick Chua cho biết nền kinh tế Philippines sẽ mất hơn một thập kỷ để trở lại đà tăng trưởng 6,4% trước đại dịch, đồng thời cảnh báo hai thế hệ tiếp theo của người Philippines sẽ phải chịu tác động của Covid-19.

Các lệnh phong tỏa và biện pháp hạn chế nhằm ngăn virus lây lan đã khiến nền kinh tế Philippines bị tàn phá, hàng triệu người mất việc làm và nhiều gia đình rơi vào cảnh nghèo đói. Gần 70% nền kinh tế, bao gồm 23,3 triệu lao động, vẫn bị "kiểm dịch cao độ".

"Phí tổn lâu dài do Covid và việc kiểm dịch cho cả xã hội hiện tại và tương lai, tức thời con cháu chúng ta, sẽ lên tới 41,4 nghìn tỷ peso (810 tỷ USD)", Chua cho biết.

Con số này cao hơn gấp đôi tổng sản phẩm quốc nội của Philippines năm 2020, mà Ngân hàng Thế giới ước tính là 361,5 tỷ USD. Chua cho rằng tổn thất có thể được cảm nhận trong 10 đến 40 năm tới, đồng thời cảnh báo việc phong tỏa có thể gây nạn đói lớn hơn và không phải cách phản ứng với đại dịch.

Hơn 1/4 dân số trưởng thành đã được tiêm chủng đầy đủ, trong bối cảnh việc triển khai tiêm chủng bị trì hoãn và chậm chạp.

Huyền Lê (Theo AFP, LA Times, Globalnews)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét