Kết quả sát nút trong cuộc tổng tuyển cử khiến Đức đối mặt thời kỳ sóng gió, khi các ứng viên cạnh tranh giành quyền lãnh đạo thay thế Merkel.
Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ từ Ủy ban Bầu cử Đức hôm nay, đảng Dân chủ Xã hội (SPD) giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử với 25,7% số phiếu, cao hơn đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel với 24,1%. Đây là tỷ lệ thấp nhất của CDU trong các cuộc tổng tuyển cử Đức, kể từ khi đảng này được thành lập năm 1945.
Đảng Xanh đứng thứ ba với 14,8%, trong khi đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) giành được 10,3% số phiếu.
Do chiến thắng nhưng không giành được đa số tuyệt đối trong cuộc tổng tuyển cử, SPD sẽ phải lập liên minh với đảng khác để thành lập chính phủ mới và chọn người sẽ lãnh đạo nước Đức sau 16 năm cầm quyền của bà Merkel. Trong trường hợp SPD không lập được liên minh cầm quyền, cơ hội sẽ được trao cho CDU, đảng chỉ kém SPD chưa tới 2% số phiếu.
Đây là lý do Phó thủ tướng Đức Olaf Scholz, ứng viên thủ tướng đảng SPD, và đối thủ Armin Laschet của CDU đều tuyên bố có quyền lãnh đạo, khởi đầu cuộc chạy đua tìm kiếm đối tác để lập liên minh cầm quyền. Điều này có thể dẫn tới nhiều tháng bất ổn chính trị ở đất nước đã trải qua 16 năm yên bình dưới thời Thủ tướng Merkel.
Cuộc bầu cử cũng thu hút sự chú ý của các đồng minh phương Tây, do sự bất định trong chính trị nội bộ Đức có thể làm mờ vai trò của nước này trên thế giới, cũng như để lại khoảng trống lãnh đạo ở châu Âu.
Laschet, 60 tuổi, và Scholz, 63 tuổi, đều khẳng định mục tiêu là xây dựng chính phủ mới trước Giáng sinh. "Người dân muốn sự thay đổi trong chính quyền", Scholz nói, sau khi hoàn thành chiến dịch tranh cử mà không mắc sai sót nào, trái ngược với hàng loạt sai lầm của đối thủ Laschet.
"Scholz và Laschet đều muốn nắm quyền. Trận đấu cân não đã bắt đầu: Ai là người nắm giữ những quân bài tốt hơn", tờ Bild đặt câu hỏi sau cuộc bầu cử.
Môi trường chính trị rạn nứt thời hậu Merkel và sự sít sao trong tỷ lệ phiếu bầu có thể tạo ra liên minh ba đảng cầm quyền, chấm dứt truyền thống chính phủ liên minh gồm hai đảng được duy trì từ sau năm 1945 đến nay.
Scholz và Laschet sẽ tìm đến đảng Xanh và đảng Tự do Dân chủ (FDP) để giành đa số cần thiết tại quốc hội. Dù vậy, họ sẽ phải tìm cách giải quyết những bất đồng lớn giữa các đảng, như vấn đề thuế và đầu tư công trong bảo vệ môi trường.
Ứng viên thủ tướng của đảng Xanh Annalena Baerbock vẫn để ngỏ khả năng liên minh, cho biết "đã đến lúc có khởi đầu mới cho nước Đức".
Lãnh đạo FDP Christian Lindner đề xuất phương án đối thoại với đảng Xanh trước khi bắt đầu thảo luận với SPD và CDU. "Châu Âu đang chờ Đức có chính phủ mới", ông nói tối 26/9. Lindner trước đó tỏ ý ủng hộ liên minh với CDU, đảng Xanh và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU), nhưng cũng không loại trừ khả năng ngả về liên minh với SPD và đảng Xanh.
Trong khi đó, Laschet tạo ra cảm giác gấp rút khi cho rằng Đức cần có chính phủ đủ sức hành động trước khi đảm nhận chức chủ tịch G7 vào năm sau.
Cả SPD và CDU đều không muốn tái lập liên minh giữa hai phe cánh tả và cánh hữu từng xuất hiện trong 3 nhiệm kỳ của bà Merkel.
Không đảng nào muốn liên kết với AfD do vấn đề người nhập cư vốn được đảng này theo đuổi đã biến mất khỏi chương trình nghị sự. Đảng cực tả Linke cũng mất sự ủng hộ và đang luẩn quẩn quanh ngưỡng 5% số phiếu để được vào quốc hội.
Thủ tướng Merkel sẽ tiếp tục tại nhiệm cho đến khi những cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh được hoàn tất. Nếu điều này kéo dài quá ngày 17/12, bà sẽ trở thành thủ tướng tại vị lâu nhất trong lịch sử Đức, vượt qua Helmut Kohl.
Tới nay, bà Merkel vẫn là chính trị gia được ủng hộ nhất nước Đức. Sự ra đi tự nguyện của bà khiến không ít người tiếc nuối.
Tuy nhiên, di sản của Merkel có thể bị ảnh hưởng bởi kết quả tồi tệ của CDU trong cuộc bầu cử hôm 26/9, khi đảng của bà lần đầu giành được số phiếu dưới 30% trong hơn 70 năm qua. Điều này thể hiện rõ nhất ở vùng giáp biển Baltic, nơi CDU đã kiểm soát từ năm 1990, giờ đây rơi vào tay SPD.
"Sự vắng bóng của Merkel gây ra rất nhiều thiệt hại", Alfons Thesing, thành viên CDU, nói.
Nhiều quốc gia cũng sẽ nhớ đến Merkel, khi bà đã dẫn dắt Liên minh châu Âu (EU) trong những năm bất ổn vì khủng hoảng tài chính, người nhập cư tăng vọt, Brexit và đại dịch Covid-19. Các đảng chính tại Đức đều thân thiện với EU, nhưng không ứng viên nào đủ sức lấp khoảng trống về ảnh hưởng chính trị sau khi bà ra đi.
Vũ Anh (Theo AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét