Thứ Tư, 29 tháng 9, 2021

Nước Đức mới giữa hai dòng nước Mỹ - Trung

Nước Đức dưới sự lãnh đạo của Olaf Scholz, người có khả năng cao nhất kế nhiệm Merkel, có thể chịu áp lực chọn phe lớn hơn từ hai siêu cường Mỹ - Trung.

Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz đã giành chiến thắng sát nút trong cuộc bầu cử ngày 26/9 trước đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) từng được Thủ tướng Angela Merkel dẫn dắt. SDP giành được 25,7% số phiếu, tiếp theo là CDU với 24,1%, tỷ lệ thấp nhất mà đảng này giành được từ khi thành lập vào năm 1945.

Kết quả này khiến hai đảng lớn nhất của Đức không thể tự mình thành lập chính phủ mới mà phải đàm phán liên minh với các đảng khác để chiếm tỷ lệ quá bán trong quốc hội gồm 735 ghế.

Scholz đang đứng trước cơ hội tốt nhất để liên minh thành lập chính phủ và trở thành người kế nhiệm Merkel. Dù còn quá sớm để khẳng định Scholz sẽ trở thành thủ tướng Đức, nhiều chuyên gia đã có những hình dung ban đầu về một chính phủ dưới sự dẫn dắt của ông.

Olaf Scholz, ứng viên thủ tướng đảng Dân chủ Xã hội (SPD) tại họp báo ở Berlin hôm 21/7. Ảnh: Reuters.

Olaf Scholz, ứng viên thủ tướng đảng Dân chủ Xã hội (SPD) tại họp báo ở Berlin hôm 21/7. Ảnh: Reuters.

Hans Kundnani, giám đốc Chương trình châu Âu của viện Chatham House ở Anh, nói rằng trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc ngày càng cạnh tranh gay gắt với nhau, chính phủ mới của Đức có thể phải từ bỏ chính sách vừa gắn bó về chính trị với Mỹ đồng thời tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc được duy trì trong suốt 16 năm nhiệm kỳ của bà Merkel.

"Đức và các nước châu Âu dần dần sẽ phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn, khi cả Mỹ và Trung Quốc có thể tạo áp lực để khiến họ phải chọn phe. Những áp lực này sẽ ngày càng khó khăn hơn", Kundnani nói.

Ariane Reimers, nhà nghiên cứu cấp cao về chính sách tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator (MERICS) ở Berlin, nói Scholz có thể theo đuổi một chính sách thực dụng và theo hướng kinh doanh nhiều hơn với Trung Quốc, tương tự con đường của Thủ tướng Merkel.

"Nhưng ông ấy sẽ phải tìm cách hợp nhất quan điểm với đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do, khi cả hai đều có cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc, đặc biệt là về vấn đề nhân quyền", Reimers nói.

Chuyên gia Reimers cho rằng một liên minh do Scholz dẫn dắt có thể sẽ ít nghiêng về mối quan hệ với Mỹ hơn một chính phủ do ứng viên Armin Laschet của CDU lãnh đạo, dù SPD tuyên bố muốn "khởi động lại" mối quan hệ với Mỹ.

"Nhưng bất kể ai là người lãnh đạo Đức, không đảng nào hứng thú theo đuổi một chính sách đối đầu quá mức với Trung Quốc bởi bất kỳ tình huống 'Chiến tranh Lạnh' hoặc tiến sát bờ vực 'Chiến tranh Lạnh' đều có thể tổn hại đến lợi ích kinh tế Đức", bà nói.

Trong những năm gần đây, Thủ tướng Merkel đã gặt hái thành công trong việc cân bằng mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ. Bà đã tới thăm Trung Quốc 12 lần trong suốt nhiệm kỳ thủ tướng, nhiều hơn bất kỳ lãnh đạo châu Âu nào khác.

Kundnani cho rằng di sản của bà Merkel trong mối quan hệ với Trung Quốc sẽ được tiếp nối trong chính quyền mới.

"Quan điểm của Merkel về cơ bản sẽ được tiếp tục trên một loạt lĩnh vực khác nhau. Điều đó là do sự khác biệt giữa hai ứng viên Scholz và Laschet hay sự khác biệt giữa họ và Merkel là không đáng kể", Kundnani nói.

Chuyên gia này thêm rằng ngoài ra, các đảng trong liên minh sẽ phải thỏa hiệp về nhiều chính sách, bao gồm cả Trung Quốc. SPD không có xu hướng "diều hâu" với Trung Quốc hơn CDU và thậm chí còn ít đối đầu hơn. Đảng Xanh được xem là nơi đặt hy vọng lớn nhất về sự thay đổi trong mối quan hệ Đức - Trung, nhưng bất kể họ kiểm soát bộ nào trong liên minh cầm quyền, chính sách về Trung Quốc vẫn được quyết định bởi thủ tướng, theo Kundnani.

Trong suốt nhiệm kỳ thủ tướng, Merkel không công khai lên tiếng nhiều về vấn đề nhân quyền của Trung Quốc, điều Kundnani dự đoán tiếp tục xảy ra dưới thời Scholz.

"Cách tiếp cận đã có từ thời thủ tướng Gerhard Schroeder, khi những vấn đề này thường được âm thầm giải quyết với Trung Quốc, bởi chính trị gia Đức nhận thấy đó là cách hiệu quả hơn", Kundnani nói. "Tôi không cho rằng Scholz sẽ thẳng thắn hơn Merkel về những vấn đề này".

Tuy nhiên, Kundnani cho rằng những bình luận công khai thường xuất hiện trong các vấn đề về kinh tế và quân sự, những lĩnh vực thực sự "thử thách" mối quan hệ Đức - Trung.

"Đây là những vấn đề sẽ cho thấy thực sự chính sách của bạn như thế nào, như chính sách kinh tế của Đức với Trung Quốc sẽ ra sao hay những câu hỏi liên quan tới an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", Kundnani nói. "Tôi không nghĩ sẽ thấy sự khác biệt lớn".

Thanh Tâm (Theo Newsweek)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét