Tập đoàn CASC Trung Quốc giới thiệu mẫu máy bay FH-97 có thiết kế giống UAV trợ chiến XQ-58A Mỹ, dù kỹ sư nước này từng chê tính năng của nó.
Mô hình máy bay không người lái (UAV) FH-97 của Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC) xuất hiện lần đầu tại triển lãm hàng không ở thành phố Chu Hải, diễn ra ngày 28/9-3/10.
FH-97 có thiết kế tương đồng cao với UAV trợ chiến XQ-58A Valkyrie do hãng Kratos của Mỹ phát triển, với thân hình thang để tàng hình, cánh chính vuốt nhọn, đuôi hình chữ V và khe hút gió nằm trên lưng máy bay. FH-97 cũng có khoang chứa vũ khí bên trong thân với cạnh răng cưa như XQ-58A.
UAV FH-97 dường như được trang bị cảm biến quang điện đặt sau lớp kính màu vàng dưới mũi, loại kính tàng hình giống nắp buồng lái F-35 của Mỹ hoặc J-20 của Trung Quốc. FH-97 được trang bị hai động cơ thay vì một như XQ-58A, có thể do hạn chế hiệu suất của động cơ do nước này chế tạo.
CASC giới thiệu ngắn gọn rằng FH-97 là UAV tầm trung và tầm xa, song giới chuyên gia nhận định mẫu máy bay này có thể thực hiện nhiệm vụ tấn công và trinh sát. Hãng sản xuất chưa công bố thông số kỹ thuật của FH-97, song mẫu UAV này dường như có kích thước tương tự XQ-58A với chiều dài hơn 9 m, sải cánh hơn 8 m và trọng lượng cất cánh tối đa hơn 2,7 tấn.
Trước đó, kỹ sư cao cấp Lu Yuanjie và các đồng nghiệp tại Viện Nghiên cứu và Thiết kế Máy bay Thẩm Dương của Trung Quốc công bố báo cáo phân tích ưu nhược điểm của XQ-58A Valkyrie, cho rằng mẫu UAV chiến đấu này chỉ chịu được lực kéo 1,7 G (gấp 1,7 lần trọng lực) khi thực hiện động tác ngoặt gấp.
Lu và đồng nghiệp cho rằng các tiêm kích tham gia không chiến phải chịu được lực kéo 7G trở lên, nên khả năng cơ động yếu chính là điểm hạn chế đáng kể của XQ-58A, làm giảm đáng kể hiệu suất chiến đấu.
Trung Quốc không phải nước duy nhất phát triển UAV trợ chiến tương đồng mẫu XQ-58A Mỹ. Ấn Độ đang phát triển mẫu UAV trợ chiến mang tên Tổ hợp Không chiến Hợp thành (CAST) và Nga ra mắt UAV Grom mang nhiều nét tương đồng với XQ-58A.
Biên tập viên Thomas Newdick và Tyler Rogoway nhận định FH-97 cho thấy Trung Quốc đang đi theo hướng phát triển của không quân Mỹ và nhiều nước khác, với việc biên chế một UAV tàng hình được tối ưu cho các nhiệm vụ nguy hiểm như tấn công, tác chiến điện tử, tình báo, giám sát và trinh sát trong vùng trời trên khu vực xung đột thay cho máy bay có người lái.
Các loại UAV trợ chiến được kỳ vọng có thể hỗ trợ trực tiếp cho máy bay có người lái hoặc hoạt động theo bầy nhờ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Ngoài ra, phi công có thể điều khiển UAV trợ chiến từ buồng lái của tiêm kích.
Với tư duy tác chiến này, Trung Quốc đang phát triển biến thể hai chỗ ngồi của tiêm kích tàng hình J-20. Phi công thứ hai trên J-20 sẽ điều khiển UAV trợ chiến và theo dõi bức tranh tổng thể về chiến trường. Mỹ cũng chú ý tới khả năng thực hiện nhiệm vụ này trên các mẫu tiêm kích hai chỗ ngồi với màn hình lớn, như F-15EX.
Trong triển lãm hàng không Chu Hải, CASC cũng giới thiệu loạt UAV mới như FH-95 gắn cánh quạt sau đuôi, UAV bầy đàn FH-901 và một mẫu UAV trực thăng chưa có tên gọi.
Việc FH-97 được trưng bày cùng FH-901 cho thấy mẫu UAV trợ chiến Trung Quốc có thể giải phóng bầy UAV cỡ nhỏ hơn. Hãng Kratos đang thử nghiệm tính năng tương tự với UAV trợ chiến XQ-58A và mẫu Airwolf nhỏ hơn.
Trung Quốc gần đây đẩy mạnh nghiên cứu phát triển UAV để sử dụng trong nước và xuất khẩu. Ngoài quân đội Trung Quốc, CASC có thể xuất khẩu FH-97 trong bối cảnh nhiều quốc gia ngày càng quan tâm đến XQ-58A, song khó mua được mẫu UAV trợ chiến này do quy định ngặt nghèo về xuất khẩu vũ khí của Mỹ.
Nguyễn Tiến (Theo Drive)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét