Thứ Ba, 28 tháng 9, 2021

Pháp đánh bại Mỹ trong thương vụ tàu chiến với Hy Lạp

Hy Lạp ký thỏa thuận mua ba hộ vệ hạm trị giá hàng tỷ USD của Pháp, thay vì chọn tàu chiến của tập đoàn quốc phòng Mỹ Lockheed Martin.

Bản ghi nhớ về thương vụ hộ vệ hạm lớp Belharra được ký ngày 28/9, chưa đầy hai tuần sau khi Pháp nổi cơn thịnh nộ khi Australia hủy hợp đồng mua tàu ngầm diesel - điện với nước này để chuyển sang phát triển tàu ngầm năng lượng hạt nhân với sự hỗ trợ từ Mỹ và Anh.

Sau cuộc gặp với Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis tại Điện Elysee, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết thỏa thuận là một phần quan hệ đối tác chiến lược sâu sắc giữa hai nước nhằm bảo vệ lợi ích chung của họ ở Địa Trung Hải. "Thỏa thuận đánh dấu bước đi táo bạo đầu tiên hướng tới quyền tự chủ chiến lược của châu Âu", Macron nói.

Phác thảo hộ vệ hạm lớp Belharra của Pháp. Đồ họa: Naval Group.

Phác thảo hộ vệ hạm lớp Belharra của Pháp. Đồ họa: Naval Group.

Tổng thống Macron nhận định việc Hy Lạp quyết định mua hộ vệ hạm lớp Belharra là "dấu hiệu của sự tin tưởng vào ngành công nghiệp quốc phòng" Pháp, trước sự cạnh tranh đáng kể từ tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ.

Thỏa thuận hộ vệ hạm với Hy Lạp được đánh giá là tín hiệu rõ ràng của Pháp sau khi nước này bị Australia hủy hợp đồng tàu ngầm trị giá hàng tỷ USD.

Tổng thống Macron hôm nay cho hay quyết định của Australia sẽ không làm thay đổi chiến lược của Paris ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ông cũng cho rằng thỏa thuận tàu ngầm bị hủy với Australia có "tác động hạn chế" với Pháp và chỉ ảnh hưởng tới vài trăm nhân công.

Macron ca ngợi thương vụ bán ba hộ vệ hạm cho Hy Lạp "đóng góp cho an ninh và củng cố quyền tự chủ lẫn chủ quyền chiến lược của châu Âu, cũng như hòa bình và an ninh quốc tế". Tổng thống Pháp nhiều lần khẳng định châu Âu cần phát triển năng lực quốc phòng của mình thay vì quá phụ thuộc vào Mỹ, thậm chí còn chỉ trích NATO "bị chết não".

Pháp và Hy Lạp chưa công bố trị giá của thỏa thuận ba hộ vệ hạm lớp Belharra, song cho biết các con tàu này sẽ được bàn giao từ năm 2024. Thỏa thuận chưa bao gồm thương vụ liên quan đến hộ vệ hạm cỡ nhỏ lớp Gowind của Pháp, vốn được truyền thông Hy Lạp đề cập trước đó.

Thủ tướng Mitsotakis cho hay thương vụ mua hộ vệ hạm Pháp sẽ không ảnh hưởng đến việc Mỹ và Hy Lạp gia hạn một thỏa thuận hợp tác quốc phòng lâu năm, bất chấp căng thẳng bùng phát giữa Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ sau vụ Australia hủy hợp đồng tàu ngầm.

"Thỏa thuận này không đối nghịch với quan hệ Mỹ - Hy Lạp, do Pháp đã sát cánh bên chúng tôi trong thời điểm khó khăn vào mùa hè năm 2020", Mitsotakis nói, đề cập đến việc Thổ Nhĩ Kỳ thách thức tuyên bố chủ quyền của Hy Lạp ở Biển Aegean.

Phác thảo hộ vệ hạm lớp Belharra của Pháp. Đồ họa: Naval Group.

Phác thảo hộ vệ hạm lớp Belharra của Pháp. Đồ họa: Naval Group.

Hộ vệ hạm lớp Belharra, hay còn gọi là Hộ vệ hạm Phòng thủ và Can thiệp (FDI), có lượng giãn nước 4.460 tấn, dài 122 m, có thể đạt tốc độ tối đa 50 km/h với hải trình tối đa 9.300 km và thời gian hoạt động liên tục 45 ngày. Chiến hạm có thủy thủ đoàn 110 người, bao gồm 15 nhân sự vận hành trực thăng.

Lớp hộ vệ hạm này được trang bị một hải pháo OTO Melara 76 mm, hai pháo 20 mm, 8 tên lửa diệt hạm Exocet MM-40 Block 3, hai cụm 8 ống phóng tên lửa phòng không MBDA Aster 15/30, hai cụm ống phóng đôi chứa ngư lôi MU90 Impact 323,7 mm. Chiến hạm cũng có thể chở theo một trực thăng.

Nguyễn Tiến (Theo AFP)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét