Thứ Năm, 30 tháng 9, 2021

Hệ thống thổi lửa, xua sương hỗ trợ oanh tạc cơ Anh

Hệ thống FIDO tạo nhiệt xua tan sương mù, giúp không quân Anh hạn chế tổn thất vì tầm nhìn kém khi cất hạ cánh trong Thế chiến II.

Sương mù là yếu tố cản trở giao thông hàng không, khiến nhiều chuyến bay bị hủy, phi cơ không thể hạ cánh, thậm chí nhiều lần dẫn đến tai nạn. Trong Thế chiến II, không quân các bên tham chiến đều phải đối mặt với thách thức chung về tầm nhìn khi những cuộc không kích thường diễn ra vào ban đêm hoặc sáng sớm, thời điểm sương mù dày đặc nhất trong ngày.

Không quân Anh đặc biệt lo ngại sương mù cản trở hoạt động tác chiến, do khí hậu nhiều sương mù đặc trưng của nước này. Các phi công Anh thường trải qua những giây phút căng não khi hạ cánh trong màn sương dày đặc.

Nếu không thể tiếp đất dù đã nỗ lực hết sức, họ sẽ được lệnh lái máy bay hướng ra biển, nhảy dù thoát ly và chấp nhận bỏ phi cơ.

Oanh tạc cơ Lancaster hạ cánh tại Lincolnshire sau một chuyến ném bom tháng 2/1944. Ảnh: RAF.

Oanh tạc cơ Lancaster gặp tai nạn vì sương mù khi hạ cánh tại Lincolnshire sau một chuyến ném bom tháng 2/1944. Ảnh: RAF.

Đây là vấn đề thường xuyên đối với không quân Anh. Mỗi nhiệm vụ ném bom thường có hàng trăm máy bay được huy động và không ít phi cơ bị vứt bỏ theo cách trên, khiến họ phải tìm giải pháp ứng phó.

Trong thập niên 1930, kỹ sư Anh Henry Gareth Houghton nghiên cứu cách giải quyết hiểm họa sương mù, tin rằng đây sẽ là bước đột phá với nhân loại. Năm 1934, ông chứng minh khả năng xua tan sương mù bằng cách phun canxi clorua (CaCl2) vào không khí.

Theo phương pháp của Houghton, một bộ vòi phun với đường ống dài 30 m được treo cách mặt đất 9 m để phun CaCl2 vào sương mù với tốc độ hơn 9 lít/giây. Trong vòng 3 phút, tầm nhìn xa trong khu vực tăng từ 150 m lên hơn 400 m.

Dù thử nghiệm thành công, biện pháp này không khả thi về mặt thương mại bởi cần lượng lớn canxi clorua. Chất này cũng có đặc tính ăn mòn nên không an toàn khi sử dụng xung quanh máy bay.

Đầu thập niên 1940, phương pháp khả thi nhất nhằm xua tan sương mù tại các sân bay là sử dụng nhiệt lượng cao. Theo yêu cầu của tư lệnh không quân Anh Arthur Harris, Cục Tác chiến Dầu khí dưới sự lãnh đạo của Arthur Hartley đã bắt tay vào dự án phát triển thiết bị mang tên Chiến dịch Xua sương (FIDO).

Hệ thống FIDO gồm cặp đường ống đặt dọc đường băng, mỗi chiếc có hàng loạt vòi đốt cố định. Khi có sương mù và phi cơ chuẩn bị hạ cánh, nhân viên mặt đất tại sân bay sẽ kích hoạt hệ thống FIDO.

Xăng sẽ chảy trong đường ống và được phun qua các vòi đốt và bốc cháy dọc đường băng. Nhiệt lượng tạo ra từ ngọn lửa sẽ làm tan sương mù trong vài phút.

FIDO đã chứng minh hiệu quả xua tan sương mù khi lần đầu được thử nghiệm tại Moody Down, Hampshire, vào ngày 4/11/1942. Ngay sau đó, các hệ thống FIDO quy mô lớn bắt đầu được triển khai.

Chúng giúp phân tán lớp sương mù dày hàng chục mét trên mặt đất. Dải lửa màu vàng của hệ thống FIDO cũng có thể được nhìn thấy từ cách xa vài km, hỗ trợ phi công trong quá trình tiếp cận đường băng.

Hệ thống FIDO kích hoạt khi máy bay cất cánh tại căn cứ Graveley vào tháng 5/1945. Ảnh: RAF.

Hệ thống FIDO kích hoạt khi máy bay cất cánh tại căn cứ Graveley vào tháng 5/1945. Ảnh: RAF.

Tháng 1/1943, không quân Anh bắt đầu sử dụng FIDO. Không lâu sau đó, một oanh tạc cơ do phó tư lệnh không quân Anh điều khiển đã hạ cánh an toàn trên đường băng không mà bị sương mù cản trở nhờ luồng lửa từ FIDO.

FIDO bắt đầu hoạt động đầy đủ vào tháng 11/1943, tạo ra bước ngoặt trong cuộc chiến. Hơn 2.500 máy bay phe Đồng minh đã xuất kích an toàn từ hơn 15 căn cứ phủ đầy sương mù trên khắp nước Anh. Hệ thống này cho thấy hiệu quả trong hỗ trợ máy bay cất hạ cánh trong điều kiện tầm nhìn kém vào tháng 12/1944, trong bối cảnh toàn bộ châu Âu hứng chịu sương mù dày đặc.

Một trở ngại với FIDO là chi phí vận hành, khi mỗi hệ thống tiêu thụ tới 378 lít nhiên liệu/giờ. Tuy nhiên, nó cũng làm giảm đáng kể lượng chiến đấu cơ bị mất do sương mù trong chiến tranh.

Hệ thống FIDO không được lắp đặt tại các sân bay dân sự do chi phí tốn kém. Ngày nay, nó không còn được sử dụng bởi máy bay hiện đại có thể cất hạ cánh trong điều kiện tầm nhìn kém nhờ những thiết bị hiện đại như định vị toàn cầu (GPS), dẫn hướng bằng radar và sóng vô tuyến.

Duy Sơn (Theo WATM)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét