Khi truyền thông Anh đưa tin rộng rãi về việc gần 90% trạm xăng dầu trên cả nước đang phải đóng cửa vì cạn kiệt hàng, người dân lập tức lao ra khỏi nhà, mang xe đi đổ đầy bình.
"Hãy để các lao động thiết yếu đổ xăng trước", tờ Daily Mirror chạy dòng tít nổi bật trên trang nhất số báo ngày 28/9, trong khi tờ Daily Mail so sánh cảnh người dân ẩu đả, tranh giành lẫn nhau tại các trạm xăng nước Anh không khác gì miền Tây hoang dã ở Mỹ.
Hassan không muốn trở thành một người trong số đó, nhưng hoàn cảnh buộc cô phải lao vào "cuộc chiến".
"Tôi thử ghé vào trạm xăng đầu tiên trong lúc trở về nhà sau khi đưa chú chó cưng tới gửi tại một người trông giữ vật nuôi vào cuối tuần. Tuy nhiên, lối vào trạm xăng này đã bị rào kín", cô kể. "Trạm thứ hai chọn cách đơn giản hơn là treo một tấm biển 'hết nhiên liệu'. Trạm thứ ba là dòng xe xếp hàng dài vô tận. Nhiều người liên tục bấm còi, số khác có vẻ kiên nhẫn hơn khi ngồi im chờ tới lượt cầm vòi".
"Như trò đùa!", một phụ nữ than vãn khi xếp hàng.
Hassan lúc bấy giờ cách nhà khoảng 33 km, trong khi xe của cô thông báo lượng nhiên liệu chỉ còn đủ cho chưa đầy 48 km. Lượng xăng này không đủ để cô đi vòng quanh tìm trạm đổ. Cô bắt đầu lo lắng, tự hỏi "Điều gì sẽ xảy ra nếu mình hết xăng giữa đường?".
"Tôi đi qua một siêu thị, nơi thường có trạm xăng, không có ôtô hay rào chắn lối vào. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi, hy vọng lóe lên. Sau đó, tôi nhìn thấy một tấm biển viết tay: 'Chỉ nhận rửa xe'", Hassan cho hay.
Đến cây xăng thứ 7, Hassan không còn cảm thấy ngạc nhiên khi nghe nhân viên nói rằng họ đã hết sạch xăng. Tuy nhiên, cửa hàng phục vụ đồ ăn nhẹ và cà phê vẫn mở cửa bình thường.
"Tuyệt, tôi nghĩ. Mình có thể hết xăng giữa đường nhưng ít nhất sẽ được ăn một chiếc bánh mỳ kẹp pho mai", Hassan nhớ lại. "Không còn lựa chọn nào khác, tôi quay về đường chính, đèn báo hết xăng như nhìn chằm chằm vào tôi. Phía trước có một tấm biển nhấp nháy cảnh báo các lái xe rằng không còn nhiên liệu tại bất kỳ trạm xăng chính nào trên đường M25, dài 188 km, một trong những con đường đông đúc và quan trọng nhất của Anh".
Trên ứng dụng nhắn tin WhatsApp, bạn bè của Hassan chia sẻ cho cô mẹo tìm thấy những cây xăng vẫn còn nhiên liệu. Theo một số người, nhiều trạm đã áp dụng quy định mới để ứng phó với cuộc khủng hoảng là chỉ cho phép mỗi người đổ tối đa 41 USD tiền xăng.
"Lượng nhiên liệu đó không thể giúp bạn đi quá xa ở Anh, nơi giá xăng trung bình khoảng 7 USD/gallon", cô cho hay (1 gallon = 3,7854 lít).
Một tài xế xe bồn chở nhiên liệu cho biết nhiều người đi motor bám theo anh trên đường cao tốc "như vịt con", với hy vọng biết được nơi anh sẽ chuyển hàng đến.
Trên sóng phát thanh, chính phủ kêu gọi mọi người không nên hoảng loạn mua nhiên liệu, khẳng định vẫn có đủ xăng cho tất cả người dân và rằng giới chắc sẽ cấp thị thực tạm thời cho hơn 10.000 lao động nước ngoài làm tài xế xe tải và giao thực phẩm.
Hôm 28/9, Bộ trưởng Giao thông Anh khuyến cáo người đi motor không tích trữ xăng trong các chai nhựa cũ. Cơ quan cứu hỏa thường xuyên nhắc nhở người muốn tích trữ xăng dầu tại nhà rằng chúng là chất lỏng rất dễ cháy. Tại các cây xăng trên khắp nước Anh, một số nhân viên tuyến đầu tuyệt vọng cầu xin được nhảy hàng để kịp đến trường học hay bệnh viện làm việc.
"Cuối cùng, tôi về được đến nhà, chỉ còn lượng nhiên liệu đủ cho 8 km. Không có xăng, không biết tôi có thể ra ngoài bằng cách nào. Tôi sống ở ngoại ô London và việc kết nối với các phương tiện giao thông công cộng bị hạn chế, vậy nên tôi đã gọi một tài xế Uber chở tôi đến ga tàu điện ngầm để đi làm vào sáng 28/9", Hassan cho hay.
"Tôi tưởng sẽ phải chờ anh cả năm", Hassan nói đùa với tài xế Uber về cuộc khủng hoảng nhiên liệu.
"Nở nụ cười, người tài xế đáp lại rằng anh ấy có nguồn bán xăng riêng. Tôi đột nhiên có cảm giác như mình vừa bước chân vào một thị trường ngầm hoàn toàn mới mẻ", cô kể.
Trong một nhóm Facebook địa phương, mọi người tìm đến với nhau giống như cách họ tìm thấy nhau trong những lần phong tỏa vì Covid-19 trước đây. Một số người may mắn có xe đầy bình sẵn sàng chở miễn phí bệnh nhân đang phải tới bệnh viện hay các nhân viên tuyến đầu đang mắc kẹt mà không biết đi làm bằng cách nào.
Các nhóm Facebook khác không được thân thiện như vậy. Một bài đăng đơn giản hỏi "có ai biết chỗ mua xăng không?" đã tạo ra làn sóng phản ứng dữ dội. Một số người cáo buộc người đăng là kẻ săn xăng, khiến những người cần không có để dùng. Số khác lại muốn được biết người đó định lái xe đi đâu.
Cuối cùng, quản trị viên nhóm Facebook này phải thông báo tắt bình luận trong bài đăng.
Về phần Hassan, điều khiến cô bất ngờ nhất là cuộc khủng hoảng nhiên liệu thậm chí còn tìm được đường tới các ứng dụng hẹn hò.
"'Độc thân. Kèm một bình xăng đầy', hồ sơ của một chàng trai trên ứng dụng hẹn hò ghi như vậy. Làm sao tôi có thể từ chối cơ chứ?", Hassan hóm hỉnh nói.
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét