Thứ Năm, 30 tháng 9, 2021

Triều Tiên chạy đua vũ khí siêu vượt âm

Triều Tiên bắt đầu chạy đua với các cường quốc trong lĩnh vực vũ khí siêu vượt âm, dù vẫn còn nhiều hoài nghi về năng lực của Bình Nhưỡng.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm 29/9 thông báo Học viện Khoa học Quốc phòng đã phóng thành công tên lửa siêu vượt âm Hwasong-8, ca ngợi vụ thử mang "ý nghĩa chiến lược to lớn". Đây được coi là bước tiến mới nhất về công nghệ của Bình Nhưỡng, cũng có thể buộc các nước láng giềng và Washington tính toán lại thế cân bằng chiến lược trong khu vực.

Tên lửa siêu vượt âm là vũ khí có tốc độ tối thiểu gấp 5 lần âm thanh (Mach 5), tương đương hơn 6.200 km/h. Những vũ khí bay nhanh hơn vận tốc âm thanh nhưng không đạt ngưỡng Mach 5 thường chỉ được gọi là tên lửa siêu thanh.

Tên lửa đạn đạo mang đầu đạn siêu vượt âm Avangard được đưa vào giếng phóng. Ảnh: BQP Nga.

Tên lửa đạn đạo mang đầu đạn siêu vượt âm Avangard được đưa vào giếng phóng. Ảnh: BQP Nga.

Tốc độ lớn, khả năng cơ động và đường bay thấp trong khí quyển khiến vũ khí siêu vượt âm rất khó bám bắt và đánh chặn so với tên lửa đạn đạo truyền thống, đặt ra thách thức lớn với mọi lưới phòng không hiện đại.

Nhờ tốc độ cực cao, tên lửa siêu vượt âm có thể bay tới mục tiêu rất nhanh, khiến đối phương có ít thời gian phản ứng, không kịp triển khai lực lượng đánh chặn hoặc sơ tán.

Tên lửa siêu vượt âm có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường, đủ sức thay đổi cán cân chiến lược khu vực và thế giới.

Những nước sở hữu tên lửa siêu vượt âm

Nga được coi là quốc gia đi đầu về công nghệ vũ khí siêu vượt âm, với hàng loạt mẫu tên lửa đã được phát triển và chế tạo. Nước này đang biên chế đầu đạn lướt siêu vượt âm Avangard có tốc độ tối đa 33.000 km/h được đặt trên khung tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Không quân Nga cũng đã trang bị tên lửa Kinzhal có tốc độ 12.000 km/h trên tiêm kích hạng nặng MiG-31K.

Moskva cũng đang thử nghiệm cấp nhà nước với tên lửa siêu vượt âm Zircon phóng từ tàu mặt nước và tàu ngầm, có khả năng đạt tốc độ Mach 7.

Mỹ và Trung Quốc cũng đang chạy đua quyết liệt để triển khai vũ khí siêu vượt âm. Washington đã chi hàng tỷ USD cho nhiều dự án, trong đó nổi bật là mẫu AGM-183A của không quân, còn có tên gọi khác là "Vũ khí Phản ứng nhanh phóng từ máy bay" (ARRW), cùng dự án Phương tiện Lướt Siêu vượt âm Chung (C-HGB) của hải quân và lục quân.

Cơ quan Nghiên cứu Các dự án Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) thuộc Lầu Năm Góc và tập đoàn Raytheon tuần trước cũng lần đầu phóng thử Vũ khí siêu vượt âm sử dụng động cơ hút khí tự nhiên (HAWC), cho biết quả đạn đạt tốc độ trên Mach 5.

Mô hình tên lửa AGM-183A dưới cánh máy bay B-52 sau chuyến bay thử hồi tháng 8/2020. Ảnh: USAF.

Mô hình tên lửa AGM-183A dưới cánh máy bay B-52 Mỹ sau chuyến bay thử hồi tháng 8/2020. Ảnh: USAF.

Trung Quốc hồi năm 2019 ra mắt tên lửa đạn đạo DF-17, được cho là một trong các vũ khí siêu vượt âm đầu tiên trên thế giới và đủ mạnh để xuyên thủng các lớp phòng thủ tên lửa của Mỹ trong khu vực. Tầm bắn của DF-17 là 2.500 km, có thể vươn tới các căn cứ Mỹ tại Nhật Bản và Hàn Quốc khi được phóng từ sâu bên trong Trung Quốc.

Triều Tiên đang thực sự thử nghiệm vũ khí gì?

Vẫn chưa có nhiều thông tin về tên lửa Hwasong-8 và đầu đạn mà nó mang theo. KCNA cho biết đợt thử nghiệm đã xác nhận "tính ổn định và khả năng dẫn đường của tên lửa, cũng như khả năng cơ động với hệ thống dẫn đường và đặc tính bay của đầu đạn lướt siêu vượt âm tách rời".

Bình Nhưỡng không tiết lộ tốc độ của đầu đạn, cho biết tên lửa được trang bị hệ thống tiếp nhiên liệu lỏng dạng ống kín, giúp rút ngắn đáng kể thời gian chuẩn bị và bảo đảm an toàn cho khu vực bệ phóng.

Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) ước tính quả đạn của Triều Tiên đạt tốc độ hơn 3.700 km/h, gấp ba lần vận tốc âm thanh, nhưng từ chối tiết lộ những thông tin chi tiết như tầm bay và độ cao tối đa. Seoul khẳng định loại tên lửa này vẫn ở giai đoạn phát triển sơ khai và tự tin đủ sức đánh chặn nó.

Quân đội Hàn Quốc thường nhanh chóng phát hiện và thông báo về những vụ thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên chỉ vài phút sau khi quả đạn rời bệ, nhưng lần này không công bố độ cao và tầm bắn của tên lửa như thường lệ. Truyền thông nước này dẫn nguồn giấu tên cho biết quả đạn bay xa 200 km và đạt độ cao 60 km, nhưng lại không cho biết tốc độ.

Nó có tác động như thế nào?

Không ít chuyên gia cho rằng tên lửa siêu vượt âm chỉ có lợi thế nhất định và khó tạo ra cuộc cách mạng về vũ khí. Dù vậy, vẫn có những cảnh báo về khả năng Triều Tiên quyết tâm theo đuổi công nghệ vũ khí siêu vượt âm, tạo ra mối đe dọa quân sự đáng kể cho Mỹ và đồng minh.

"Có lý do để cho rằng Triều Tiên phát triển loại tên lửa này để đối phó Mỹ", Cheong Seong-chang, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên thuộc Viện Sejong ở Hàn Quốc, nhận xét, nói thêm rằng Bình Nhưỡng có thể sử dụng nó như quân bài mặc cả trong các cuộc đàm phán tương lai với Washington.

Tên lửa Hwasong-8 rời bệ phóng trong vụ thử hôm 28/9. Ảnh: KCNA.

Tên lửa Hwasong-8 rời bệ phóng trong vụ thử hôm 28/9. Ảnh: KCNA.

Kết cấu động cơ của Hwasong-8 có nhiều nét giống tên lửa đạn đạo tầm xa Hwasong-12 và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-14 được Triều Tiên phóng thử năm 2017, trong đó quả đạn được trang bị một động cơ chính và 4 động cơ nhỏ để điều chỉnh đường bay.

Hwasong-12 và Hwasong-14 đều là các tên lửa cỡ lớn, đủ sức mang nhiều loại đầu đạn với thiết kế và kích cỡ khác nhau. Triều Tiên có thể chọn giải pháp rút ngắn tầm bắn để tăng tải trọng đầu đạn cho tên lửa nhằm đối phó Hàn Quốc và Nhật Bản, hoặc giảm tải trọng đầu đạn để tăng tầm bắn đến Mỹ.

Theo chuyên gia Cheong, vũ khí mà Triều Tiên vừa thử chỉ là tên lửa tầm ngắn, nhưng Bình Nhưỡng có thể theo đuổi dự án để phát triển năng lực tấn công tầm trung và tầm xa bằng tên lửa siêu vượt âm. "Khi đó, không quốc gia nào trên thế giới, kể cả Mỹ, có thể đánh chặn được tên lửa tốc độ cao như vậy", Cheong nói.

Vũ Anh (Theo AFP)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét