Khi cuộc bầu cử không thể định đoạt người kế nhiệm Merkel, nước Đức giờ đối mặt nhiều kịch bản liên minh cầm quyền khác nhau giữa các đảng.
Sau cuộc bầu cử ngày 26/9 với kết quả sát nút giữa hai đảng lớn là Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và Dân chủ Xã hội (SPD), nước Đức bước vào cuộc đua đàm phán thành lập liên minh cầm quyền giữa các đảng. Đảng SPD trung tả và ứng viên thủ tướng Olaf Scholz giành được số phiếu cao nhất với 25,7%, vượt qua đảng CDU và ứng viên Armin Laschet với số phiếu 24,1%.
Dù đảng của Scholz chiến thắng, ông không chắc chắn trở thành thủ tướng kế nhiệm bà Angela Merkel, bởi SPD không giành được quá bán tuyệt đối trong quốc hội.
SPD và CDU đều có cơ hội giành đa số ghế ở quốc hội và thành lập chính phủ nếu nhận được sự ủng hộ từ hai đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh. Ngoài ra, SPD và CDU có thể bắt tay thành lập một liên minh lớn để cầm quyền, dù cả hai đều tuyên bố không muốn kịch bản này xảy ra.
Kịch bản đầu tiên là SPD bắt tay với đảng Xanh và FDP để nắm quyền, hay còn gọi là liên minh "đèn giao thông" do màu đặc trưng của ba đảng là đỏ, xanh lá và vàng.
Về đối nội, liên minh "đèn giao thông" có chung một mục tiêu là muốn hiện đại hóa nền kinh tế và hành chính công Đức. SPD và FDP cũng có thêm một điểm chung lớn về chính sách đối ngoại là muốn có "khởi đầu mới" trong mối quan hệ với Mỹ và cam kết gắn bó với NATO.
Nhưng ba đảng cũng tồn tại những khác biệt lớn. SPD và đảng Xanh muốn tăng thuế với người giàu và giải phóng động lực đầu tư. Nhưng FDP phản đối tăng thuế và bất kỳ thay đổi nào đối với "phanh nợ" theo hiến pháp Đức, trong đó siết chặt các khoản vay mới.
Ứng viên thủ tướng Scholz và SPD có lẽ sẽ phải nhượng bộ nhiều trước FDP nếu muốn kéo họ vào liên minh, điều này đồng nghĩa ghế Bộ trưởng Tài chính nhiều khả năng sẽ phải trao cho thành viên đảng này.
Trong khi đó, đảng Xanh đặt ra những tham vọng rất lớn về khí hậu và môi trường, như trung hòa carbon trong 20 năm tới, giảm 70% khí phát thải vào năm 2030 và Đức sẽ hoàn toàn sử dụng năng lượng tái tạo vào năm 2035. SPD cũng muốn đảm bảo Đức đạt được các mục tiêu khí hậu nhưng không để mất vị thế cường quốc công nghiệp của châu Âu, điều mà CDU cũng mong muốn.
Nhưng một liên minh như vậy cũng có thể phụ thuộc vào những tính toán nội bộ của SPD. Scholz thuộc cánh hữu trong đảng và được xem là lý do giúp đảng chiến thắng, nhưng các lãnh đạo khác của SPD lại có xu hướng thiên tả hơn. Những đối tác tiềm năng của họ sẽ chờ đợi xem ai là người quyết định bản chất các cuộc đàm phán.
Liên minh CDU với đảng Xanh và FDP, hay còn được gọi là "liên minh Jamaica" vì ba màu tượng trưng đen, xanh lá và vàng, được xem là kịch bản thứ hai. Đây là lựa chọn ưa thích của FDP và là giải pháp duy nhất cho một chính phủ do đảng của bà Merkel tiếp tục vị thế lãnh đạo.
FDP và CDU là đối tác ưa thích của nhau. Sự kết hợp này đòi hỏi phải có thêm sự tham gia của đảng Xanh, nhưng giữa họ cũng tồn tại những quan điểm khác biệt rõ rệt về thuế, chính sách khí hậu và hiện đại hóa với nền tảng là đầu tư công.
Đảng Xanh có thể bị thuyết phục với đề nghị liên minh này nếu các đảng bảo thủ mang tới cho họ một "bộ bảo vệ khí hậu", với quyền phủ quyết bất kỳ chính sách nào cản trở Đức đáp ứng các cam kết khí hậu theo Hiệp định Paris, hoặc trao cho họ ghế Bộ trưởng Tài chính.
Ngoài ra, bất đồng về chính sách đối ngoại có thể cản trở đảng Xanh liên minh với CDU. CDU muốn tiếp tục chính sách coi Trung Quốc vừa là đối thủ vừa là đối tác và duy trì lệnh trừng phạt Nga. Trong khi đó, đảng Xanh muốn một chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc và muốn NATO có định hướng chiến lược mới, gồm nối lại đối thoại an ninh và liên lạc quân sự với Nga.
Nhưng cả hai đảng nhỏ hơn đều cảm thấy lưỡng lự trước kịch bản bắt tay với CDU, do sự yếu kém của đảng này, khi họ có kết quả bầu cử tệ nhất trong lịch sử và ứng viên Laschet thể hiện hình ảnh không như kỳ vọng trong giai đoạn tranh cử. FDP và đảng Xanh có thể không muốn bị coi là người đi ngược kết quả bầu cử phổ thông, với chiến thắng nghiêng về SPD.
Kịch bản liên minh cuối cùng là SPD bắt tay với CDU để tạo thành "liên minh lớn" như trước đây. Nếu sự kết hợp này trở lại, vị thế trong liên minh sẽ bị đảo ngược. Thay vì là đối tác phụ trong liên minh, SPD sẽ nắm vai trò lãnh đạo.
Đây được xem là kịch bản khó xảy ra nhất hiện tại, khi cả hai đều bày tỏ không muốn bắt tay nhau thêm lần nữa và Scholz từng nói CDU nên ở phe đối lập. Hơn nữa, kết quả bầu cử ngày 26/9 dường như phản ánh mong muốn thay đổi mạnh mẽ của cử tri Đức, điều mà "liên minh lớn" khó có thể đem lại.
Vấn đề tranh cãi lớn nhất giữa hai đảng có thể sẽ là thuế. SPD muốn tăng thuế thu nhập với những người giàu và áp lại thuế tài sản và cải cách thuế thừa kế, trong khi CDU không muốn tăng thuế.
Câu hỏi đặt ra là nước Đức sẽ thế nào nếu các đảng không thể thành lập liên minh sau đàm phán? Điều 63 Hiến pháp Đức quy định trong trường hợp này, nguyên thủ quốc gia sẽ đề xuất một thủ tướng tiềm năng cho quốc hội (Bundestag).
Nếu kịch bản này thực sự xảy ra, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier, thuộc đảng SPD, sẽ là người chịu trách nhiệm lựa chọn tân thủ tướng và rất có thể đó là người thuộc đảng giành số phiếu phổ thông cao nhất. Quốc hội sau đó sẽ bỏ phiếu kín và ứng viên cần phải có đa số tuyệt đối (đạt quá nửa tổng số phiếu).
Nếu ứng viên không đạt được điều này, một cuộc bỏ phiếu thứ hai sẽ được tổ chức sau đó hai tuần. Nếu tiếp tục thất bại, cuộc bỏ phiếu thứ ba sẽ được tổ chức và ứng viên chỉ cần đạt đa số tương đối (không cần vượt quá bán tổng số phiếu). Sau đó, Tổng thống Steinmeier sẽ quyết định có bổ nhiệm thủ tướng là người đứng đầu chính phủ thiểu số hoặc giải tán quốc hội và tiến hành cuộc bầu cử mới hay không.
Tình huống xấu nhất này từng được hóa giải thành công vào năm 2017. Khi đàm phán rơi vào bế tắc, Tổng thống Steinmeier đã kêu gọi các bên gặp nhau, thúc đẩy hình thành liên minh lớn.
Thanh Tâm (Theo Financial Times, AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét