Thứ Hai, 8 tháng 11, 2021

Bệnh 'bảo gì nghe nấy' từng ám ảnh nước Nga

Cuối thế kỷ 19, hội chứng loạn trí bí ẩn menerik từng lan rộng ở bắc Nga, khi bệnh nhân nghe theo và bắt chước người khác trong trạng thái vô thức.

Theo các ghi chép trong lịch sử, người mắc hội chứng menerik ở khu vực phía bắc nước Nga thường rơi vào tình trạng gần như loạn trí, dễ chịu tác động và điều khiển của người khác, nhưng không nhớ bất kỳ điều gì đã xảy ra khi triệu chứng kết thúc.

"Nhận thức của người bệnh trở nên lẫn lộn. Họ gặp ảo giác kinh hoàng như nhìn thấy quỷ dữ hay một người dữ tợn. Người bệnh la hét, hát rống lên, đập đầu vào tường theo nhịp hoặc lắc lư thân người, có khi vò đầu bứt tóc", bác sĩ Sergey Mitskevich ghi chép về một bệnh nhân nữ người dân tộc Yakut ở Nga.

Đoàn thám hiểm của Alekshandre Barchenko vào năm 1922. Ảnh: RBTH.

Đoàn thám hiểm của Alekshandre Barchenko vào năm 1922. Ảnh: RBTH.

Nga bắt đầu ghi nhận hội chứng này từ thế kỷ 19 và phát hiện chúng chỉ xuất hiện ở những cộng đồng tại phía bắc. Bệnh nhân có khi xuất hiện đơn lẻ, có lúc mắc hội chứng tập thể.

Triệu chứng bệnh phổ biến là người mắc mất hoàn toàn nhận thức về thực tại xung quanh mình, rơi vào một trạng thái gần như loạn trí và có thể co giật. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Vaclav Seroshevsky, người rơi vào tình trạng này thường thể hiện sự đau đớn vô cùng cả thể xác lẫn tâm lý.

"Người bệnh hú, hét, chảy nước mũi, kể những câu chuyện khó tin, suy sụp và không thể đứng yên một chỗ cho đến khi họ hoàn toàn kiệt sức rồi rơi vào giấc ngủ", ông viết.

Khi trải qua giai đoạn mất nhận thức, người bệnh còn có hành vi kỳ lạ như lặp lại lời nói hay hành động của người quanh mình, dễ bị sai khiến dù mệnh lệnh có nguy hiểm hay vô lý đến đâu. Theo một số ghi chép, nếu một cá nhân nào ở gần người bệnh nhảy hay tự đánh mình, người bệnh sẽ làm theo. Họ có thể ném bỏ bất kỳ thứ gì dù quý giá đến đâu, thậm chí là đứa bé trên tay mình, nếu người gần họ làm hành động ném đồ vật.

Khi bị người khác kìm hãm hành động, người bệnh chuyển sang trạng thái gầm ghè, chống cự và khỏe hơn bình thường rất nhiều. Một số ghi chép cho thấy có bệnh nhân thiếu niên cần vài người đàn ông trưởng thành khỏe mạnh mới khống chế thành công.

Những nghiên cứu nghiêm túc về hội chứng bắt đầu được tiến hành từ năm 1922. Nhà tâm thần học Vladimir Bekhterev là một trong những người tiên phong sau khi nghe mô tả triệu chứng từ một bác sĩ mang họ Grigoryev ở Lovozero, bán đảo Kola.

Bác sĩ cho rằng hội chứng dường như có mối liên hệ với hiện tượng cực quang - những dải ánh sáng thường xuất hiện trên tầng cao khí quyển ở các khu vực gần vùng cực, cách mặt đất 80 km trở lên. Hiện tượng này thường kéo dài ít hơn một phút, xảy ra do tác động của từ trường Trái Đất.

Bekhterev, người sáng lập và lãnh đạo Viện Não Người, ngoài nghiên cứu về thần kinh học và sinh lý học còn tìm tòi cách lý giải khoa học cho những hiện tượng kỳ lạ như ngoại cảm hay thôi miên. Ông cùng một đoàn nghiên cứu, dẫn đầu bởi nhà nghiên cứu hiện tượng huyền bí Aleksandre Barchenko, đến bán đảo Kola để làm rõ thực hư những đồn đoán.

Thực tế, nhiệm vụ chính của chuyến thám hiểu là truy tìm dấu vết của nền văn minh huyền thoại Hyperborea. Tuy nhiên, cơ quan tình báo Liên Xô cũng dành sự quan tâm cho Menerik. Chủ nhiệm Ủy ban đặc biệt toàn Nga (VCheka), cơ quan mật vụ được thành lập sau cách mạng tháng 10 và là tiền thân cơ quan an ninh NKVD, Felix Dzerzhinsky đã ủng hộ các nhà nghiên cứu làm sáng tỏ bí ẩn ở phương bắc.

Barchenko dành khoảng hai năm nghiên cứu thực địa, tìm hiểu và ghi chép dữ liệu về người bệnh. Khi ở Lovozero, ông liên lạc với thầy cúng địa phương xin cho đoàn tiếp cận đảo Rogovoy vốn được người dân xem là vùng đất linh thiêng.

Dù bị từ chối, đoàn vẫn âm thầm tiến vào khu vực. Họ phát hiện một số hình khối chữ nhật bằng đá granite gần hồ Seydozero, cùng một con đường cổ được lát đá dẫn xuống lòng đất. Theo lời kể của những thành viên nhóm, đoàn thám hiểm không có cơ hội khám phá kiến trúc này. Họ rời khỏi vùng đất sau khi thấy có người trong nhóm mất kiểm soát cảm xúc.

Barchenko đã gửi một báo cáo mật về hiện tượng khi trở về nhưng vẫn không trình bày được hướng lý giải. Một số nhà nghiên cứu thời hiện đại thử tìm cách tiếp cận báo cáo trong kho lưu trữ Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) nhưng được thông báo dữ liệu đã bị hủy vào năm 1941, khi phát xít Đức áp sát thủ đô Moskva.

Sau chuyến thám hiểm, Barchenko bị cáo buộc làm gián điệp cho Anh và tham gia hoạt động phản cách mạng. Nhà khoa học lĩnh án tử hình vào ngày 25/4/1938.

Nhà tâm thần học Vladimir Bekhterev từng làm việc dưới thời Nga Sa hoàng và những năm đầu chính quyền Nga Xô Viết. Ảnh: RBTH.

Nhà tâm thần học Vladimir Bekhterev từng làm việc dưới thời Nga Sa hoàng và những năm đầu chính quyền Nga Xô Viết. Ảnh: RBTH.

Nhiều giả thuyết được đặt ra để lý giải hội chứng loạn trí bí ẩn này. Một số người dân cho rằng bệnh nhân bị "vong nhập" vì có những biểu hiện giống các thầy cúng khi làm lễ.

Theo một bài viết khoa học về "nguồn gốc dịch bệnh tâm linh", chấp bút bởi ba chuyên gia từ Trung tâm Khoa học Phương Bắc Viện Thuốc Tâm thần, Đại học Y Phía Bắc và Viện các Vấn đề Sinh thái học phía Bắc, hội chứng thường xảy ra trong cộng đồng tập trung nhiều người dễ bị tác động về mặt tâm lý và thường tiếp xúc với văn hóa cúng tế.

Điều kiện sống khắc nghiệt ở phía bắc lạnh giá có thể phần nào gây ảnh hưởng đến tâm lý của người bản địa. Mùa đông ở bán đảo Kola kéo dài gần như cả năm và đêm trường Bắc cực (mặt trời không xuất hiện) kéo dài một tháng. Ngày bắc cực (Mặt trời vẫn được nhìn thấy vào ban đêm) kéo dài khoảng 52 ngày liên tiếp.

Những yếu tố tự nhiên này có khả năng tác động tiêu cực lên hệ thần kinh và sức khỏe người. Theo nhà tâm lý học Pavel Yakobi, hội chứng thường xuất hiện "với người kiệt sức, bị suy yếu về thể chất lẫn tinh thần".

Trung Nhân (Theo RBTH)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét