Thứ Tư, 17 tháng 11, 2021

Bi kịch của Hoàng hậu ám ảnh nhan sắc

ÁoNổi tiếng xinh đẹp với chế độ chăm sóc nhan sắc tỉ mỉ, nhưng Hoàng hậu Sisi không hạnh phúc do cảm thấy tù túng trong hoàng gia thời thế kỷ 19.

Elisabeth Amalie Eugenie, thường được biết đến bằng biệt danh Sisi, sinh năm 1837 tại Munich, Đức, là con của Công tước Maximilian Joseph và Công chúa Ludovika xứ Bavaria. Bà được cho là thừa hưởng niềm tin vào các lý tưởng dân chủ tiến bộ từ bố, đồng thời luôn muốn được riêng tư và lo sợ các nhiệm vụ cộng đồng.

Đặc điểm tính cách này dường như báo trước những áp lực Sisi phải đối mặt trong vai trò Hoàng hậu, khi kết hôn với Hoàng đế Franz Joseph của Áo, người đứng đầu đế chế lớn thứ hai châu Âu sau Nga tại thời điểm đó.

Hoàng đế 23 tuổi là người tận tụy với công việc và yêu thương Sisi, từng từ chối kết hôn với chị gái của bà theo sự sắp xếp của Thái hậu Sophie, mẹ của ông, do bị Sisi thu hút từ cái nhìn đầu tiên. Tuy nhiên, quá trình tìm hiểu nhau lại khiến Sisi lo lắng đến mức biếng ăn.

Ngày 25/4/1854, trong lễ hội mừng đám cưới Hoàng đế, hàng nghìn người xếp hàng dài trên đường phố Vienna, háo hức được nhìn thấy Hoàng hậu 16 tuổi. Trong khi đó, Sisi bật khóc nức nở vì bị choáng ngợp và sợ hãi trên đường tới cung điện hoàng gia Hofburg, nơi ở mới của bà.

Tình hình vẫn không khá lên sau khi Sisi gia nhập hoàng gia Áo. Bà cảm thấy xấu hổ, không tự tin và mệt mỏi với những nghi thức nghiêm ngặt, dần bị cô lập và không có bạn bè. Vẻ u sầu và thái độ thờ ơ với công chúng của Sisi bị chồng và mẹ chồng vốn khó tính coi là lối cư xử trẻ con.

Tuy nhiên, bất chấp tính cách u sầu, Sisi vẫn thu hút công chúng nhờ ngoại hình tuyệt đẹp và mái tóc dài đến mắt cá chân màu hạt dẻ. "Bạn không thể tưởng tượng Sisi quyến rũ đến mức nào khi khóc. Đó là một Hoàng hậu khiến tất cả bị thu hút, là thần tượng của dân chúng", Thái hậu Sophie từng viết, theo lời kể của nhà sử học Áo Brigitte Hamann.

Hoàng hậu Sisi của Áo với mái tóc màu nâu hạt dẻ nổi bật. Ảnh: Imagno.

Hoàng hậu Sisi của Áo với mái tóc màu nâu hạt dẻ nổi bật. Ảnh: Imagno.

Sisi được cho là bị ám ảnh về ngoại hình. Mái tóc dài màu hạt dẻ nổi bật của bà tốn vài giờ chăm sóc mỗi ngày. Mỗi buổi sáng, Fanny Feifalik, thợ làm tóc của Sisi, được triệu tập để chải và tết tóc cho Hoàng hậu. Người phụ nữ này thậm chí được phong làm Thợ tóc Hoàng gia với mức lương 2.000 gulden mỗi năm, khoản tiền khá lớn khi đó.

Tuy nhiên, Fanny được đánh giá xứng đáng với mức lương đó, bởi chăm sóc tóc cho Hoàng hậu không phải công việc dễ dàng. Tóc của Sisi được gội ba tuần một lần bằng hỗn hợp trứng sống và rượu mạnh. Sau đó, bà sẽ mặc áo choàng không thấm nước và đi lại quanh phòng cho đến khi tóc khô. Mái tóc quá dài, dày và nặng đôi khi khiến Sisi đau đầu dữ dội, nên ruy băng được dùng để giảm bớt sức nặng.

Thói quen chăm sóc da của Sisi cũng phức tạp không kém. Để ngăn ngừa nếp nhăn, bà tạo ra loại mặt nạ dưỡng da làm từ dâu tây nghiền và một loại khác làm từ thịt bê sống. Ngoài làn da, Sisi luôn chú trọng duy trì vóc dáng mảnh mai với vòng hai 50 cm nổi tiếng, nên ăn rất ít. Suốt một thời gian, bà chỉ dùng nước thịt loãng cho bữa tối, sau đó hầu như sống dựa vào trứng, cam và sữa tươi.

Sisi còn có chế độ tập thể dục cường độ cao kéo dài vài giờ mỗi ngày, bao gồm các bài tập cùng vòng, nâng tạ, đi bộ nhanh, kết hợp với những bộ môn thể thao như đấu kiếm và cưỡi ngựa. Theo nhà sử học Brigitte Hamann, những hoạt động của Hoàng hậu Sisi là "hiện tượng phi thường" đối với phụ nữ vào thế kỷ 19.

Sau một đợt suy sụp tinh thần vào năm 1862, Sisi dành nhiều thời gian nhất có thể để rời khỏi cung điện Hofburg mà bà cảm thấy tù túng, thường xuyên du lịch đến Hy Lạp, Anh, Ireland, Thụy Sĩ và Hungary. "Lúc nào tôi cũng muốn di chuyển. Mỗi con tàu ra khơi đều khiến tôi dâng lên niềm khao khát lớn lao được ở trên đó", Hamann dẫn lại những lời Sisi từng viết.

Hoàng hậu Áo dần trở nên quan tâm sâu sắc đến Hungary, khi đó xích mích với đế chế của chồng bà. Sisi tin rằng người Hungary xứng đáng được hưởng tự do và tôn trọng lớn hơn, đồng thời ngày càng xa lánh tầng lớp quý tộc ở Vienna bằng cách chọn người mang quốc tịch Hungary phục vụ mình.

Hoàng hậu Elisabeth năm 1867. Ảnh: Wikimedia Commons.

Hoàng hậu Elisabeth năm 1867. Ảnh: Wikimedia Commons.

Năm 1867, Hungary trở thành một phần bình đẳng trong đế quốc Áo - Hung. Franz Joseph lên ngôi Quốc vương Hungary và Sisi là Hoàng hậu, được người dân Hungary yêu mến. Bà thường xuyên tới thăm các bệnh viện và cơ sở từ thiện mà không báo trước, thể hiện sự đồng cảm chân thành.

Tuy nhiên, tới những năm 1880, Sisi được cho là mắc một hội chứng tâm thần nghiêm trọng. Marie Valerie, con út trong 4 người con của bà, từng bắt gặp mẹ mình cười một cách cuồng loạn trong bồn tắm.

Sisi còn thường xuyên nói về chuyện tự sát với chồng và tìm mọi cách để chữa trị những giày vò về tinh thần. Tuy nhiên, cơn suy sụp của bà càng nghiêm trọng vào năm 1889, khi thi thể của Thái tử Rudolf, con trai duy nhất của Sisi, được tìm thấy bên người tình 17 tuổi Mary Vetsera tại một nhà nghỉ. Kết quả điều tra cho thấy Rudolf đã bắn chết Vetsera rồi tự sát.

Với cái chết của Rudolf, người con có tư tưởng tự do mà Sisi vô cùng thương yêu, Hoàng hậu biết rằng đế quốc Áo - Hung đang dần mục nát sẽ không thể tồn tại. Vì vậy, bà quyết định du lịch không mục đích khắp châu Âu và Bắc Phi trong tình trạng cân nặng sụt giảm nghiêm trọng, mặc bộ đồ đen tang tóc, từ chối sự bảo vệ của cảnh sát, xăm hình mỏ neo lên cánh tay, quyết tâm "đi khắp thế gian đến khi gục ngã và bị lãng quên".

Tháng 9/1898, khi Sisi đang thăm Geneva của Thụy Sĩ bằng tên giả, Luigi Lucheni, một kẻ theo chủ nghĩa vô chính phủ người Italy, cũng có mặt trong thành phố với mục đích ám sát Hoàng tử Henri xứ Orleans, nhằm phản đối giai cấp cầm quyền.

Lucheni sau đó phát hiện Hoàng tử Henri đã hủy chuyến đi đến Thụy Sĩ, nhưng y cũng nhận được thông tin rò rỉ về sự có mặt của Hoàng hậu Sisi. Vì vậy, Lucheni quyết định tiếp cận Sisi khi bà đi bộ trên bến tàu và đâm vào ngực Hoàng hậu Áo bằng một chiếc giũa. Bà ngã xuống, nhưng vẫn cố kiểm soát cơ thể và lên được tàu trước khi bất tỉnh.

Sisi được đưa đến một bệnh viện gần đó, nhưng không qua khỏi và ra đi ở tuổi 60.

Ánh Ngọc (Theo Vintage News, History)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét