Thứ Ba, 16 tháng 11, 2021

Delhi đề xuất phong tỏa vì ô nhiễm nghiêm trọng

Chính quyền vùng thủ đô Delhi của Ấn Độ đề xuất áp lệnh phong tỏa khẩn cấp vào cuối tuần này nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng.

"Chúng tôi đã đề xuất phong tỏa vào cuối tuần này và sẵn sàng thực thi. Chiến lược của chúng tôi giờ đây phụ thuộc chỉ đạo của tòa án", Thủ hiến Delhi Gopal Rai cho biết hôm 16/11, thêm rằng đề xuất còn bao gồm làm việc tại nhà trong một tuần. Chính quyền Delhi trước đó cũng khuyến nghị dừng mọi hoạt động xây dựng và công nghiệp.

Cuối tuần trước, Tòa án Tối cao Ấn Độ yêu cầu chính quyền trung ương giải quyết tình trạng ô nhiễm ở New Delhi và thông báo lại cho tòa án về các biện pháp khẩn cấp nhằm cải thiện chất lượng không khí.

Trong vài tuần qua, nồng độ ô nhiễm không khí ở Delhi cao gấp 20 lần so với tiêu chuẩn an toàn mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề ra. Khói mù ô nhiễm màu nâu bao trùm thành phố.

Người dân New Dehil di chuyển trong khói mù dày đặc, vượt qua một khẩu súng phun sương chống khói mù để hạn chế ô nhiễm ngày 16/11. Ảnh: AFP

Người dân đi qua một súng phun sương chống khói mù để hạn chế ô nhiễm ở New Delhi ngày 16/11. Ảnh: AFP

Delhi trở thành vùng thủ đô ô nhiễm nhất thế giới do sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm khí thải ôtô, nông dân đốt rơm rạ ở các bang lân cận, ô nhiễm công nghiệp, đốt rác thải và xây dựng. Nhiệt độ giảm, áp suất không khí thay đổi và ít gió do mùa đông tới khiến không khí ô nhiễm bị mắc kẹt.

Delhi từng thoát khỏi tình trạng ô nhiễm trong thời gian ngắn vào tháng 11/2020, khi lệnh phong tỏa ngăn Covid-19 giúp hạn chế các hoạt động sản xuất công nghiệp và phát thải giao thông. Tuy nhiên, ô nhiễm đã trở lại mức gây chết người như trước và trong vài ngày, chỉ số Chất lượng Không khí (AQI) ở trong và xung quanh New Delhi đã lên mức 1.000, cao nhất trong thang đo.

Người dân ra đường than phiền bị cay mắt, buồn nôn, khó thở, thậm chí hôn mê do không khí độc hại. Giới chức y tế báo cáo số người nhập viện do bệnh tim mạch và hô hấp gia tăng. Ngoài đóng cửa trường học, chính quyền cũng đưa ra các biện pháp như ngừng mọi công trình xây dựng, yêu cầu phương tiện giao thông tắt máy khi chờ đèn đỏ.

Chính quyền Delhi đã thực hiện nhiều biện pháp giảm ô nhiễm trong những năm gần đây, bao gồm đóng cửa tất cả các nhà máy nhiệt điện, mở rộng mạng lưới giao thông công cộng hiện chỉ chạy bằng khí đốt tự nhiên, cấm xe tải chạy bằng động cơ diesel vào thành phố ban ngày, áp dụng chính sách nhiên liệu sạch và quy định giảm ô nhiễm xây dựng.

Tháp lọc không khí cũng dựng lên khắp thành phố, nhưng dường như không hiệu quả. Anumita Roy Chowdhury, giám đốc điều hành Trung tâm Khoa học và Môi trường tại Delhi, cho rằng không thể kiểm soát thời tiết nhưng có thể kiểm soát ô nhiễm.

"Vẫn còn một số vấn đề cần phải hành động nhiều hơn, đặc biệt là số lượng phương tiện cá nhân trong thành phố đang bùng nổ vì hạ tầng giao thông công cộng và lối đi bộ chưa được xây dựng đúng quy mô cần thiết. Tình trạng đốt chất thải và ngành xây dựng đang bùng nổ cũng là vấn đề lớn cần giải quyết", bà nói.

Chowdhury nhấn mạnh ô nhiễm không khí không chỉ xuất hiện ở Delhi. "Nếu nhìn qua vệ tinh toàn cảnh phía bắc Ấn Độ ngay lúc này, bạn sẽ thấy khói mù bao phủ toàn bộ vùng đồng bằng Ấn Hằng, nghĩa là đây không phải vấn đề mà Delhi có thể giải quyết trong khu vực do mình quản lý".

"Cần phải có cách tiếp cận mang tính khu vực quyết liệt hơn. Phong tỏa không phải là viên đạn bạc làm ô nhiễm biến mất hoàn toàn", bà nêu quan điểm.

Hồng Hạnh (Theo Guardian)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét