Chủ Nhật, 14 tháng 11, 2021

Hành trình 'vua điện' Thái Lan vươn lên giới thượng lưu

Tháng 8/2020, giữa những tỷ phú giàu nhất Thái Lan đến Cung điện Dusit mừng sinh nhật Quốc vương, ông trùm điện lực Sarath Ratanavadi là gương mặt xa lạ.

Tại hội trường được trang trí công phu, những người đàn ông mặc trang phục đại lễ màu trắng kiểu quân đội đi cùng vợ đến tiếp kiến Quốc vương. Đây là những người giàu nhất trong các gia tộc Thái Lan, hầu hết đều quen biết nhau, khi tên các dòng họ này xuất hiện trong danh sách khách mời từ năm này qua năm khác.

Sarath Ratanavadi đứng cùng vợ Nalinee ở phía xa, là người trẻ nhất trong số các tài phiệt lão làng. Chỉ trong vài năm, người đàn ông 56 tuổi này đã trở thành "vua điện" của Thái Lan, vươn lên nhanh đến mức gây choáng váng trong một xã hội mà sự giàu có chủ yếu nhờ thừa kế và quan hệ, cùng khoảng cách quá lớn giữa các tầng lớp.

Theo dữ liệu năm 2018 của tập đoàn tài chính Credit Suisse, Thái Lan là nước có khoảng cách thu nhập lớn nhất thế giới, với 1% dân số kiểm soát tới 66,9% tài sản của quốc gia. Dù tỷ lệ này giảm xuống 40% vào năm 2020 do đại dịch Covid-19, Thái Lan vẫn là quốc gia bất bình đẳng thứ 5 trong 40 nước được Credit Suisse đánh giá.

Sarath không được nhiều người biết đến trước khi ông lọt vào danh sách tỷ phú của Forbes năm 2018, một năm sau khi Công ty Phát triển Năng lượng Gulf của ông, hãng sản xuất điện tư nhân lớn nhất Thái Lan theo giá trị thị trường, lần đầu phát hành cổ phiếu ra công chúng. Theo danh sách năm nay của Forbes, Sarath là người giàu thứ 5 đất nước với tổng giá trị tài sản 8,9 tỷ USD.

Sarath Ratanavadi, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành Công ty Phát triển Năng lượng Gulf của Thái Lan. Ảnh: Gulf Energy.

Sarath Ratanavadi, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành Công ty Phát triển Năng lượng Gulf của Thái Lan. Ảnh: Gulf Energy.

"Thật bất ngờ! Ông ấy là ai vậy?", Kevin Hewison, học giả kỳ cựu người Australia chuyên nghiên cứu chính trị Thái Lan, tỏ ra ngỡ ngàng khi nhìn thấy tên Sarath trong danh sách tỷ phú năm 2018 của Forbes, đồng thời chỉ ra rằng tốp 5 người giàu nhất Thái Lan khá ổn định trong giai đoạn 2006-2019.

Hồi tháng 2, Sarath được Quốc vương Thái Lan trao Huân chương Hiệp sĩ Bội tinh đệ nhất, phần thưởng cao quý chỉ dành cho những người có công lao với đất nước. Chris Baker, học giả nổi tiếng về Thái Lan, cho biết sự hiện diện của Sarath trong sự kiện mừng sinh nhật Quốc vương cũng cho thấy ông trùm năng lượng đã thuộc "một tầng lớp khác", không chỉ dừng lại ở một tỷ phú bình thường.

Sự góp mặt của Sarath trong vòng tròn quyền lực tại Thái Lan đánh dấu chặng đường dài trên thương trường của ông kể từ đầu những năm 1990, thời điểm kinh tế Thái Lan tăng trưởng phi mã ở mức 8,2% mỗi năm. Với hai bằng kỹ sư từ Đại học Chulalongkorn danh giá tại Thái Lan và Đại học Nam California của Mỹ, Sarath nhìn thấy cơ hội từ các chính sách năng lượng mới được triển khai.

Khi đó, chính phủ Thái Lan quyết định chấm dứt sự kiểm soát của nhà nước đối với mạng lưới cung cấp điện, mở cửa thị trường cho các công ty tư nhân. Thay đổi này nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng và dẫn đến cơn sốt đầu tư lớn. "Bằng cách đầu tư vào ngành năng lượng, Sarath trở nên khác biệt so với phần lớn thế hệ của mình", một người quen giấu tên kể lại.

Do tầm ảnh hưởng mạnh mẽ của quân đội tại Thái Lan, Sarath dường như có lợi thế nhờ lý lịch gia đình. Bố của ông là tướng Thaworn Ratanavadi, được cho là thân cận với tướng Suchinda Kraprayoon, người tổ chức cuộc đảo chính lật đổ chính quyền dân cử vào năm 1991. Sode Ratanavadi, ông của Sarath, cũng là sĩ quan quân đội. Trong khi đó, vợ Nalinee của Sarath xuất thân từ một gia tộc Thái – Trung giàu có ở tỉnh Tak phía tây bắc.

"Vợ của Sarath đóng vai trò rất quan trọng. Do bố vợ sở hữu đế chế kinh doanh ở Tak, Sarath có cả tài chính lẫn các mối quan hệ khi trở về từ Mỹ", Suwat Sinsadok, giám đốc điều hành công ty tư vấn kinh doanh FSS ở Bangkok, cho biết. Suwat kể lại rằng Sarath từng hỏi ý kiến ông trước khi ra quyết định kinh doanh, nhưng "luôn coi năng lượng là tương lai kể từ năm 1994".

Sarath bắt đầu theo đuổi mục tiêu bằng cách thành lập thương hiệu Gulf. Bước đột phá đầu tiên của ông đến vào năm 1994, khi công ty thắng thầu xây dựng một nhà máy nhiệt điện than phía nam Bangkok. Đó là thời điểm những cải cách kinh tế thu hút các công ty tư nhân nô nức tham gia lĩnh vực sản xuất điện. Tuy nhiên, Sarath bị phản đối gay gắt vì gây tổn hại môi trường, dẫn đến dự án bị đình trệ.

Một thập kỷ sau, thời điểm tỷ phú Thaksin Shinawatra giữ chức thủ tướng, Sarath một lần nữa đầu tư vào ngành năng lượng, lần này là các nhà máy chạy bằng khí đốt, thay vì than, ở tỉnh Saraburi. Ông nhận được sự ủng hộ từ J-Power, công ty điện lực Nhật Bản có 49% cổ phần trong Gulf.

Nhà máy điện JP UT của công ty Gulf tại tỉnh Ayutthaya, Thái Lan. Ảnh: Gulf Energy.

Nhà máy điện JP UT của công ty Gulf tại tỉnh Ayutthaya, Thái Lan. Ảnh: Gulf Energy.

Năm 2013, một công ty con của Gulf, khi đó do bộ trưởng năng lượng dưới thời Thaksin điều hành, thắng thầu xây dựng các turbine khí ở tỉnh Chonburi và Rayong với những hợp đồng nhượng quyền từ nhà nước. Tuy nhiên, tranh cãi nổ ra do toàn bộ hợp đồng thuộc về một công ty, khiến 4 công ty khác cùng cạnh tranh để giành một phần dự án lớn này trắng tay.

Một năm sau, chính quyền Yingluck Shinawatra, em gái Thaksin, bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự. Chính quyền mới của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha mở cuộc điều tra những hợp đồng bị coi là thiên vị các lãnh đạo doanh nghiệp có liên hệ với Thaksin trong thời gian em gái ông nắm quyền.

"Một trong những lý do khiến các đối thủ căm ghét Sarath là ông ấy thắng thầu 100%. Họ hoan nghênh điều tra và mong chính quyền quân sự sẽ hủy hợp đồng mà Gulf giành được", một nguồn tin trong ngành năng lượng Thái Lan cho biết.

Các cuộc điều tra ban đầu dẫn đến đàm phán lại hợp đồng, với lý do có những điểm bất thường. Sarath cũng bị giới chức triệu tập, nhưng truyền thông lúc đó không chú ý đến ông mà tập trung vào những tỷ phú nổi tiếng hơn. Sau các cuộc đàm phán kéo dài, hợp đồng của Gulf được chấp thuận.

"Công ty Gulf thắng thầu một cách công bằng và trong sạch. Họ đã đưa ra được mức giá thấp nhất", Pichai Naripthaphan, bộ trưởng năng lượng trong chính quyền của bà Yingluck, cho hay.

Bước ngoặt này đã mở đường cho quyết định phát hành cổ phiếu ra công chúng của Gulf vào năm 2017, khi sở hữu 13 nhà máy nhiệt điện chạy bằng khí đốt đang hoạt động. "Sarath đã chuẩn bị cho điều đó suốt hơn 10 năm. Ông ấy chỉ chờ thời điểm thích hợp", Suwat cho biết.

Một trong những khả năng gây ấn tượng nhất của Sarath là giành được sự ủng hộ của chính quyền quân sự, dù ông từng có quan hệ thân thiết với nhà Shinawatra. "Không ai vun đắp quan hệ dưới chính quyền mới tốt như Sarath. Không chỉ giữ vững cơ đồ sau cuộc đảo chính, ông ấy còn vươn lên và được cho là vẫn có quan hệ tốt với Thaksin", một chủ ngân hàng đầu tư giấu tên đánh giá.

Sarath thường xuyên di chuyển bằng chuyên cơ trị giá 70 triệu USD, nổi tiếng là một tay chơi golf giỏi và yêu thích các loại rượu hảo hạng. Tuy nhiên, đối với nhiều cộng sự, ngay cả những người thân thiết, Sarath vô cùng kín tiếng, cũng hiếm khi trả lời phỏng vấn báo chí.

Do đó, quy mô và tốc độ phát triển của Gulf, cũng như mức độ giàu có và bí quyết thành công của ông trùm năng lượng vẫn là ẩn số. Chỉ một số người được Sarath tin tưởng mới nắm được các thông tin này, bao gồm nhà tư vấn và phân tích kinh doanh Suwat.

Hồi tháng 2, Suwat dùng bữa trưa cùng Sarath trong phòng riêng tại một nhà hàng Italy trang nhã ở thủ đô Bangkok, nhằm thảo luận về thương vụ đột phá trị giá hàng tỷ baht, hứa hẹn làm rung chuyển lĩnh vực viễn thông của Thái Lan. Sarath cho biết Gulf có ý định đầu tư vào InTouch, công ty kiểm soát AIS, nhà điều hành dịch vụ điện thoại di động lớn nhất Thái Lan.

"Các công ty năng lượng khác tại Thái Lan phát triển khi thị trường phát triển, nhưng Gulf rất khác. Đế chế của họ lớn hơn nhiều. Bạn không thể tìm thấy một công ty tương tự ở Thái Lan", Suwat nhận xét.

Ánh Ngọc (Theo Nikkei)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét