Thứ Tư, 3 tháng 11, 2021

Hứng thiên tai kỷ lục, dân Trung Quốc ngấm đòn khí hậu

Ngay cả sau khi những cơn bão lớn đã đi qua, nước vẫn tiếp tục tích tụ ở phần lớn các vùng nông thôn vốn bằng phẳng và màu mỡ của tỉnh.

Ở đây nền kinh tế phụ thuộc vào ngô, lúa mỳ và rau quả. Hà Nam còn là vựa lương thực lớn cho những khu vực khác của Trung Quốc. Theo chính quyền địa phương, gần 1,2 triệu ha đất nông nghiệp đã bị ngập với tổng thiệt hại lên tới 18 tỷ USD.

"Tất cả những gì tôi có thể làm là nhìn lên trời khóc, khóc và khóc mỗi ngày", Wang, một nông dân trồng đậu phộng, chia sẻ.

Những chiếc máy bơm thô sơ đã được phát cho nông dân ở Hà Nam để chống úng, song nỗ lực này là không đủ. Vô số ống nhựa mềm được dàn khắp các cánh đồng để thoát nước, nhưng chúng sau một thời gian lại bị rách, khiến nông dân phải liên tục tìm cách vá lại.

Song, một nông dân 58 tuổi, cho hay, mọi tài sản của bà đều bị lũ nhấn chìm, từ nhà cửa, đồ đạc, ruộng đồng đến thiết bị canh tác.

"Không còn thu hoạch được gì cả. Năm nay, những người dân bình thường như chúng tôi phải chịu khổ cả năm rồi. Dân thường là khổ sở nhất", bà nói.

"Chúng tôi đã rất chăm chỉ, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà không thu được một cắc nào, thật đau lòng", Hou Beibei buồn bã tâm sự. Cô có một trang trại trồng cà tím, tỏi và cần tây nhưng đã bị chìm trong nước lũ. Đến nay, lũ vẫn chưa thoát hết.

Cô đang rất lo lắng cho hai con nhỏ của mình. "Tiền học của con và tiền sinh hoạt cho cả gia đình đều trông cậy vào mảnh đất này", Hou nói.

Mùa hè cũng chứng kiến một thảm họa thiên nhiên liên quan đến biến đổi khí hậu khác ở Trung Quốc. Theo các chuyên gia thời tiết Mỹ, vào tháng 7, tháng nóng nhất trên Trái Đất trong 142 năm, một loài tảo xanh lục khổng lồ và độc hại đã nở rộ trên diện tích khoảng 1.750 km2, bao trùm vùng nước ven biển ngoài khơi thành phố Thanh Đảo, đe dọa ngành hàng hải, đánh bắt cá và du lịch. Truyền hình nhà nước Trung Quốc phát phóng sự cho thấy người dân phải dùng xe ben để loại bỏ các ụ tảo.

Một mối đe dọa nữa đối với các tỉnh ven biển của Trung Quốc là tình trạng mực nước biển dâng. Báo cáo của chính phủ cho thấy mực nước ven biển đã tăng khoảng 122 mm từ năm 1980 đến năm 2017 và dự đoán trong 30 năm tới, nước có thể tăng thêm 70 đến 160 mm.

Vì các khu vực ven biển phần lớn bằng phẳng, "mực nước biển chỉ cần dâng lên một chút cũng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng ngập lụt trên một vùng đất rộng lớn", xóa sổ những tòa chung cư đắt tiền ven biển và các môi trường sống quan trọng, báo cáo từ chính phủ Trung Quốc dự đoán.

Một nghiên cứu được công bố năm ngoái cho thấy dù biến đổi khí hậu ít được người Trung Quốc quan tâm so với ô nhiễm không khí và nước, họ ngày càng lo ngại về nó. Nghiên cứu của hai học giả Trung Quốc, dựa trên các khảo sát ở cả trong và ngoài nước từ cuối những năm 1990, cho thấy thay đổi nhận thức trong công chúng nước này phần lớn do các vấn đề ô nhiễm không khí dai dẳng và các chiến dịch tuyên truyền từ chính phủ.

Khói bốc lên tại một nhà máy lọc dầu ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, tháng 2/2014. Ảnh: Reuters.

Khói bốc lên tại một nhà máy lọc dầu ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, tháng 2/2014. Ảnh: Reuters.

Trong một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew trước khi Hiệp định Khí hậu Paris ra đời năm 2015, hầu hết trong hơn 3.600 người Trung Quốc được hỏi coi biến đổi khí hậu là "vấn đề nghiêm trọng về mặt nào đó".

Một cuộc thăm dò khác với 4.000 người dân do Trung tâm Truyền thông về Biến đổi Khí hậu Trung Quốc thực hiện năm 2017 cho thấy mọi người lo lắng về hiện tượng Trái Đất nóng lên hơn là giáo dục, phát triển kinh tế và chống khủng bố.

"Tôi nghĩ các tác động chúng ta đang trải qua sẽ gây thức tỉnh ở cấp độ quốc gia. Sẽ ngày càng có nhiều người đặt câu hỏi 'Tại sao những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như thế này lại xảy ra? Đâu là nguyên nhân gốc rễ?'", Li Shuo, chuyên gia về chính sách khí hậu tại tổ chức Hòa bình Xanh Đông Á ở Bắc Kinh, nhận định. "Tôi cho rằng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc và công chúng sẽ nhận ra chúng ta thực sự đang trong tình trạng khẩn cấp về khí hậu".

Vũ Hoàng (Theo SCMP, US News)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét