Gavin Screaton, nhà miễn dịch học tại Đại học Oxford, cho rằng chỉ những người rất bàng quan mới tin nCoV đã hết mánh khóe đột biến sau chủng Delta.
Lời cảnh báo từ Screaton, người đứng đầu bộ phận khoa học y tế thuộc Đại học Oxford của Anh, được chứng minh trên thực tế, khi giới khoa học thế giới dành cả tuần qua để nghiên cứu về B.1.1.529, biến chủng nCoV mới được phát hiện tại Nam Phi, Botswana và đã xuất hiện tại Hong Kong, Israel.
B.1.1.529 là biến chủng mới nhất trong số hơn 1.500 nhánh của nCoV xuất hiện kể từ khi đại dịch bắt đầu, được coi là nguyên nhân khiến số ca nhiễm hàng ngày tại Nam Phi tăng 12 lần trong chưa đầy một tháng. Tâm lý lo ngại thúc đẩy giới chức nhiều quốc gia đồng loạt phát cảnh báo và áp đặt hạn chế đi lại với nhóm các nước phía nam châu Phi.
Các nhà khoa học và giới chức y tế luôn cảnh giác cao độ trước câu hỏi lớn rằng liệu có biến chủng nào dễ lây lan và chết chóc hơn, thậm chí kháng vaccine, xuất hiện và lấn át chủng trội Delta hiện nay hay không.
Virus luôn biến đổi theo thời gian, mỗi lần sao chép lại tạo ra những đột biến mới trên chuỗi gồm 30.000 nucleotide hình thành nên bộ gene của nó. Thông thường, các đột biến sẽ dần mất đi, nhưng mỗi đột biến lại đi kèm với khả năng virus trở nên mạnh hơn, có nguy cơ tạo ra tải lượng virus lớn hơn, bám dính dễ dàng hơn với tế bào trong đường hô hấp, hoặc né tránh được hệ miễn dịch của cơ thể.
Trước khi biến chủng Delta xuất hiện lần đầu từ Ấn Độ, mối đe dọa lớn nhất đến từ biến chủng Alpha được phát hiện lần đầu ở Anh, với khả năng lây lan nhanh. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân loại hơn 10 biến chủng là "đáng lo ngại" hoặc "đáng quan tâm", gần đây nhất là chủng Mu xuất hiện tại Colombia hồi tháng 1.
Tháng trước, giới chức Anh bắt đầu theo dõi AY.4.2, một nhánh của biến chủng Delta được cho là có khả năng lây lan cao hơn 10% so với chủng Delta ban đầu. Hai nhánh khác của Delta, được phát hiện gần đây tại Canada và Indonesia, cũng mang những đặc điểm chung với AY.4.2.
"Sự xuất hiện của biến chủng Alpha và Delta vào cuối năm ngoái phần lớn không gây ngạc nhiên. Mặc dù vậy, virus luôn tìm cách thực hiện động thái tiếp theo", Emma Hodcroft, nhà di truyền học tiến hóa tại Đại học Basel của Thụy Sĩ, cho biết.
Trước khi vaccine được triển khai, virus đối mặt "môi trường miễn dịch đơn giản hơn", nơi hầu hết mọi người đều dễ nhiễm, nên tập trung vào khả năng lây truyền là "cách chiến thắng dễ dàng nhất", Hodcroft giải thích.
Giờ đây, với hơn 53% dân số thế giới đã được tiêm ít nhất một liều vaccine và thêm khoảng 30 triệu liều được tiêm mỗi ngày, nước đi tiếp theo của virus sẽ "tinh vi hơn". "Chúng có thể trở nên dễ lây lan hơn hoặc tìm cách lọt qua hệ miễn dịch, hoặc bao gồm cả hai đặc điểm đó", bà nhận định.
Một số nhà khoa học đánh giá mức độ lây nhiễm của nCoV đã đạt đỉnh với chủng trội Delta. Francois Balloux, giám đốc Viện Di truyền thuộc Đại học London, cho biết hệ số lây nhiễm cơ bản (R0) cao nhất của các virus corona đặc hữu lưu hành trước khi nCoV xuất hiện là 7, sau nhiều thập kỷ chọn lọc tự nhiên.
Do hệ số R0 của Delta là 6-7, hơn gấp đôi so với chủng gốc tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, biến chủng này có lẽ "không có nhiều cơ hội để trở nên dễ lây nhiễm hơn trong ngắn hạn", Balloux đánh giá. Ông dự đoán nCoV sẽ dần tiến hóa với mục tiêu nhắm đến là hệ miễn dịch, quá trình có thể kéo dài cả thập kỷ, thay vì không ngừng hướng đến khả năng lây lan. Bệnh cúm cũng có quá trình tiến hóa kéo dài như vậy.
Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học vẫn nơm nớp với kịch bản virus đột biến bất ngờ, khiến nỗ lực ứng phó toàn cầu và chiến dịch tiêm chủng hiện nay đi chệch hướng. Biến chủng B.1.1.529 làm dấy lên lo ngại vì lý do này, bởi nó có tới 32 đột biến trong protein gai, phần cấu tạo giúp virus xâm nhập vào tế bào của người, dẫn đến nguy cơ nó có khả năng thoát khỏi hệ miễn dịch và lây lan nhanh hơn.
"Mối lo ngại là khi có quá nhiều đột biến, cách thức hoạt động của virus có thể bị tác động", tiến sĩ Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật ứng phó Covid-19 của WHO, hôm 25/11 nói về biến chủng B.1.1.529.
Tulio de Oliveira, giám đốc Trung tâm Đổi mới và Ứng phó Dịch bệnh tại Nam Phi, bày tỏ lo ngại về biến chủng mới khi nó chiếm tới 90% trong khoảng 1.100 ca nhiễm mới được ghi nhận ở tỉnh Gauteng hôm 24/11. Ông chỉ ra điều bất thường là biến chủng có thể được phát hiện thông qua phân tích kết quả xét nghiệm PCR, không cần giải trình tự gene.
"Câu hỏi chủ chốt cần được giải đáp là ảnh hưởng của biến chủng này đối với các loại vaccine Covid-19", Oliveira nói thêm.
Nhưng ngay cả khi B.1.1.529 dần biến mất, các biến chủng khác vẫn có khả năng trỗi dậy. Venky Soundararajan, nhà khoa học trưởng tại công ty phân tích dữ liệu Nference, lo ngại rằng chiến dịch tiêm chủng có thể khiến virus "lâm vào bước đường cùng" và không còn cách nào khác ngoài tiến hóa để tìm cách lọt qua hệ miễn dịch.
"Vaccine giúp ngăn chặn tình trạng lây nhiễm và bệnh trở nặng, nhưng nghịch lý là cũng khiến chúng ta ngày càng cần theo dõi những đột biến vô cùng đặc biệt có thể né tránh hệ miễn dịch", Soundararajan nhận định.
Mặc dù không ai chắc chắn chủng trội mới có thể xuất hiện ở đâu và khi nào, giới khoa học nhất trí rằng Delta sẽ không chiếm ưu thế mãi mãi. Kevin McCarthy, giáo sư di truyền học vi sinh tại Đại học Pittsburgh của Mỹ, cho rằng quá trình tiến hóa của nCoV "đang gần đến đỉnh điểm", sau đó lo ngại sẽ dồn về một biến chủng thoát được hệ miễn dịch.
"Tôi nghĩ virus có khả năng sẽ biến đổi và làm suy yếu hiệu quả của vaccine. Nếu virus đối mặt với hai lựa chọn là tiến hóa hoặc tuyệt chủng, nó sẽ tiến hóa", McCarthy đánh giá.
Ánh Ngọc (Theo Financial Times)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét