Thứ Bảy, 13 tháng 11, 2021

Tàu ngầm Mỹ có thể va chạm giàn khoan ở Biển Đông

Chuyên gia Trung Quốc đặt giả thuyết tàu ngầm Mỹ USS Connecticut va chạm với một giàn khoan dầu đã ngưng sử dụng ở Biển Đông dẫn đến hư hại.

Chi Goucang, cựu giảng viên cấp cao tại Học viện Tàu ngầm Hải quân thuộc quân đội Trung Quốc, nhận định Biển Đông có nhiều giàn khoan dầu đã ngừng sử dụng. Ông đặt giả thuyết tàu ngầm Mỹ USS Connecticut gặp tai nạn vào tháng trước vì va chạm với một trong những cấu trúc ngầm nhân tạo này.

Viết trên tạp chí Naval and Merchant Ships, Chi lập luận có một số giàn khoan dầu được bỏ lại trên Biển Đông sau khi bên khai thác ngừng sử dụng. Những cấu trúc này nằm dưới mặt biển khoảng 80 - 100 m.

"Nếu những công ty khai thác không báo cáo kịp thời, hoặc hải đồ của hải quân Trung Quốc chưa đánh dấu và cập nhật đầy đủ, những giàn khoan đó sẽ trở thành chướng ngại vật ngầm nguy hiểm", ông đánh giá.

Theo Chi, đặt trường hợp tàu USS Connecticut đâm trực diện vào một giàn khoan bỏ hoang ở độ sâu 80 - 100 m và hỏng hệ thống thủy âm tích hợp, thiệt hại dù không gây nguy hiểm vẫn buộc kíp lái phải đưa tàu trở lại mặt biển do không thể định hướng bình thường.

Tàu ngầm Mỹ USS Connecticut về cảng nhà, căn cứ hải quân Kitsap thuộc bang Washington ở bờ tây, sau đợt diễn tập năm 2011. Ảnh: US Navy.

Tàu ngầm Mỹ USS Connecticut về cảng nhà, căn cứ hải quân Kitsap thuộc bang Washington ở bờ tây, sau đợt diễn tập năm 2011. Ảnh: US Navy.

Chuyên gia tàu ngầm Trung Quốc không loại trừ khả năng tàu Mỹ gặp lưới đánh cá kích thước rất lớn hoặc một số vật thể khác. "Môi trường lòng biển ở Biển Đông vô cùng phức tạp. Một chút sơ sẩy thiếu phối hợp có thể dẫn đến va chạm", ông nói.

Tàu ngầm USS Connecticut gặp tai nạn trên hải phận quốc tế ở Biển Đông vào ngày 2/10 sau khi va chạm với một cấu trúc dưới lòng biển. Hải quân Mỹ xác nhận 11 thủy thủ bị thương. Một sĩ quan chỉ huy và kỹ thuật viên thủy âm trên tàu đã bị đình chỉ.

Ảnh vệ tinh do hãng Planet Labs chụp ngày 20/10 hé lộ USS Connecticut neo đậu tại cảng Guam. Giới chuyên gia ban đầu cho rằng phía trên mũi tàu và vòm thủy âm không có dấu hiệu hư hại, nhưng một cựu sĩ quan tàu ngầm Mỹ nhận định mũi tàu đã được tháo bỏ và hệ thống định vị thủy âm của USS Connecticut đang ngâm dưới nước biển.

Phát ngôn viên Hạm đội 7 hải quân Mỹ Hayley Sims ngày 1/11 khẳng định USS Connecticut đâm vào núi ngầm. Cấu trúc tự nhiên không được khảo sát từ trước và không nằm trên hải đồ. Lò phản ứng hạt nhân và không gian bên trong tàu ngầm Connecticut "hoạt động đủ công năng và không bị ảnh hưởng".

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố "không hài lòng" với kết luận điều tra của hải quân Mỹ. Bắc Kinh nhân cơ hội này lặp lại yêu cầu Mỹ dừng gửi tàu, máy bay quân sự đến khu vực trong khuôn khổ thực thi tự do an toàn hàng không và hàng hải.

Vụ va chạm có thể gây thiệt hại kinh tế rất lớn và ảnh hưởng tới năng lực tác chiến của hải quân Mỹ, do USS Connecticut là một trong ba tàu ngầm thuộc lớp Seawolf, loại tàu ngầm tấn công đắt nhất thế giới với chi phí ước tính tới 8,5 tỷ USD/chiếc.

Lần gần nhất tàu ngầm Mỹ gặp sự cố nghiêm trọng khi lặn xảy ra vào năm 2005. Tàu ngầm USS San Francisco đang di chuyển ở vận tốc tối đa gần Guam bất ngờ đâm vào núi ngầm, khiến một thủy thủ thiệt mạng.

Trung Nhân (Theo SCMP)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét