Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2021

Thảm họa khiến Mỹ thay máu lực lượng đặc nhiệm

Hàng loạt sai sót thảm họa trong chiến dịch giải cứu con tin ở Iran 40 năm trước khiến Mỹ phải tái cấu trúc lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ.

Ngày 4/11/1979, sinh viên Iran xông vào đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Tehran, bắt 66 công dân Mỹ làm con tin nhằm gây sức ép để Washington dẫn độ vua Mohammed Reza Pahlavi bị lật đổ sau Cách mạng Hồi giáo Iran. Sự kiện này mở đầu cho một chiến dịch giải cứu thảm họa, thúc đẩy Mỹ cải tổ toàn bộ lực lượng đặc nhiệm.

Khi các con tin tiếp tục bị giữ tại đại sứ quán ở Tehran trong nhiều tuần, quân đội Mỹ bắt đầu diễn tập giải cứu con tin với lực lượng nòng cốt là đặc nhiệm Delta mới thành lập của lục quân.

Trực thăng RH-53 trên tàu sân bay USS Nimitz trước chiến dịch Móng vuốt Đại bàng. Ảnh: US Navy.

Trực thăng RH-53 trên tàu sân bay USS Nimitz trước chiến dịch Móng vuốt Đại bàng. Ảnh: US Navy.

Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ rất phức tạp. Thủ đô Tehran được bao quanh bởi sa mạc và nhiều ngọn núi, gây hàng loạt khó khăn cho lực lượng Mỹ trong quá trình tiếp cận. Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cắt cử một biệt kích không quân đi tiền trạm để chọn địa điểm tập kết tiền phương có mật danh Desert One, cách thủ đô của Iran khoảng 80 km.

Dù có lực lượng nằm vùng ở Tehran, tình báo Mỹ vẫn thiếu thông tin cần thiết để triển khai chiến dịch, do CIA bị Tổng thống Jimmy Carter hạn chế hoạt động sau những sai lầm trước đó. Đặc nhiệm Delta phải dựa vào kênh truyền hình quốc gia Iran để thu thập phần lớn thông tin tình báo.

Đặc nhiệm Mỹ không thể xác định vị trí của tất cả con tin. Ngoài đại sứ quán rộng 10,5 ha với khả năng tiếp nhận 1.000 người, các báo cáo cho thấy Iran khi đó còn giữ một số con tin tại trụ sở Bộ Ngoại giao.

Mọi chuyện càng rắc rối hơn khi 4 quân binh chủng của Mỹ muốn tham gia chiến dịch giải cứu con tin mang mật danh "Eagle Claw" (Móng vuốt Đại bàng), buộc giới chỉ huy đưa ra biện pháp thỏa hiệp để làm vừa lòng tất cả các bên.

Không quân sẽ triển khai lực lượng máy bay cánh bằng gồm 3 vận tải cơ MC-130E Combat Talon và 3 chiếc EC-130E Hercules, cùng một đơn vị đặc nhiệm. Hải quân điều 8 trực thăng RH-53 Sea Stallion do phi công thủy quân lục chiến điều khiển cất cánh từ tàu sân bay USS Nimitz. Lục quân triển khai lính biệt kích và đặc nhiệm Delta giải cứu con tin.

Theo kế hoạch, biên đội MC-130E và EC-130E sẽ chở lực lượng đặc nhiệm và trang bị từ Oman vượt quãng đường hơn 1.600 km đến điểm tập kết Desert One. Trực thăng RH-53 cất cánh từ tàu sân bay USS Nimitz và bay 965 km đến đó hội quân. Sau khi tiếp dầu, các trực thăng này sẽ chở 132 đặc nhiệm lục quân đến địa điểm bí mật gần thủ đô Tehran, trong khi vận tải cơ trở về Oman.

Tối hôm sau, đặc nhiệm Delta và biệt kích sẽ sử dụng phương tiện do lục quân và CIA thu được để di chuyển đến mục tiêu.

Sau khi cứu được con tin, trực thăng sẽ chở họ đến căn cứ không quân bỏ hoang cách thủ đô Tehran 80 km do một đại đội biệt kích chiếm được từ trước. Từ đây, họ sẽ bay đến Arab Saudi bằng vận tải cơ chiến lược C-141 sau khi phá hủy toàn bộ trực thăng.

Cường kích A-7E với vạch nhận diện trên cánh phải trước chiến dịch. Ảnh: US Navy.

Cường kích A-7E với vạch nhận diện trên cánh phải trước chiến dịch. Ảnh: US Navy.

Không đoàn trên hạm số 8 và số 14 xuất phát từ hai tàu sân bay ở vịnh Oman sẽ làm nhiệm vụ bảo vệ lực lượng vận tải. Tiêm kích và cường kích Mỹ được sơn vạch màu nhận diện ở cánh phải, nhằm phân biệt với chiến đấu cơ cùng loại được Mỹ bán cho Iran trước Cách mạng Hồi giáo.

Chiến dịch khởi động vào đêm 24/4/1980, nhưng gặp trục trặc ngay từ đầu. Khi đáp xuống Desert One, đặc nhiệm Delta gặp một xe buýt chở đầy dân thường Iran và một xe bồn chở xăng. Họ khống chế toàn bộ xe buýt, nhưng tài xế xe bồn kịp bỏ trốn trên một phương tiện khác.

Hai trực thăng RH-53 phải hạ cánh khẩn và bị bỏ lại, một chiếc khác phải quay trở lại tàu sân bay vì trục trặc kỹ thuật và thời tiết xấu. Các chỉ huy Mỹ quyết định hủy nhiệm vụ, vì họ cần tối thiểu 6 trực thăng để chở biệt kích.

Tai họa ập đến khi các binh sĩ Mỹ chuẩn bị rời Desert One. Một trực thăng va chạm với vận tải cơ EC-130E, tạo ra vụ nổ lớn khiến 5 phi công và ba lính thủy quân lục chiến thiệt mạng, 8 máy bay cũng bị phá hủy.

Tổng thống Jimmy Carter nhận trách nhiệm về thất bại này, còn quân đội Mỹ sẵn sàng thực hiện chiến dịch lần hai. Tuy nhiên, Iran đã phân tán con tin để ngăn chặn nỗ lực giải cứu.

Báo cáo sau này cho thấy chiến dịch đã bộc lộ nhiều thiếu sót. Lực lượng tác chiến đến từ nhiều đơn vị, chưa từng huấn luyện cùng nhau và cũng không diễn tập một cách nghiêm túc.

"Chúng tôi tập hợp người và trang thiết bị một cách rời rạc, sau đó yêu cầu họ thực hiện nhiệm vụ rất phức tạp. Mọi thành phần đều làm đúng nhiệm vụ của mình, nhưng họ không phối hợp một cách thống nhất", đại tá Charlie Beckwith, người sáng lập và chỉ huy lực lượng Delta, phát biểu trong phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ.

Quan chức Iran thị sát xác máy bay bị Mỹ bỏ lại sa mạc gần Tehran sau chiến dịch. Ảnh: AP.

Quan chức Iran thị sát xác máy bay bị Mỹ bỏ lại sa mạc gần Tehran sau chiến dịch. Ảnh: AP.

Thất bại khiến quân đội Mỹ nhận thấy yêu cầu xây dựng lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố liên quân chuyên biệt, cùng bộ chỉ huy các chiến dịch đặc biệt. Điều này dẫn đến quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Chiến dịch Đặc biệt (SOCOM) và Bộ tư lệnh Các chiến dịch Đặc biệt Liên quân (JSOC).

Quân đội Mỹ cũng thành lập Trung đoàn Không quân Đặc nhiệm số 160 thuộc lục quân để đảm bảo các vấn đề về trực thăng trong chiến dịch Móng vuốt Đại bàng sẽ không tái diễn.

Duy Sơn (Theo WATM)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét