Chủ Nhật, 14 tháng 11, 2021

Thành phố Trung Quốc mệt mỏi với truy vết, cách ly

Sau khi Kristen Ng xem phim tại rạp có một ca nhiễm, hơn 200 người dù không tiếp xúc gần F0 vẫn bị đưa đi cách ly tập trung.

Hai tuần trước, Kristen Ng, một nhạc công ở Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc, cùng người yêu đến rạp xem phần mới của loạt phim bom tấn James Bond.

Ba ngày sau, họ được đưa vào khách sạn cách ly bắt buộc 14 ngày, sau khi lực lượng truy vết thành phố phát hiện một ca mắc Covid-19 đến cùng buổi chiếu phim với Kristen Ng.

Toàn bộ khách xem phim và nhân viên rạp đều bị đưa đi cách ly do thuộc diện tiếp xúc gần với ca F0, nhưng đội ngũ truy vết không dừng lại ở đó. Những người từng tiếp xúc với Kristen và người yêu, giáo viên một trường địa phương, trong hai tuần qua cũng nhận quyết định tương tự. Hệ quả là hơn 200 người khác gồm 30 giáo viên, 90 học sinh và một phụ huynh của mỗi em được yêu cầu đi cách ly.

Kristen Ng cũng như không ít người dân tại Thành Đô đang cảm thấy ngày càng mệt mỏi với chiến lược chống dịch mạnh tay này, đặc biệt với đợt bùng phát Covid-19 mới nhất. Làn sóng lây nhiễm từ tháng 10 đã lan đến 20 tỉnh thành và hơn 1.100 ca nhiễm đang điều trị ở Trung Quốc đại lục.

"Tình hình ở đây thật điên rồ. Chúng tôi cảm thấy tác động rõ rệt hơn trước. Xét nghiệm Covid-19 khắp nơi. Liệu những thành phố khác có đang trải qua tình trạng tương tự không", Kristen chia sẻ. "Cảm giác chung của người dân là phản ứng lần này hơi thái quá".

Điểm xét nghiệm Covid-19 dã chiến ở Thành Đô. vào tháng 11. Ảnh: Reuters.

Điểm xét nghiệm Covid-19 dã chiến ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc vào tháng 11. Ảnh: Reuters.

Theo Kristen, từ khi bắt đầu được đưa tới khu cách ly, cô phải xét nghiệm mỗi ngày bằng que phết vòm họng và mũi, luôn nhận kết quả âm tính.

Quận Đồng Tử Long, nơi cô sinh sống, tổ chức xét nghiệm hàng loạt ở nhiều khu chung cư vì nghi có ca nhiễm trong khu vực. Tòa nhà của Kristen xét nghiệm tất cả cư dân vào 6h ngày 5/11. Họ phải xếp hàng ngoài trời lạnh, nhiều người còn chưa kịp thay quần áo ngủ.

Chính quyền chưa xác nhận bất kỳ ca nhiễm nào trong khu vực. Cô nói các nhân viên y tế địa phương không cung cấp nhiều thông tin hay giải đáp thắc mắc của người dân khi xét nghiệm.

Với chiến lược "không Covid" đang được áp dụng toàn quốc, Thành Đô tổ chức truy vết chống dịch quyết liệt. Cơ quan y tế thành phố sử dụng nguyên tắc "chung thời gian, địa điểm" để xác định cư dân nào cần xét nghiệm và cách ly.

Theo nguyên tắc này, một người ở gần ca nhiễm trong phạm vi dưới 800 mét vuông trong ít nhất 10 phút sẽ phải đi cách ly. Biện pháp tương tự được áp dụng cho trường hợp có mặt trong "vùng rủi ro cao" hơn 30 tiếng trong 14 ngày qua.

Công tác truy vết này chủ yếu dựa vào tín hiệu điện thoại. Nếu một người rơi vào diện "gần thời gian, địa điểm" với ca nhiễm, mã y tế của họ tự chuyển sang màu vàng và người này được cảnh sát liên hệ. Sau hai lần xét nghiệm Covid-19, người mang mã vàng mới được ra đường bình thường.

Trong chưa đầy một tuần qua, hệ thống truy vết ở Thành Đô đưa 82.000 người vào diện "gần thời gian, địa điểm" với 5 ca nhiễm. Thành phố đến nay ghi nhận 41 ca Covid-19 cần cách ly hoặc điều trị.

Điều khiến Krsiten và không ít người dân thành phố mệt mỏi là tính chính xác của hệ thống truy vết tự động. Kristen cho biết mã y tế của cô vẫn ở chế độ xanh lá, trong khi diện tiếp xúc gần ca nhiễm thường hiển thị mã màu đỏ.

Các chuyên gia Trường Y tế Công Tây Trung Quốc cũng hoài nghi tính thực tiễn của nguyên tắc truy vết "chung thời gian, địa điểm" ở Thành Đô. Trong thỉnh nguyện thư gửi chính quyền thành phố, ba chuyên gia Li Jiayuan, Wang Chuan và Chen Fujun kêu gọi đảm bảo quyền riêng tư công dân và hạn chế hết mức những chính sách gây xáo trộn cuộc sống thường nhật.

Họ lưu ý tiêu chí "800 mét vuông gần ca nhiễm" được áp dụng ở Thành Đô không phù hợp với bất kỳ cách định nghĩa nào của Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) về tiếp xúc gần, tiếp xúc thứ cấp và tiếp xúc thông thường.

Li, Wang và Chen lập luận cách chống dịch ở Thành Đô làm tăng vọt số cư dân mang mã y tế vàng, dẫn đến lãng phí xét nghiệm và nguồn lực y tế. Ngoài ra, người dân thành phố thường xuyên phải sống trong tình trạng hoảng loạn, không biết khi nào bị đưa đi cách ly, khiến cuộc sống bị xáo trộn.

"Dữ liệu lớn (big data) có thể giúp đánh giá nguy cơ bùng phát dịch, hỗ trợ các biện pháp kiểm soát và điều phối nguồn lực", ba chuyên gia viết trong thư ngỏ gửi chính quyền Thành Đô. "Nhưng sử dụng chúng sai cách là đi ngược lại nguyên tắc kiểm soát dịch chính xác và cần ngăn chặn cách làm này".

Trung Nhân (Theo SCMP)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét