Thứ Bảy, 13 tháng 11, 2021

Thượng đỉnh Biden - Tập Cận Bình khó đạt đột phá

Lãnh đạo Mỹ - Trung nhất trí họp thượng đỉnh trực tuyến để giải quyết cạnh tranh song phương, nhưng khó đạt thành quả mang tính bước ngoặt.

Joe Biden từng nhiều lần gặp mặt trực tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước khi ông trở thành Tổng thống Mỹ. Những cuộc gặp mặt đối mặt này giúp hai bên đánh giá tâm lý đối phương thông qua ngôn ngữ cơ thể, nét mặt, trò chuyện bên lề hay các hoạt động xã hội ngoài phòng họp.

Tuy nhiên, hội nghị thượng đỉnh được trông đợi từ lâu giữa lãnh đạo Mỹ - Trung, dự kiến diễn ra vào ngày 15/11, lại được tổ chức theo hình thức trực tuyến, trong bối cảnh ông Tập chưa có chuyến công du nước ngoài nào kể từ khi Covid-19 bùng phát.

"Một cuộc gặp trực tiếp chắc chắn tốt hơn họp trực tuyến, bởi các lãnh đạo sẽ có nhiều tương tác với nhau hơn", Su Hao, giáo sư tại Đại học Ngoại giao Trung Quốc, nêu ý kiến. "Họ cũng sẽ trao đổi quan điểm nhiều hơn và điều quan trọng là xây dựng quan hệ cá nhân dễ dàng hơn".

Trong khi đó, Thời Ân Hoằng, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, lập luận rằng mặc dù tương tác trực tiếp thường được ưu tiên hơn, cuộc họp thượng đỉnh này có thể khác biệt, trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AFP.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AFP.

"Đôi khi gặp mặt trực tiếp có thể phản tác dụng. Có lúc mọi người kỳ vọng quá lớn vào cuộc họp, trong khi kỳ vọng đó chỉ đơn giản là bất khả thi, rồi họ lại thắc mắc rằng cuộc gặp có mục đích gì. Hai cựu tổng thống Mỹ Barack Obama và Donald Trump từng gặp ông Tập nhiều lần, nhưng dường như các cuộc họp không mang lại nhiều kết quả", ông phân tích.

Cựu tổng thống Trump từng có chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc hồi tháng 11/2017. Vợ chồng Trump đã được ông Tập và phu nhân đón tiếp, tổ chức tiệc trà và xem kinh kịch ở Tử Cấm Thành. Thế nhưng, quan hệ Mỹ - Trung sau chuyến thăm không tiến triển, mà ngày càng xấu đi. Ông Trump thậm chí áp thuế với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, dẫn đến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

"Hiệu quả của một cuộc gặp trực tiếp thực sự phụ thuộc vào mức độ tin tưởng và sẵn sàng giải quyết quan ngại của hai lãnh đạo. Tổng thống Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin gặp nhau hồi tháng 6, nhưng quan hệ Nga - Mỹ không có cải thiện đáng kể nào", Wu Xinbo, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Phục Đán, nhận định.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki hôm 12/11 cho biết trong cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến, hai lãnh đạo sẽ "thảo luận về những biện pháp giải quyết sự cạnh tranh giữa hai nước một cách trách nhiệm, cũng như biện pháp hợp tác vì lợi ích chung".

Tuy nhiên, giáo sư David Lampton, giám đốc nghiên cứu Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp thuộc Đại học Johns Hopkins của Mỹ, cho rằng trong bối cảnh hiện nay, lãnh đạo Mỹ - Trung đều không sẵn sàng thực hiện những thay đổi cơ bản trong quan hệ song phương, khi cuộc cạnh tranh siêu cường giữa hai bên ngày càng gay gắt trong nhiều lĩnh vực.

"Ông Tập cần thể hiện sự cứng rắn trước thềm đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc năm sau, trong khi ông Biden cũng cần lá phiếu của những cử tri muốn cứng rắn với Trung Quốc trong cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ 2022 và bầu cử tổng thống 2024", ông nói.

Do đó, Lampton nhận định cuộc họp thượng đỉnh sắp tới đóng vai trò là kênh liên lạc để hai lãnh đạo có thể kiềm chế khủng hoảng nếu cấp dưới đi quá xa, hoặc phòng trường hợp một cuộc khủng hoảng thực sự xuất hiện. "Mất kiểm soát ở eo biển Đài Loan là một ví dụ về tình huống rủi ro lớn, đòi hỏi liên lạc ở cấp cao nhất", giáo sư lập luận.

Nhà phân tích Neil Thomas thuộc nhóm tư vấn Eurasia Group của Mỹ đánh giá duy trì đối thoại cấp cao cũng rất quan trọng trong quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh. "Điều này giúp hai bên hiểu rõ hơn về những khả năng hợp tác song phương và lập trường của đối phương trong các vấn đề mấu chốt, từ đó giảm khả năng tính toán sai lầm, có thể làm khủng hoảng leo thang hoặc thậm chí nổ ra xung đột", ông cho hay.

"Cuộc họp trực tuyến này có thể giúp ổn định quan hệ song phương, nhưng không xóa bỏ được cạnh tranh chiến lược, bởi hai bên có những bất đồng khó giải quyết trong các vấn đề quan trọng như nhân quyền, thương mại và đảo Đài Loan", Thomas nói thêm.

Nhà Trắng bày tỏ mong muốn hội nghị thượng đỉnh trực tuyến sẽ thiết lập được "những ranh giới" để ngăn cuộc cạnh tranh với Trung Quốc biến thành xung đột, trong khi Bắc Kinh cho biết họ muốn đưa quan hệ song phương trở lại đúng hướng.

"Bảo vệ những lợi ích và giá trị của Mỹ cùng đồng minh, đồng thời kiềm chế để căng thẳng âm ỉ không bùng phát, sẽ là nhiệm vụ của ông Biden khi hội đàm với ông Tập", Jacob Stokes, chuyên gia về quan hệ Mỹ - Trung tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới, đánh giá.

Ông Biden đã hai lần điện đàm với ông Tập kể từ khi nhậm chức tổng thống. Hai lãnh đạo từng gặp nhau ở Bắc Kinh hồi năm 2013, khi ông Tập vừa đảm nhiệm vị trí chủ tịch Trung Quốc và ông Biden giữ chức phó tổng thống Mỹ. Trước đó vào năm 2012, khi ông Tập là phó chủ tịch Trung Quốc, hai người cũng gặp nhau ở Mỹ.

Tại thời điểm đó, ông Biden cho biết đã dành hơn 20 giờ để trao đổi riêng với ông Tập, nói thêm rằng ông Tập "vô cùng thẳng thắn về tình thế tiến thoái lưỡng nan cả về kinh tế và chính trị mà ông phải đối mặt ở Trung Quốc. "Ông ấy rất sẵn lòng phản hồi. Khi chúng tôi bất đồng, thái độ cũng rất rõ ràng", ông Biden cho hay.

Pang Zhongying, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Đại dương Trung Quốc, chỉ ra rằng những cuộc gặp không chính thức và riêng tư sẽ không thể diễn ra khi hai lãnh đạo họp trực tuyến. "Bạn có lẽ không thể nhìn thấy ngôn ngữ cơ thể của đối phương, nhưng tôi nghĩ điều đó sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến kết quả", ông kết luận.

Ánh Ngọc (Theo SCMP, Straits Times)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét