Thứ Tư, 24 tháng 11, 2021

Tiêm chủng cho trẻ em có thể ngăn biến chủng nCoV trỗi dậy

Cadell Walker, bang Kentucky, hối hả đưa con đi tiêm vaccine, không chỉ để bảo vệ bé mà còn ngăn nguy cơ xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm hơn.

"Chúng tôi thực sự tin rằng cần quan tâm đến mọi người xung quanh. Chúng tôi muốn có trách nhiệm với cộng đồng và làm gương cho con gái mình", Walker, bà mẹ 40 tuổi tại thành phố Louisville, bang Kentucky, Mỹ, cho biết khi đưa con gái Solome 9 tuổi đi tiêm vaccine ở trường.

"Cách duy nhất để thực sự đánh bại Covid-19 là tất cả chúng ta cùng nhau hợp sức vì lợi ích cộng đồng", Walker nói.

Giới khoa học đồng ý với quan điểm của cô. David O'Connor, chuyên gia virus học tại Đại học Wisconsin-Madison, ví mỗi ca nhiễm nCoV mới như "một tấm vé xổ số chúng ta trao cho virus" để đột biến, mà giải độc đắc là một biến chủng thậm chí nguy hiểm hơn chủng Delta đang càn quét khắp nơi.

"Càng ít người nhiễm thì lượng vé số càng thấp, chúng ta càng có lợi", O'Connor nhận định, nói thêm rằng các biến chủng mới có nguy cơ trỗi dậy cao hơn ở những người bị suy giảm hệ miễn dịch và ủ virus trong cơ thể trong thời gian dài.

Mức độ ảnh hưởng của trẻ em với Covid-19 là chủ đề gây tranh cãi trong giới khoa học. Nghiên cứu ban đầu cho thấy trẻ em không tác động nhiều đến sự lây lan của virus. Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng nhóm tuổi này đóng vai trò đáng kể đối với tình trạng lây nhiễm các biến chủng gây lo ngại như Delta và Alpha trong năm nay.

Solome, con gái 9 tuổi của Cadell Walker, sau khi tiêm mũi vaccine Covid-19 đầu tiên tại thành phố Louisville, bang Kentucky, Mỹ, hôm 13/11. Ảnh: AP.

Solome, con gái 9 tuổi của Cadell Walker, sau khi tiêm mũi vaccine Covid-19 đầu tiên tại thành phố Louisville, bang Kentucky, Mỹ, hôm 13/11. Ảnh: AP.

Theo tính toán của Trung tâm Mô hình hóa Kịch bản Covid-19 tại Mỹ, dự án tập hợp các trường đại học và tổ chức nghiên cứu y tế nhằm thống nhất những mô hình đại dịch có khả năng xuất hiện, tiêm chủng cho trẻ em có thể tạo ra khác biệt thực sự trong tương lai.

Các ước tính mới nhất của trung tâm cho thấy từ tháng 11 đến ngày 12/3/2022, chương trình tiêm chủng cho trẻ em 5-11 tuổi tại Mỹ sẽ ngăn chặn được khoảng 430.000 ca nhiễm nCoV, nếu không có biến chủng mới nào xuất hiện.

Trong tình huống xuất hiện biến chủng có khả năng lây nhiễm cao hơn 50% so với Delta vào cuối mùa thu, 860.000 ca nhiễm sẽ được ngăn chặn. Chuyên gia Katriona Shea tại Đại học Bang Pennsylvania, đồng trưởng dự án mô hình hóa kịch bản Covid-19, đánh giá đây là "tác động lớn".

Tiêm chủng cho trẻ em giúp giảm thiểu tình trạng lây lan virus thầm lặng, bởi hầu hết ca nhiễm trên trẻ em hiện nay không có hoặc chỉ xuất hiện triệu chứng nhẹ. Trong khi đó, lây lan thầm lặng không đồng nghĩa với virus suy yếu. Ngày càng nhiều người nhiễm thì tỷ lệ xuất hiện biến chủng mới càng tăng.

Do mỗi ca nhiễm dù ở bất cứ quốc gia hay độ tuổi nào cũng đều trao cơ hội đột biến cho virus, nỗ lực tiêm chủng để bảo vệ trẻ em, nhóm tuổi chiếm một bộ phận đông đảo trong dân số thế giới, được cho là sẽ giúp hạn chế khả năng đó. Mỹ hôm 29/10 cấp phép tiêm vaccine Pfizer cho nhóm tuổi 5-11, giúp 28 triệu trẻ em có đủ điều kiện tiêm chủng.

Delta hiện vẫn là biến chủng trội tại Mỹ, chiếm hơn 99% số mẫu được phân tích. Tiến sĩ Stuart Campbell Ray, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Johns Hopkins, cho rằng tính chất dễ lây lan hơn của Delta có thể là lý do, hoặc bởi biến chủng này dường như tránh được phần nào lớp bảo vệ từ vaccine và kháng thể sinh ra sau khi nhiễm virus.

"Có thể nguyên nhân xuất phát từ cả hai yếu tố đó", Ray nhận định, đồng thời nói thêm rằng dựa vào các đặc điểm di truyền, khó có thể biết được liệu có biến chủng nào lấn át cả Delta hay không.

Một vấn đề gây lo ngại khác là khả năng các biến chủng nguy hiểm trỗi dậy ở những nước chưa có điều kiện tiêm chủng rộng rãi cho người dân, sau đó xâm nhập vào Mỹ ngay cả khi công tác tiêm chủng cho trẻ em đang được triển khai.

Walker cho biết cô và chồng không thể làm gì trước những mối đe dọa từ ngoài biên giới, nhưng ít nhất có thể đưa con mình đi tiêm chủng Covid-19. Solome được nhận nuôi từ Ethiopia và từng gặp các vấn đề về hô hấp, do bị bệnh lao khi còn là trẻ sơ sinh.

Walker nắm lấy tay con gái mình trong lúc một y tá nghiêng người để tiêm cho Solome. Sau khi hoàn thành, Solome lấy một tấm nhãn dán mang thông điệp khen ngợi những đứa trẻ dũng cảm vừa góp phần kiềm chế đại dịch.

"Wonder Woman", Walker đề cập đến tên nhân vật nữ siêu anh hùng để khen ngợi con.

Ánh Ngọc (Theo AP)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét