Thứ Bảy, 13 tháng 11, 2021

'Tiêm kích ma' từng khiến phương Tây hốt hoảng

Mỹ và đồng minh trải qua những giây phút thấp thỏm khi một tiêm kích MiG-23 Liên Xô tiến vào không phận Tây Âu năm 1989 mà không có phi công.

Sáng 4/7/1989, còi báo động vang lên tại căn cứ không quân Soesterberg ở Hà Lan, nơi đóng quân của Phi đoàn Tiêm kích Chiến thuật số 32 thuộc không quân Mỹ. Vài phút sau, hai tiêm kích F-15 do đại úy J.D. Martin và Bill Murphy điều khiển được lệnh xuất kích với nhiệm vụ ngăn chặn thứ dường như là một chiến đấu cơ đơn độc đang từ không phận Liên Xô tiến vào Tây Âu.

Chiến tranh Lạnh khi đó sắp kết thúc, nhưng căng thẳng giữa Liên Xô và phương Tây vẫn ở mức cao, buộc lực lượng hai bên phản ứng nhanh chóng với mọi cuộc xâm nhập của máy bay không xác định danh tính.

Tiêm kích MiG-23 trong biên chế không quân Liên Xô. Ảnh: Wikipedia.

Tiêm kích MiG-23 trong biên chế không quân Liên Xô. Ảnh: Wikipedia.

Khi áp sát phi cơ lạ, hai phi công Mỹ xác định đó là tiêm kích siêu thanh MiG-2 của Liên Xô. Nhân viên kiểm soát mặt đất thông báo mọi nỗ lực liên lạc với phi cơ đều thất bại và không rõ ý định của phi công, cho rằng đây có thể là hành động thù địch.

Hai tiêm kích Mỹ sẵn sàng bắn hạ chiếc MiG-23 nếu nó tiếp tục duy trì hướng bay tới Tây Âu và không phản hồi liên lạc. Tuy nhiên, khi đến gần hơn, họ nhận thấy tiêm kích Liên Xô không mang vũ khí ở giá treo dưới cánh và đánh giá đây không phải là mối đe dọa cận kề.

Lúc này, chiếc tiêm kích MiG-23 đã vào không phận Hà Lan, giữ nguyên hướng bay với tốc độ khoảng 643 km/h và độ cao gần 12 km.

Quan sát kỹ hơn chiếc MiG-23, hai phi công Mỹ đã bị sốc. Nắp buồng lái đã biến mất và không có phi công điều khiển bên trong. Về cơ bản, máy bay Liên Xô đang tự bay mà không có người vận hành, giống như một "tiêm kích ma".

Sau khi thông báo tình hình cho chỉ huy mặt đất, biên đội F-15 được phép bắn hạ chiếc MiG-23 trên Biển Bắc để ngăn nó lao xuống khu vực đông dân cư. Tuy nhiên, hai phi công Mỹ không khai hỏa do chưa rõ tiêm kích Liên Xô đã bay được bao lâu và lo ngại mảnh vỡ có thể rơi xuống các thị trấn gần đó. Họ quyết định để nó bay đến khi cạn dầu và tự rơi xuống eo biển Manche.

Biên đội F-15 bay hộ tống chiếc MiG-23 về phía đông nam, băng qua không phận Hà Lan rồi tiến vào vùng trời Bỉ, nơi tiêm kích Liên Xô bắt đầu giảm độ cao. Giới chức Bỉ yêu cầu phi công Mỹ bắn hạ chiếc MiG-23 ngay khi nó tiến ra biển. Cảnh sát và các đội cứu hộ trên đường bay của tiêm kích Liên Xô đều được đặt trong trạng thái sẵn sàng triển khai.

Gần đến biên giới giữa Bỉ và Pháp, chiếc MiG-23 đột ngột kéo lên độ cao 12 km đến khi hết dầu và bắt đầu lao xuống. Các chuyên gia mặt đất dự đoán máy bay sẽ rơi gần thị trấn biên giới Lille. Tuy nhiên, họ không ngờ rằng máy bay lại đâm xuống một trang trại ở Wevelgem, cách thủ đô Brussels của Bỉ khoảng 80 km, rồi bốc cháy trong hơn một giờ, khiến một thanh niên 18 tuổi thiệt mạng.

Giới chức Bỉ nhanh chóng có mặt ở hiện trường để điều tra, trong khi hai tiêm kích F-15 trở về căn cứ.

Phần đuôi chiếc MiG-23 sau khi lao xuống ngôi nhà ở Bỉ sáng 4/7/1989. Ảnh: AP.

Phần đuôi chiếc MiG-23 sau khi lao xuống ngôi nhà ở Bỉ sáng 4/7/1989. Ảnh: AP.

Thông tin chi tiết về sự cố sau đó được làm sáng tỏ. Chiếc MiG-23 cất cánh từ căn cứ không quân Bagicz, gần thành phố Kolobrzeg của Ba Lan, trong một buổi huấn luyện thường lệ sáng 4/7.

Tuy nhiên, ngay sau đó, đại tá Nikolai Skuridin, phi công điều khiển chiếc MiG-23, phóng ghế thoát hiểm vì cảnh báo động cơ ngừng hoạt động, khi máy bay mới đạt độ cao khoảng 150 m. Đây là quyết định hợp lý nhất vào thời điểm đó, bởi phi công Liên Xô nhiều khả năng sẽ thiệt mạng nếu cố gắng cứu phi cơ khi động cơ ngừng hoạt động ở tốc độ và độ cao quá nhỏ.

Tuy nhiên, sau khi phóng dù, Skurigin nhận thấy chiếc MiG-23 không lao xuống đất, mà lại tăng độ cao và bay về không phận của NATO như có người điều khiển. Động cơ máy bay đã tự khởi động lại sau khi phi công phóng ghế thoát hiểm.

NATO và Liên Xô đều nhanh chóng xác định đây là vụ tai nạn ngoài ý muốn, cả hai bên đều bày tỏ lấy làm tiếc về sự cố. Đại tá Skurigin cũng tỏ ra hối hận về quyết định phóng ghế thoát hiểm, tạo ra "tiêm kích ma" và khiến thanh niên người Bỉ thiệt mạng.

Duy Sơn (Theo WATM)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét