Thứ Hai, 15 tháng 11, 2021

Trận chiến cuối cùng của kỵ binh Mỹ

PhilippinesTrung đoàn kỵ binh số 26 Mỹ phi nước đại vào đội hình, đẩy lùi cuộc tấn công của bộ binh, xe tăng Nhật ở làng Morong năm 1942.

Ngày 8/12/1941, Nhật Bản bắt đầu tấn công Philippines. Hai ngày sau, quân Nhật bắt đầu đổ bộ khi lực lượng Mỹ ở Philippines chưa sẵn sàng chiến đấu.

Tướng Douglas MacArthur phải dựa vào lực lượng tinh nhuệ để bọc hậu khi quân Mỹ liên tục rút lui về các phòng tuyến phía sau. Kỵ binh là lực lượng phù hợp cho nhiệm vụ này, vì họ có thể xông lên công kích đối phương rồi nhanh chóng trở lại tuyến phòng ngự kiên cố của đồng đội.

Một đơn vị thuộc Trung đoàn số 26 tuần tra tại Philippines. Ảnh: US Army.

Một đơn vị thuộc Trung đoàn kỵ binh số 26 tuần tra tại Philippines. Ảnh: US Army.

MacArthur đã triển khai Trung đoàn kỵ binh số 26, với thành phần gồm sĩ quan Mỹ và binh lính Philippines chuyên tác chiến trên ngựa, được trang bị đầy đủ và giỏi về chuyên môn, làm nhiệm vụ bọc hậu cho đội hình rút quân.

Họ phải đối mặt với một kẻ thù đáng sợ. Lực lượng Nhật Bản phần lớn là những cựu binh dày dạn kinh nghiệm từng tham chiến ở Triều Tiên hoặc Mãn Châu, trong khi nhiều lính Mỹ chưa trải qua chiến trận. Quân Nhật cũng được trang bị tốt hơn Mỹ.

Dù kiệt sức sau thời gian dài thực hiện nhiệm vụ trinh sát, trung đoàn kỵ binh Mỹ vẫn phải tham chiến sau khi Nhật Bản mở chiến dịch đổ bộ mới ngày 22/12/1941 hướng đến thủ đô Manila của Philippines.

Các lực lượng phòng thủ Mỹ liên tiếp thất thủ và hoàn toàn sụp đổ vào ngày 16/1/1942, khiến Manila đối mặt nguy cơ thất thủ chỉ trong vài giờ nếu Trung đoàn số 26 không thể chặn đà tiến công của địch.

Lính Mỹ và Philippines tìm cách đến làng Morong, bên bờ sông Batalan gần Manila, trước lực lượng Nhật Bản, với hy vọng câu kéo thêm thời gian quý giá cho đồng đội rút quân.

Quân tiên phong của Nhật bất ngờ xuất hiện trên các cây cầu khi trinh sát Mỹ vẫn đang kiểm tra quanh làng Morong. Chỉ huy trung đoàn kỵ binh 26 không có thời gian để triển khai phương án phòng thủ hiệu quả. Trong tình huống cần phải hành động ngay lập tức, đại tá Clint Pierce, trung đoàn trưởng, phát lệnh tấn công.

Các kỵ binh cưỡi ngựa và nổ súng lao về phía đội hình bộ binh được xe tăng yểm trợ của Nhật. Nhờ tốc độ của chiến mã, lính Mỹ áp sát một cách nhanh chóng khiến quân Nhật hoảng loạn, phải từ bỏ ý định vượt sông và lùi về sau. Tình hình hỗn loạn đến mức các xe tăng Nhật Bản cũng phải dừng lại.

Trung đoàn số 26 hành quân ở bán đảo Bataan của Philippines. Ảnh: US Army.

Trung đoàn số 26 hành quân ở bán đảo Bataan của Philippines. Ảnh: US Army.

"Chúng tôi cúi gập người sát cổ ngựa, lao vào đội hình tiên phong của địch và dùng súng ngắn bắn vào những binh lính đang ngỡ ngàng. Một số ít bắn trả, nhưng hầu hết bỏ chạy trong bối rối. Đối với họ, chúng tôi như đến từ một thế giới khác", trung úy Edwin Ramsey, trung đội trưởng thuộc Trung đoàn số 26, nhớ lại.

Đơn vị kỵ binh Mỹ giữ được phòng tuyến. Họ xuống ngựa sau đợt công kích đầu tiên và ngăn quân Nhật vượt sông. Tuy nhiên, khi đối phương điều quân tiếp viện, họ hứng chịu tổn thất nặng nề và phải rút về tuyến sau.

Trung đoàn bị bao vây ở bán đảo Bataan và phải mổ ngựa để ăn thịt khi cạn kiệt lương thực, nhưng vẫn không cầm cự được lâu.

Ngày 9/4/1942, quân Mỹ ở bán đảo Bataan đầu hàng. Ít nhất 600 lính Mỹ và 5.000 binh sĩ Philippines thiệt mạng trên chặng đường bị đưa về trại tù binh.

Cùng tháng đó, đơn vị kỵ binh cuối cùng của lục quân Mỹ loại biên toàn bộ ngựa. Trận đánh của Trung đoàn số 26 ở làng Morong trở thành trận đánh trên lưng ngựa cuối cùng của kỵ binh Mỹ trong lịch sử. Đơn vị này cũng bị giải thể vào năm 1951.

Duy Sơn (Theo WATM)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét