Thứ Sáu, 5 tháng 11, 2021

WHO: Covid-19 châu Âu là phát súng cảnh báo thế giới

WHO cảnh báo số ca Covi-19 ở châu Âu tăng mạnh trong 4 tuần qua dù nguồn cung vaccine dồi dào chính là "phát súng cảnh báo thế giới".

Châu Âu và Trung Á tuần trước báo cáo gần 1,8 triệu ca nhiễm mới, chiếm 59% ca toàn cầu. Số ca tử vong trong khu vực tuần trước là 24.000, chiếm 48% ca tử vong toàn cầu. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm nay cảnh báo tới tháng 2/2022, châu Âu có thể ghi nhận thêm 500.000 ca tử vong vì Covid-19.

Mike Ryan, giám đốc phụ trách các tình huống khẩn cấp của WHO, cho rằng những châu lục khác cần nhìn vào những gì đang xảy ra ở châu Âu để đề phòng. "Tôi cho rằng đó là phát súng cảnh báo với thế giới, ngay cả khi vaccine dồi dào", Ryan nói trong cuộc họp báo ở trụ sở WHO ngày 4/11.

"Châu Âu một lần nữa trèo lên ngọn núi đó, điều sẽ khiến mọi người trên khắp thế giới tự hỏi 'Chúng ta phải làm gì'", ông nói thêm. "Châu Âu có vaccine, có năng lực y tế, có tiền, có hệ thống ứng phó sẵn sàng, trong khi nhiều nơi khác không có được những thứ như thế".

Ryan cho rằng số ca nhiễm ở châu Âu gia tăng là do những cuộc tụ tập, đi lại và nới lỏng hạn chế hồi mùa hè. Trong khi đó, Hans Kluge, giám đốc WHO khu vực châu Âu, cho rằng ngoài nới lỏng hạn chế, một nguyên nhân nữa khiến số ca Covid-19 ở châu lục này tăng vọt vì nhiều người từ chối tiêm vaccine.

Đức ghi nhận gần 34.000 ca Covid-19 trong 24 giờ qua, con số cao nhất từ khi dịch bùng phát, khiến Bộ trưởng Y tế Đức gọi đây là "đại dịch của những người chưa tiêm chủng".

Nhân viên y tế Ukraine hỗ trợ một bệnh nhân Covid-19 trong phòng chăm sóc đặc biệt ở Kiev ngày 1/11. Ảnh: AFP.

Nhân viên y tế Ukraine hỗ trợ một bệnh nhân Covid-19 trong phòng chăm sóc đặc biệt ở Kiev ngày 1/11. Ảnh: AFP.

Dù Đức ghi nhận số ca nhiễm mới thấp hơn Anh, quốc gia báo cáo hơn 37.000 ca nhiễm mới trong một ngày, giới chức nước này vẫn lo ngại làn sóng Covid-19 thứ tư có thể dẫn tới lượng lớn ca tử vong và gây áp lực lên hệ thống y tế.

"Nếu chúng ta không thực thi các biện pháp đối phó ngay từ bây giờ, làn sóng thứ tư này sẽ dẫn tới nhiều mất mát hơn nữa", Lothar Wieler, chuyên gia Viện Robert Koch (RKI) của Đức, nói.

Trong số 16 triệu người Đức chưa tiêm vaccine có hơn ba triệu người trên 60 tuổi, nhóm có nguy cơ cao. Nhà hàng và quán cà phê ở Đức yêu cầu người dân trình thẻ xanh vaccine khi vào quán, nhưng không phải nơi nào cũng thực thi nghiêm túc.

Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho hay số lần bị hỏi về thẻ tiêm chủng trong một ngày ở Rome cuối tuần qua còn nhiều hơn so với 4 tuần ở Đức.

Nhưng Kluge cảnh báo rằng số ca Covid-19 không chỉ gia tăng ở Đức. Số ca tử vong tăng mạnh nhất trong tuần qua ở Nga, nơi ghi nhận hơn 81.000 người chết và Ukraine, với 38.000 ca. Cả hai nước đều có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Ukraine ghi nhận hơn 27.000 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, con số kỷ lục từ khi dịch bùng phát.

Khi ca nhiễm gia tăng trở lại, nhiều nước châu Âu đang xem xét tái áp đặt các biện pháp hạn chế, như bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng hay siết chặt quy định thẻ xanh vaccine để vào nhà hàng và các địa điểm trong nhà.

Hồng Hạnh (Theo RNZ)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét