Giới lãnh đạo EU cảnh báo Nga sẽ trả giá đắt nếu tấn công Ukraine, nhưng chính châu Âu cũng có thể hứng hậu quả nếu áp lệnh trừng phạt.
Căng thẳng giữa phương Tây và Moskva gần đây leo thang, sau khi tình báo Mỹ cho rằng Nga đang triển khai khoảng 100.000 binh sĩ gần biên giới Ukraine với kế hoạch "tiến đánh" nước này, cáo buộc mà Nga mô tả là "cuồng loạn".
Moskva khẳng định họ không có kế hoạch đưa quân qua biên giới Ukraine. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin kịch liệt phản đối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Ukraine với phương Tây, đồng thời cảnh báo NATO sẽ vượt "lằn ranh đỏ" nếu kết nạp Ukraine làm thành viên.
Sau những cáo buộc của Mỹ, các lãnh đạo châu Âu cũng bắt đầu gia tăng sức ép với Nga. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 16/12 bác đề nghị của Nga về loại bỏ khả năng kết nạp Ukraine vào khối. Cùng ngày, lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ra tuyên bố chung cảnh báo "mọi hành động gây hấn quân sự chống lại Ukraine sẽ chuốc lấy hậu quả nghiêm trọng và trả giá nặng nề".
"Chúng tôi tin rằng Nga thực sự đang chuẩn bị cho cuộc chiến toàn diện chống lại Ukraine", Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis cho biết, nói thêm rằng một cuộc tấn công như vậy sẽ dẫn đến những lệnh trừng phạt "chưa từng có" nhằm vào Moskva.
Tuy nhiên, theo bình luận viên Perry Stein và Quentin Aries của Washington Post, những cảnh báo mạnh mẽ của EU với Nga "nói dễ hơn làm". "27 quốc gia thành viên EU sẽ gặp thách thức lớn hơn nhiều để đạt được đồng thuận về những đòn trừng phạt kinh tế và ngoại giao tiềm năng chống lại Nga", hai bình luận viên đánh giá.
Bất kỳ biện pháp trừng phạt nào của EU đều cần được tất cả thành viên nhất trí, nhưng liên minh này lâu nay vốn đã chia rẽ về cách xử lý quan hệ với Nga. Một số quốc gia như Ba Lan và Thụy Điển chỉ trích các động thái ngoại giao với Putin, trong khi lãnh đạo Pháp và Đức từng tổ chức những cuộc hội đàm trực tiếp với Tổng thống Nga. Tổng thống Hungary Viktor Orban thường được coi là người có xu hướng ủng hộ Putin.
Sự chia rẽ được cho là thể hiện rõ ràng qua bất đồng của EU về dự án Nord Stream 2 (Dòng chảy Phương Bắc 2), đường ống dẫn khí đốt được xây dựng nhằm tăng gấp đôi lượng khí tự nhiên từ Nga đi qua vùng biển quốc tế tại Biển Baltic để tới Đức, thay vì qua lãnh thổ Ukraine và một số quốc gia Đông Âu như các tuyến đường ống trước đây.
Một số lãnh đạo EU cho rằng áp lệnh trừng phạt Nga trong khi vẫn xây dựng các thỏa thuận thương mại với nước này là hành động mâu thuẫn. Thủ tướng Latvia Krisjanis Karins hôm 16/12 cũng đề xuất chặn dự án Nord Stream 2 để gây áp lực với Nga. Tuy nhiên, Đức, một trong những thành viên có tiếng nói nhất EU, được cho là muốn duy trì đường ống này.
Khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014, EU phản ứng bằng các lệnh trừng phạt chủ yếu nhằm ngăn 44 doanh nghiệp và tổ chức cùng gần 200 người vay tiền từ các ngân hàng châu Âu. Những người này cũng không được phép nhập cảnh vào EU. Sau khi động thái này bị chỉ trích là quá "nhẹ tay", EU đã tăng mức độ nghiêm khắc của các lệnh trừng phạt và vẫn áp dụng đến nay.
Do EU là đối tác thương mại quan trọng của Nga, các biện pháp trừng phạt của khối có khả năng gây hậu quả nặng nề với Nga hơn so với lệnh cấm vận của Mỹ. Hồi năm 2015, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính các lệnh trừng phạt từ phương Tây khiến GDP của Nga giảm hơn 1%, đồng thời làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này. Các lệnh trừng phạt còn được đưa ra vào thời điểm giá dầu giảm, giáng đòn mạnh mẽ vào nền kinh tế Nga.
Tuy nhiên, quan hệ kinh tế gần gũi giữa EU và Nga đồng nghĩa với các lệnh trừng phạt có thể ảnh hưởng đến chính châu Âu. Edward Hunter Christie, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Các vấn đề Quốc tế Phần Lan, chỉ ra rằng những lệnh trừng phạt của châu Âu năm 2014 hầu như không đả động gì tới lĩnh vực năng lượng của Nga, ngành mà các nước EU vốn bị phụ thuộc.
"Các lệnh trừng phạt hiện nay của EU đủ mạnh mẽ để gây chú ý, nhưng không đủ quyết liệt để tạo cảm giác họ đang nỗ lực dồn ép đối thủ. Đó là chủ ý của họ", Christie, nhà kinh tế học từng làm việc cho NATO hồi năm 2014, nhận xét.
Francesco Giumelli, phó giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Groningen của Hà Lan, cho rằng EU lần này sẽ phải nghĩ đến các kiểu trừng phạt khác nhau. Khi bị trừng phạt và không thể tiếp cận các ngân hàng Âu, Mỹ, nhiều người Nga đã quay sang Trung Quốc. Ông còn lưu ý rằng chỉ trừng phạt kinh tế khó đủ sức răn đe.
Bất chấp những thách thức, nhiều nhà phân tích và giới ngoại giao cho rằng bối cảnh hiện nay có thể khiến EU hành động cứng rắn hơn với Nga so với năm 2014. Trong 7 năm qua, Ukraine ngày càng xích lại gần phương Tây, tạo ra sự đồng thuận mạnh mẽ hơn trong EU rằng Kiev "cần được bảo vệ".
Gwendolyn Sasse, chuyên gia cấp cao về Đông Âu tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nhận định căng thẳng với Nga lần này là cơ hội để EU chứng minh sức mạnh giữa khủng hoảng của họ.
"Điều quan trọng là liệu EU có khả năng hành động, cũng như thể hiện được chính sách đối ngoại mạnh mẽ và gắn kết khi có chuyện xảy ra hay không", Sasse cho hay.
Trong cuộc họp ngày 17/12, các thành viên EU nhất trí kéo dài lệnh trừng phạt kinh tế với Nga thêm 6 tháng, nhưng chưa có bất cứ biện pháp trừng phạt mới nào được đưa ra.
Phản ứng trước thông tin này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định Nga sẽ "ăn miếng trả miếng". "Chúng tôi không đưa ra lệnh trừng phạt và chúng tôi cũng không phải bên nêu lên vấn đề này", Peskov nói. "Chúng tôi có nhiều công cụ để đáp trả".
Phát ngôn viên Điện Kremlin nhấn mạnh Nga coi các lệnh trừng phạt do châu Âu đơn phương áp đặt là vi phạm luật pháp quốc tế. "Điều cốt yếu là những lệnh trừng phạt đó không giúp họ đạt được mục đích gì", ông nói. "Nga đã thích ứng một cách hoàn hảo với điều kiện kinh tế hiện nay học cách thu lợi ích từ nó".
Ánh Ngọc (Theo Washington Post)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét