Chủ Nhật, 19 tháng 12, 2021

Giáo phái siêu bạo lực thành mafia toàn cầu

Những lúc ngồi một mình, tiến sĩ John Stone lại hồi tưởng. Không phải máu hay tiếng súng ám ảnh ông mà là những lời van xin tha mạng.

"Rất đau đớn", ông vừa nói vừa lắc đầu, rùng mình. "Gia đình những người chết, họ sẽ nguyền rủa bạn. Lời nguyền sẽ giáng xuống cuộc sống của bạn".

Tiến sĩ Stone dạy khoa học chính trị tại Đại học Benin, phía nam Nigeria. Nhưng suốt hàng thập kỷ, ông từng là thành viên cấp cao của Black Axe (Rìu Đen), một băng đảng mafia Nigeria liên quan đến nhiều tội ác như buôn người, lừa đảo qua mạng và giết người.

Tại Nigeria, Rìu Đen được coi là một "giáo phái" vì thực hành những nghi lễ bí mật và chiêu mộ những thành viên cực kỳ trung thành. Họ cũng nổi tiếng về hành vi bạo lực cực đoan. Hình ảnh những người đối địch với Rìu Đen bị sát hại, hành quyết, tra tấn thường xuyên xuất hiện trên mạng xã hội Nigeria.

Một thành viên Black Axe từng trả lời phỏng vấn BBC ở Lagos. Ảnh: BBC.

Một thành viên Rìu Đen từng trả lời phỏng vấn BBC ở Lagos. Ảnh: BBC.

Tiến sĩ Stone thừa nhận ông từng có những hành động tàn bạo trong thời gian làm "Người rìu", cách mà Rìu Đen gọi các thành viên của mình. Ở thành phố Benin, Stone được biết đến như một "đồ tể".

Nỗi kinh hoàng của những năm tháng này khiến Stone mang một vết sẹo tâm lý. Hiện tại, Stone rất hối hận về quá khứ của mình và thường xuyên lên tiếng chỉ trích băng đảng mà ông từng phục vụ. Ông là một trong số hàng chục cựu thành viên Rìu Đen đã quyết định phá bỏ lời thề giữ im lặng và tiết lộ bí mật của nhóm với BBC.

Trong hai năm, BBC khu vực châu Phi đã điều tra Rìu Đen, xây dựng được một mạng lưới nguồn tin và phát hiện ra hàng nghìn tài liệu bí mật rò rỉ từ liên lạc riêng của băng đảng này.

Các tài liệu cho thấy trong thập kỷ qua, Rìu Đen đã trở thành một trong những nhóm tội phạm có tổ chức nguy hiểm và hoạt động sâu rộng nhất thế giới. Nhóm đã vươn chân rết đến châu Phi, châu Âu, châu Á và cả Bắc Mỹ.

BBC bắt đầu mở cuộc điều tra từ một lời đe dọa qua thư gửi đến một phóng viên của họ vào năm 2018. Bức thư được một người đi xe máy ném vào ôtô của nhà báo này.

Nhiều tuần trước đó, phóng viên trên đã tìm hiểu về hoạt động buôn bán thuốc phiện bất hợp pháp ở Nigeria và gặp một số thành viên Rìu Đen. Tiếp theo, lá thư thứ hai được gửi đến nhà riêng của anh.

Từ đó, BBC bắt đầu tìm hiểu về Rìu Đen, nhằm xác định mạng lưới tội phạm này quyền lực đến mức nào và ai đứng sau nó.

Cuộc điều tra đưa BBC đến một người đàn ông tuyên bố anh ta đã hack hàng chục nghìn tài liệu bí mật của Rìu Đen, chứa thông tin liên lạc riêng tư của hàng trăm người bị nghi là thành viên nhóm. Các tin nhắn được gửi từ năm 2009 đến năm 2019, chứa những trao đổi về âm mưu giết người và buôn lậu ma túy. Các email cũng phơi bày những mạng lưới lừa đảo qua Internet tinh vi cũng như kế hoạch mở rộng ra toàn cầu, tạo nên một bức tranh rõ nét về hoạt động tội phạm của Rìu Đen trải dài trên 4 châu lục.

Người đàn ông hack các thông tin này cho biết Rìu Đen đang muốn giết mình. Vì thế, anh ta không tiết lộ tên thật mà chỉ sử dụng mật danh là Uche Tobias.

"Chúng tao sẽ săn lùng mày", một lời đe dọa được gửi đến Tobias qua mạng. "Rìu Đen sẽ đục thủng sọ mày... Tao sẽ liếm máu mày".

BBC đã dành nhiều tháng phân tích tài liệu của Tobias, xác nhận rằng một số cá nhân và sự việc được đề cập thực sự đã xảy ra. Những "Người rìu" sử dụng các diễn đàn bí mật, trang web được bảo vệ bằng mật khẩu để chia sẻ hình ảnh về những vụ giết người mà nhóm thực hiện.

Ở Nigeria, Rìu Đen đang tranh giành quyền lực với các "giáo phái" đối thủ khác, các băng nhóm tội phạm tương tự với những cái tên như Eiye, Buccaneers, Pirates hay Maphites. Theo các tin nhắn mà BBC thu thập được, "Người rìu" đếm số đối thủ mà họ đã giết, thống kê các con số như tỷ số bóng đá ở mỗi khu vực.

Tiến sĩ John Stone, cựu thành viên Black Axe, hiện điều hành một nhóm vận động cải cánh tổ chức này. Ảnh: BBC.

Tiến sĩ John Stone, cựu thành viên Rìu Đen, hiện điều hành một nhóm vận động cải cách tổ chức này. Ảnh: BBC.

"Tỷ số hiện tại là 15-2, cuộc chiến là Benin," một bài đăng có đoạn. "Trận chiến ở Anambra, tỷ số là Aye (Người rìu) 4 và Buccaneers 2", một bài viết khác đếm số.

Nhưng lừa đảo qua mạng, không phải giết người, mới là nguồn thu chính của Rìu Đen. Các tài liệu được cung cấp cho BBC còn chứa biên lai, thông tin chuyển khoản ngân hàng và hàng nghìn email cho thấy các thành viên Rìu Đen hợp tác thực hiện các vụ lừa đảo trực tuyến khắp thế giới.

Các chiêu trò lừa đảo rất đa dạng, từ lừa tình, lừa đảo quyền thừa kế, bất động sản hay giả email doanh nghiệp. Chúng được phối hợp thực hiện chặt chẽ, đôi khi có tới hàng chục người tham gia cùng nhau trên khắp các lục địa.

Theo các email bị rò rỉ, một người đàn ông ở California từng bị Rìu Đen lừa số tiền lên đến 3 triệu USD vào năm 2010.

"Ngân hàng mà tôi gửi tiền vào không tồn tại ư???", nạn nhân tuyệt vọng email cho một trong số những kẻ lừa đảo ngay sau khi nhận ra bị mất tiền. "Có thể làm rõ hơn vấn đề được không, ngân hàng ở Thụy Sĩ dường như đang lừa đảo".

Mạng lưới lừa đảo trực tuyến của Rìu Đen có thể đã tạo ra doanh thu hàng tỷ USD cho các thành viên nhóm. Năm 2017, giới chức Canada cho biết họ đã phá một âm mưu rửa tiền liên quan đến Rìu Đen trị giá đến 5 tỷ USD. Những tài liệu rò rỉ còn cho thấy các thành viên băng đảng này liên lạc qua lại giữa Nigeria, Anh, Malaysia, các quốc gia Vùng Vịnh cùng hàng chục nước khác.

"Chúng đã lan rộng khắp thế giới", Tobias nói. "Tôi ước tính chúng có tới 30.000 thành viên".

Scott Augenbaum, một cựu đặc vụ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), cho hay trong 30 năm làm việc tại bộ phận tội phạm mạng, ông đã tiếp xúc với hàng trăm nạn nhân của Rìu Đen.

"Tôi đã chứng kiến nhiều cuộc sống bị hủy hoại, công ty bị phá sản và tiền tiết kiệm cả đời người bị lấy mất", Augenbaum nói. "Nó ảnh hưởng tới tất cả mọi người".

Rìu Đen có thể đã trở thành một đế chế tội phạm toàn cầu, nhưng cội nguồn của nó nằm ở Nigeria. Nhóm được thành lập cách đây 40 năm tại thành phố Benin, bang Edo.

Hầu hết các thành viên Rìu Đen đều đến từ khu vực này và bang Edo là bàn đạp giúp nhóm mở rộng ra quốc tế. Theo Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn, 70% người Nigeria di cư ra nước ngoài đến từ bang Edo.

Những nam thanh niên tại các trường cấp ba và đại học, tuổi từ 16 đến 23, là nguồn tân binh của Rìu Đen. Nghi lễ bí mật nhằm kết nạp thành viên của nhóm được mô tả là rất tàn bạo.

"Tôi không biết mình sẽ được kết nạp vào ngày hôm đó", một Người rìu viết, kể chi tiết trải nghiệm của mình trên một diễn đàn bí mật vào năm 2016.

Theo lời người này, anh ta bị dẫn ra khỏi khuôn viên trường, nghĩ rằng mình đang được đưa tới một bữa tiệc kín. Tuy nhiên, anh ta được đưa đến một khu rừng, nơi nhiều người đàn ông đang chờ sẵn. Họ lột quần áo và bắt anh ta nằm úp mặt xuống bùn. Sau đó, họ thay nhau dùng roi tre quất, đánh anh gần như bất tỉnh.

"Đó là ngày tôi chết", người này viết.

Nhưng những đau đớn cuối cùng cũng dừng lại. Một loạt nghi lễ được tiến hành sau đó, như chui qua háng những kẻ vừa hành hạ anh ta, trước khi cắt máu ăn thề và nhai hạt kola, một loại hạt chứa caffein có nguồn gốc từ Tây Phi. Trong tiếng vang vọng của những bài hát và thánh ca, anh ta được những kẻ vừa tra tấn mình ôm lấy và trở thành một "Người rìu".

Uche Tobias, người công bố các tài liệu mật gây chấn động về Black Axe. Ảnh: BBC.

Uche Tobias, người công bố các tài liệu mật gây chấn động về Rìu Đen. Ảnh: BBC.

Có nhiều lý do khiến người ta tham gia Rìu Đen. Một số bị ép buộc, những số khác tự nguyện. Tại Makoko, một khu ổ chuột ở Lagos, thành phố đông dân nhất Nigeria, BBC đã phỏng vấn một số Người rìu. Một số nói ban đầu bị ép gia nhập, nhưng lòng trung thành của họ sau đó trở nên rất mạnh mẽ, được củng cố bởi "sợi dây tinh thần" hình thành sau nghi lễ gia nhập.

"Bí mật, kỷ luật và tình huynh đệ", một thành viên Rìu Đen hồi tháng 4 trả lời BBC khi được hỏi về lý do gia nhập nhóm. Anh ta cũng nói rằng bản thân kiếm được nhiều tiền hơn thông qua các mạng lưới tội phạm của Rìu Đen.

"Sẽ không ai có thể chạm vào bạn nếu bạn thuộc về một giáo phái, họ sẽ bảo vệ bạn", Curtis Ogbebor, một nhà hoạt động cộng đồng ở Benin, cho biết.

Theo tiến sĩ Stone, nhiều Người rìu tham gia nhóm chỉ vì muốn kết nối, mở rộng quan hệ. Nigeria có tỷ lệ thất nghiệp cao thứ hai thế giới và trong môi trường đầy thách thức này, tham gia Rìu Đen có thể giúp họ được bảo vệ và gia tăng cơ hội kinh doanh. Stone khẳng định không phải tất cả thành viên nhóm đều là tội phạm.

"Chúng tôi có các thành viên là người trong quân đội, hải quân, không quân Nigeria. Chúng tôi cũng có những thành viên trong lĩnh vực học thuật hay kể cả linh mục, mục sư", ông nói.

Mối tương trợ này là mục đích thành lập ban đầu của Rìu Đen. Nhóm phát triển từ một nhóm huynh đệ sinh viên được gọi là Phong trào Ủng hộ Người da màu châu Phi (NBM).

Phong trào hình thành tại Đại học Benin vào những năm 1970. Biểu tượng của NBM là một chiếc rìu đen đang chặt đứt xiềng xích và những người sáng lập tuyên bố mục đích của họ là nhằm chống lại áp bức.

NBM vẫn tồn tại cho đến ngày nay và là một công ty được đăng ký hợp pháp. Họ cho biết có ba triệu thành viên trên khắp thế giới và thường xuyên hoạt động từ thiện, quyên góp cho các trại trẻ mồ côi, trường học và cảnh sát, cả ở Nigeria và nước ngoài. NBM còn tổ chức các hội nghị hàng năm rất lớn, đôi khi có cả các chính trị gia và người nổi tiếng tham gia.

Các lãnh đạo NBM khẳng định Rìu Đen là một nhóm bất hảo, ly khai. Họ khẳng định không liên quan đến Rìu Đen và phản đối mọi hành vi tội phạm.

Luật sư của NBM khẳng định bất kỳ ai là thành viên Rìu Đen có mặt trong NBM đều sẽ "bị khai trừ ngay lập tức" và họ không bao giờ khoan nhượng với tội ác.

Nhưng các cơ quan thực thi pháp luật quốc tế lại có cái nhìn khác. Bộ Tư pháp Mỹ, trong quá trình truy tố các thành viên Rìu Đen vào năm 2018, cho rằng NBM là "tổ chức tội phạm" và "một phần của Rìu Đen". Giới chức Canada cũng có nhận định tương tự, coi NBM và Rìu Đen "giống nhau".

Tiến sĩ Stone cũng khẳng định Rìu Đen và NBM là cùng một tổ chức. Ông không chỉ là thành viên Rìu Đen mà còn từng giữ chức chủ tịch chi nhánh NBM ở Benin.

"Đó chỉ là một hình thức để che đậy những thứ không chính thức, giống như đồng tiền có hai mặt vậy", ông nói.

Các tổ chức hoạt động dưới tên NBM được đăng ký trên khắp thế giới. Có ít nhất 50 tài khoản Facebook, Instagram và YouTube sử dụng các biến thể của cái tên này, ngoài những kênh truyền thông xã hội chính thống. Một số tài khoản sở hữu hơn 100.000 lượt theo dõi. Một số tài khoản chứa những dấu hiệu liên quan đến Rìu Đen, như biểu tượng rìu, ảnh người mang rìu hoặc súng hay khẩu hiệu "Người rìu" gắn liền với nhóm.

NBM đã thành công trong nỗ lực xây dựng thương hiệu toàn cầu ở nhiều quốc gia. Tiến sĩ Stone cho hay tại Nigeria, ảnh hưởng của họ còn mở rộng sang cả lĩnh vực chính trị.

"Có nhiều thành viên của họ đang tham gia vào Hạ viện hay là các giám đốc điều hành", ông nói. "Đó chính là Rìu Đen. Đó là những gì NBM hướng tới, thâm nhập vào mọi vị trí mà họ có thể nghĩ đến".

Augustus Bemigho, cựu lãnh đạo NBM, được mô tả trong hồ sơ tòa án Anh là người từng đứng đầu Rìu Đen, đã tranh cử tại Hạ viện Nigeria vào năm 2019, vận động cho đảng Toàn cầu Tiến bộ (APC) cầm quyền.

Tiến sĩ Stone tin rằng cơ quan thực thi pháp luật và giới chính trị gia Nigeria đã bị Rìu Đen ảnh hưởng quá nhiều nên không thể chống lại nhóm này một cách hiệu quả. Theo ông, giải pháp cho bạo lực nằm trong chính giáo phái. Ông không phải cựu thành viên duy nhất cảm thấy nhóm đang trở nên quá nguy hiểm.

"Lý do nhiều người trong chúng tôi tham gia NBM là để chung sức trong cuộc chiến chống áp bức"", thành viên của một diễn đàn bí mật viết. "Nhưng bây giờ, chúng tôi trở thành một tổ chức tội phạm và bằng chứng ở khắp mọi nơi".

Nội bộ Rìu Đen cũng xuất hiện những lời phàn nàn tương tự từ các thành viên.

"Tôi không trở thành Người rìu để đi lấy mạng người khác, mà để kết nối tình bằng hữu," một bài đăng khác viết. "Làm ơn, hãy dừng những vụ giết người lại".

Hình ảnh cánh tay cầm rìu là biểu tượng của Black Axe. Ảnh: BBC.

Hình ảnh cánh tay cầm rìu là biểu tượng của Rìu Đen. Ảnh: BBC.

Các lãnh đạo NBM cho biết họ cam kết đảm bảo tổ chức luôn tuân thủ những nguyên tắc thành lập và thúc đẩy hòa bình. Chủ tịch hiện tại Olorogun Ese Kakor nói với BBC rằng ông được bầu để truy quét những "tội phạm xâm nhập" bởi những người này đang gây ra "tổn hại rất lớn cho tổ chức".

Trong một nỗ lực nhằm thúc đẩy thay đổi, tiến sĩ Stone đã thành lập "Liên minh Cầu vồng", nhóm vận động bao gồm các cựu thành viên giáo phái, công dân Nigeria và các giáo sư có ảnh hưởng. Các thành viên nhóm đang cố gắng giảm xung đột băng đảng và hướng Rìu Đen tới một tương lai hòa bình hơn.

"Liên minh Cầu vồng muốn đóng góp cho xã hội bằng nỗ lực giảm thiểu tội phạm, giảm tỷ lệ tử vong ở thanh niên, giảm tỷ lệ góa phụ và trẻ mồ côi", ông nói.

Stone hiểu rằng thúc đẩy Rìu Đen cải cách là một công việc nguy hiểm. Ông biết những "Người rìu" có thể đến tìm ông một ngày nào đó, nhưng Stone sẵn sàng đối mặt. Ông cất một thanh kiếm trong xe của mình và một khẩu súng tại nhà.

"Để tự vệ, vì an toàn của chính tôi", ông nói với nụ cười nửa miệng. "Nếu họ tìm tôi, tôi cũng có thể tìm họ".

Vũ Hoàng (Theo BBC)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét