Học viện bóng đá VAFA được thành lập tháng 10/2020, trở thành sân chơi gắn kết cộng đồng và thúc đẩy hình ảnh người gốc Việt ở Australia.
Người dân khu vực tây nam Sydney đã quen với cảnh cộng đồng người Việt vui chơi với trái bóng tròn trong công viên. Nhưng tới tháng 10/2020, câu lạc bộ bóng đá người Australia gốc Việt đầu tiên mới thành lập, dù đây được coi là môn thể thao vua ở Việt Nam.
Vu Tran là người sáng lập Học viện Bóng đá người Australia gốc Việt (VAFA). Gia đình ông di cư tới Australia đầu những năm 1980 và không đủ thời gian cũng như tài chính để ông theo học các môn thể thao.
"Thời tôi còn trẻ, cứ mỗi lần có ai đó nỗ lực xây dựng một đội bóng Việt, họ đều thất bại vì tranh cãi nội bộ hoặc bạo lực sân cỏ", Tran nói. "Chúng tôi không gặp vấn đề đó khi thành lập đội bóng trẻ em, bởi các cháu đều như tờ giấy trắng và tràn ngập hy vọng".
Tran cho biết ông thành lập VAFA với hy vọng giúp thế hệ người Việt trẻ lớn lên ở Australia thoát khỏi cách nghĩ và thói quen của thế hệ cũ. "Bóng đá Australia đang thiếu bóng dáng người Việt và chúng tôi hy vọng sẽ tạo ra khác biệt", ông nói.
Tran mong muốn câu lạc bộ bóng đá là nơi cộng đồng người Việt có thể đoàn kết, gắn bó với nhau. "Không cần biết gia đình bạn đến từ đâu, theo đạo Phật hay Công giáo, các cầu thủ VAFA đơn giản là người Australia gốc Việt yêu bóng đá", Tran nói.
Ông cho rằng VAFA là minh chứng cho thấy cộng đồng người Việt ở Australia đã phát triển thế nào.
"Trẻ em trong cộng đồng giờ không lớn lên trong hoàn cảnh như chúng tôi ngày trước. Các cháu có cơ hội thể hiện những gì thuộc về văn hóa Việt Nam. Nhiều người cho con đi học phụ đạo, học dương cầm, học bơi, những thứ mà người Australia lâu nay vẫn làm, nhưng hiếm người cho con đi học bóng đá", ông nói.
Tran hy vọng câu lạc bộ bóng đá phi lợi nhuận ở Yagoona, phía tây Sydney này sẽ thách thức quan niệm lâu nay rằng "người châu Á chỉ biết học và kiếm tiền".
"Tôi muốn thay đổi tâm lý người Việt, rằng thay vì tập trung vào học hành, hãy dành thời gian với con và cho con cơ hội để tương tác, nâng cao thể chất và tinh thần", ông nói.
Câu lạc bộ do các tình nguyện viên điều hành và không thu phí gia nhập, các trang thiết bị đều do0 cộng đồng địa phương tài trợ. Cô giáo Kelly Damson đăng ký làm tình nguyện viên tại VAFA để giữ gìn bản sắc Việt Nam trong gia đình.
"Những người gốc Việt như chúng tôi phải nỗ lực để duy trì bản sắc văn hóa và giá trị truyền thống", Damson nói. "Bóng đá là một sân chơi tuyệt vời giúp chúng tôi làm điều đó".
Hung Nguyen di cư tới Australia 10 năm trước. Hai cậu con trai 8 tuổi và 11 tuổi của anh đã học được truyền thống "kính trọng người già, biết ơn thầy cô và cha mẹ" qua quá trình luyện tập với các huấn luyện viên của VAFA.
"Người Việt có câu, 'Ăn quả nhớ kẻ trồng cây', và đó là giá trị mà chúng tôi muốn giữ gìn cho thế hệ sau", Nguyen nói. "Chơi bóng với các trẻ em gốc Việt khác cũng nhắc nhở các con tôi về tầm quan trọng của tiếng Việt".
Nguyen thích tổ chức các lễ hội truyền thống của Việt Nam như Tết Nguyên đán hay Trung thu cùng các phụ huynh khác trong câu lạc bộ.
"Chúng tôi mang tới các món ăn Việt Nam cho lũ trẻ thưởng thức, tổ chức trò chơi dân gian Việt Nam mà chúng tôi từng chơi khi còn bé ở Việt Nam", anh nói. "Thông qua ẩm thực, lễ hội và niềm vui, chúng tôi muốn khuyến khích các cháu nhớ về nguồn cội".
Nguyen cho hay các hoạt động ngoại khóa của câu lạc bộ đã giúp anh xây dựng tình đoàn kết vững chắc hơn và "gắn kết người Việt với nhau".
"Tôi kết bạn với những phụ huynh Việt Nam khác, tạo ra những mối quan hệ lâu dài cho các con", Nguyen nói. "Trước đây, các gia đình Việt mới đến thường bị những người cũ kỳ thị và ngược lại, bởi thiếu hiểu biết lẫn nhau. Trong gia đình VAFA, chúng tôi đơn giản đều là người Việt Nam, không khác biệt về chính trị, tôn giáo hay địa vị xã hội".
Huấn luyện viên Tran "cảm thấy tự hào khi trẻ em mặc đồng phục VAFA và đại diện cho cộng đồng Việt Nam". "Chúng tôi hy vọng cách ứng xử ở trong và ngoài sân cỏ sẽ khiến các đội bóng khác tôn trọng cầu thủ Việt", ông nói.
Sam Darwich, người Australia gốc Lebanon, là một trong số các huấn luyện viên của VAFA. Hai con trai anh gia nhập đội ngũ 100 cầu thủ tại câu lạc bộ. Darwich rất ấn tượng với "sự kỷ luật và cống hiến" mà VAFA thể hiện trong mùa giải này.
"Tôi có cái nhìn sâu sắc hơn về nền văn hóa tuyệt vời của Việt Nam, cảm thấy mình được chào đón trong một cộng đồng cởi mở và hữu nghị", Darwich nói. "Có rất nhiều điểm tương đồng giữa văn hóa Việt Nam và Lebanon. Giống người Lebanon, người Việt Nam cũng rất hiếu khách, thân thiện và lịch thiệp".
Hồng Hạnh (Theo ABC)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét