Thứ Hai, 20 tháng 12, 2021

Nỗ lực Biden tháo ngòi nổ Nga - Ukraine

Khi tình báo Mỹ lần đầu phát hiện những dấu hiệu Nga triển khai binh sĩ gần biên giới Ukraine, Biden lập tức chỉ đạo chính quyền hành động.

Tổng thống Joe Biden từ đầu tháng 11 đã yêu cầu đội ngũ an ninh quốc gia sử dụng mọi công cụ có thể để cố gắng ngăn nguy cơ một cuộc tấn công, dù Moskva kịch liệt bác bỏ cáo buộc. Ảnh vệ tinh ngày 1/11 cho thấy quân nhân, xe tăng và pháo của Nga tập kết ở ngoại vi thị trấn Yelnya, phía bắc ngã ba biên giới Nga - Ukraine - Belarus.

"Những gì chúng tôi làm đều được tính toán kỹ lưỡng", một quan chức giấu tên trong chính quyền Biden nói. "Nhưng chúng tôi chỉ có khoảng 4 tuần kể từ lúc đó để tháo ngòi nổ".

Phản ứng của Mỹ bắt đầu với một loạt hoạt động ngoại giao căng thẳng, trong đó có chuyến công du của Bill Burns, giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA ), tới Moskva hôm 2/11 để cảnh báo Tổng thống Nga Vladimir Putin không nên có động thái leo thang căng thẳng.

Nhưng khi quân đội Nga tiếp tục tập trung lực lượng gần biên giới Ukraine, chính sách ngoại giao thầm lặng đã nhanh chóng biến thành những cảnh báo công khai, đe dọa áp lệnh trừng phạt Nga và tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Quan chức hàng đầu của Biden nhấn mạnh rằng nếu Nga hành động liều lĩnh, hậu quả có thể vượt xa những gì Moskva từng đối mặt năm 2014, khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea và hứng chịu loạt lệnh trừng phạt của phương Tây.

"Các biện pháp trừng phạt mà chúng tôi áp với Nga vào năm 2014 phần lớn nhằm ngăn sự phát triển trung và dài hạn của các công ty nhà nước Nga, thông qua hạn chế tiếp cận thị trường vốn và công nghệ Mỹ", một quan chức Nhà Trắng nói.

Nhưng các lựa chọn đang được cân nhắc sẽ "lập tức gây tổn thất đáng kể" cho nền kinh tế và hệ thống tài chính của Nga.

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 3/12. Ảnh: AFP.

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 3/12. Ảnh: AFP.

Năm 2014, khi Biden là phó tổng thống trong chính quyền Barack Obama, cộng đồng tình báo Mỹ đã bị chỉ trích khi không thể dự đoán kế hoạch sáp nhập Crimea của Nga. Sau khi Nga sáp nhập bán đảo này vào lãnh thổ, Biden đã nỗ lực để thúc đẩy trang bị vũ khí cho Ukraine và áp biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt với Nga, nhưng phần lớn bị tổng thống Obama bác bỏ.

Các quan chức Mỹ cho biết hiện tại, trên cương vị Tổng thống, Biden muốn làm mọi thứ theo cách khác.

"Chính quyền đã chủ động hơn nhiều và có nhận thức thực tế hơn rằng Putin có thể phải trả giá đắt nếu tìm cách gây tổn hại cho Mỹ và đồng minh", Tom Malinowski, nghị sĩ đảng Dân chủ ở bang New Jersey, người từng là quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ từ tháng 4/2014 đến tháng 1/2017, nói.

Điều này đã thúc đẩy Mỹ chia sẻ nhiều thông tin tình báo hơn với Ukraine về động thái tập trung quân của Nga, theo một nguồn tin. Một cựu quan chức cấp cao của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho rằng nguyên nhân một phần bởi chính phủ Ukraine hiện là "đối tác đáng tin cậy hơn" so với năm 2014 và một phần vì Biden tin rằng khó có thể loại Ukraine ra khỏi bất kỳ cuộc thảo luận nào liên quan tới tương lai nước này.

Chính quyền Biden cũng sớm chia sẻ những thông tin tình báo về động thái của Nga với NATO, G7 và đồng minh châu Âu, theo quan chức ngoại giao châu Âu.

"Tôi đã không thấy mức độ phối hợp tương tự vào năm 2014", cựu quan chức cấp cao NATO, người đã nghỉ hưu hồi tháng 9/2021, nói. "Chính quyền hiện có cách tiếp cận đa phương hơn. Đó là điều mới mẻ và là kết quả của nỗ lực tăng gắn kết chính trị, trao đổi giữa các đối tác trong đại dịch".

Tuy nhiên, Malinowski và nhiều quan chức khác lưu ý rằng tình hình hiện tại rất khác so với năm 2014. "Những gì Nga có khả năng đang lên kế hoạch đòi hỏi những hành động rõ ràng hơn so với năm 2014", Malinowski nói.

Quân đội Nga cũng có năng lực, cấu trúc lực lượng và vị thế rất khác so với giai đoạn 2014-2015, theo Michael Kofman, giám đốc chương trình nghiên cứu tại Chương trình Nghiên cứu Nga của tổ chức CNA, Mỹ. Và Mỹ hiểu rất rõ điều đó.

"Chúng tôi đã tăng cường năng lực tình báo, có hình ảnh vệ tinh tốt hơn và có sự gắn kết chính trị hơn. Tất cả điều đó cho phép Mỹ và các đồng minh có được thông tin cảnh báo tốt hơn so với năm 2014", cựu quan chức cấp cao NATO nói.

Tuy nhiên, nhiều cựu quan chức và quan chức đương nhiệm nói rằng họ thấy một số sai lầm tương tự đã tái diễn và các dấu hiệu cho thấy Nga không xem trọng những đe dọa từ phía Mỹ.

"Tôi thấy nhiều điều được làm tốt hơn, như xem xét cẩn trọng mối đe dọa và hợp tác chặt chẽ với đồng minh, điều mà tôi nghĩ rất quan trọng", tướng Ben Hodges, người từng là chỉ huy quân đội Mỹ tại châu Âu từ tháng 11/2014 tới 12/2017, nói.

Song Hodges thêm rằng ông vẫn thấy nhiều thông điệp không nhất quán từ Nhà Trắng và một số sai lầm không đáng có, như Biden tiết lộ hồi đầu tháng rằng không cân nhắc lựa chọn triển khai lính Mỹ tới Ukraine.

"Tôi đồng ý rằng đây chưa phải lúc để Mỹ hành động quân sự. Nhưng tại sao lại thông báo điều đó? Về cơ bản nó là sự nhượng bộ, trong khi Điện Kremlin chỉ tăng yêu cầu của họ", ông nói.

Bình luận của Biden cũng giúp Nga củng cố niềm tin rằng Mỹ sẽ không muốn bị sa lầy trong một cuộc chiến ở nước ngoài, đặc biệt là sau cuộc rút quân hỗn loạn khỏi Afghanistan, theo Natasha Bertrand, biên tập viên của CNN.

Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cũng tỏ ra ngần ngại khi cung cấp cho Ukraine một số thiết bị và vũ khí có thể bị Nga xem là khiêu khích, như các hệ thống phòng không, vào thời điểm Mỹ và đồng minh đang cố gắng khiến Moskva giảm leo thang căng thẳng. Các chuyên gia cho biết chính quyền tổng thống Obama từng có động thái tương tự, nhưng không ngăn được Nga sáp nhập Crimea hay ủng hộ phe ly khai ở miền đông Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) họp trực tuyến với Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Sochi, Nga hôm 7/12. Ảnh: AP.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) họp trực tuyến với Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Sochi, Nga hôm 7/12. Ảnh: AP.

Oleksiy Danilov, chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh Ukraine, ngày 15/12 thông báo Nga chưa có dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ rút bớt lực lượng đang hiện diện sát biên giới Ukraine.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định không có khả năng Nga tấn công Ukraine, dù căng thẳng leo thang.

"Thành thật mà nói, tôi không thấy cơ bất kỳ căn cứ nào để cho rằng sẽ có một cuộc tấn công", Andrei Kortunov, người đứng đầu Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC), một tổ chức tư vấn có liên quan tới Điện Kremlin, nói. "Tôi không biết nó sẽ mang lại kết quả gì. Tổn thất sẽ rất lớn và lợi ích rất hạn chế".

Katharine Quinn-Judge, chuyên gia phân tích tại International Crisis Group ở Bỉ, cũng cho rằng mục tiêu thực sự của Putin là buộc Biden chấp nhận đối thoại và răn đe NATO mở rộng sang phía đông, thay vì tiến hành một chiến dịch quân sự.

"Sẽ không có một đợt tấn công lớn nào cả", Quinn-Judge nói. "Tuy nhiên, biên giới Nga - Ukraine có thể lâm vào tình thế bế tắc lâu dài, với những đợt căng thẳng như hiện nay thỉnh thoảng bùng lên, nhưng mọi thứ rồi sẽ trở lại như cũ".

Thanh Tâm (Theo CNN)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét