Thứ Hai, 7 tháng 3, 2022

Cuộc chiến phơi bày hậu quả chính sách chọn phe của Ukraine

Thái độ chọn phe, phá vỡ nguyên tắc trung lập khiến Ukraine biến mình thành quân bài trong tay các cường quốc, châm ngòi xung đột quân sự với Nga, theo đại tá Nguyễn Minh Tâm.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 24/2 phát động chiến dịch quân sự đặc biệt với mục tiêu "phi vũ trang và phi phát xít hóa Ukraine". Sau 12 ngày chiến sự, lực lượng Nga kiểm soát hoặc bao vây một số thành phố của Ukraine, đồng thời áp sát thủ đô Kiev. Chiến sự đã khiến hàng trăm người thiệt mạng, hơn 1,7 triệu người phải rời Ukraine xin tị nạn, theo Liên Hợp Quốc.

"Những diễn biến tại Ukraine trong 18 năm qua, kể từ Cách mạng Cam 2004 tới chiến dịch quân sự của Nga, là thất bại của ngành ngoại giao toàn cầu, trong đó thái độ chọn phe của Ukraine cũng như tính toán của Mỹ và phương Tây đã dẫn đến phản ứng quyết liệt từ Nga", Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư liệu Khoa giáo, Học viện Chính trị Công an Nhân dân, nói với VnExpress.

Khi trở thành nhà nước độc lập năm 1991, Ukraine thừa hưởng khối tài sản khổng lồ từ thời Liên Xô. Tuy nhiên, thay vì phát huy tác dụng của chúng để xây dựng đất nước và nâng cao đời sống cho người dân, giới chức Ukraine lại liên tiếp phạm sai lầm trong chính sách quản trị và đường lối ngoại giao.

Giới tài phiệt Ukraine thân phương Tây tìm cách thao túng, các phe phái chính trị đấu đá lẫn nhau để giành địa vị và quyền lợi mà không tập trung giải quyết các vấn đề phát triển đất nước. Hậu quả là từ quốc gia có tiềm lực kinh tế, quốc phòng mạnh thứ hai trong không gian hậu Xô Viết, chỉ sau Nga, Ukraine tụt xuống hạng thứ 51/192 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Sau chính biến Maidan 2014, Ukraine đối mặt với nạn tham nhũng, tình trạng phân hóa xã hội sâu sắc, đời sống người dân đi xuống và mất đoàn kết. "Tuy nhiên, giới chức Ukraine lại dùng bạo lực đối phó, khiến đất nước này giống như cánh đồng lúa mỳ đã khô, chỉ cần mồi lửa là bùng cháy dữ dội", ông Tâm nói.

Xe quân sự bị phá hủy trong đợt giao tranh ở Kharkov, Ukraine ngày 27/2. Ảnh: AP.

Xe quân sự bị phá hủy trong đợt giao tranh ở Kharkov, Ukraine ngày 27/2. Ảnh: AP.

Thay vì ổn định tình hình trong nước, giới chức Ukraine lại thi hành chính sách bài Nga, thậm chí dung túng cho các thế lực phát xít mới tôn thờ những kẻ từng chiến đấu trong hàng ngũ Schutzstaffel (SS) của phát xít Đức ở miền tây quốc gia Đông Âu, trong đó có Stepan Bandera, lãnh đạo tổ chức "Quân đội Ukraine Tự do" từng chiến đấu dưới thời Đức Quốc xã.

Lịch sử của Nga, đặc biệt là thời kỳ Liên Xô và Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại với 27 triệu người Liên Xô hy sinh để chống chủ nghĩa phát xít, bị xuyên tạc và bôi nhọ, các đài kỷ niệm chiến sĩ Hồng quân Liên Xô bị phá hủy.

Lực lượng tân phát xít Pravyi Sektor trỗi dậy ở Ukraine với thái độ chống Nga quyết liệt, thực hiện các biện pháp cực đoan nhắm vào những người nói tiếng Nga ở Ukraine, sau khi giới chức Kiev ra sắc lệnh không sử dụng ngôn ngữ này trong các cơ quan hành chính, dù người Nga chiếm tới hơn 17% dân tộc ở Ukraine.

Về đối ngoại, Ukraine công khai thúc đẩy tham vọng trở thành thành viên NATO, bất chấp Nga từ lâu đã tuyên bố đây là "lằn ranh đỏ" mà Moskva không thể chấp nhận. Sau lời hứa "xem xét cho gia nhập" của NATO, giới chức ở Kiev càng thể hiện thái độ ngả về phương Tây quyết liệt hơn, phớt lờ các lo ngại an ninh của Nga.

"Chính sách ngả về một bên khiến Ukraine mất đi tính trung lập của mình, vô hình trung đẩy quốc gia này vào trung tâm của cuộc cạnh tranh địa chính trị, địa chiến lược giữa các cường quốc, trong khi họ không sở hữu sức mạnh đáng kể nào", đại tá Tâm nhận định.

Theo ông, lập trường không nhất quán, vô nguyên tắc của giới lãnh đạo, xuất phát từ những tính toán ích kỷ, phiêu lưu còn khiến người dân nước này chia rẽ, làm tan vỡ khối đoàn kết nội bộ. Giới chức Ukraine dường như không rút ra được bài học từ nhiều quốc gia từng tan vỡ vì chia rẽ nội bộ kèm theo tác động từ bên ngoài, điển hình là Liên bang Nam Tư.

"Các lãnh đạo Ukraine qua nhiều thời kỳ muốn mượn tay phương Tây chống Nga. Trong khi đó, Mỹ và NATO nhân dịp này có cơ hội chống Nga đến người Ukraine cuối cùng", ông Tâm nói.

"Thái độ ngả về một bên, tiền hậu bất nhất của giới chính khách Ukraine khiến người dân mất niềm tin vào chính quyền, uy tín của đất nước trên trường quốc tế suy giảm nghiêm trọng".

Trong khi đó, Nga từ năm 2004 phải đối phó với những chính sách kiềm chế, thậm chí bóp nghẹt về mọi mặt đến từ Mỹ và phương Tây, không riêng lĩnh vực quân sự. Tâm lý bài Liên Xô và chống Nga ở nhiều nước phương Tây tăng lên từng ngày.

"Đó là nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng tức nước vỡ bờ, khiến mọi biện pháp và đối thoại ngoại giao không còn tác dụng", đại tá Tâm nói.

Xe tăng, thiết giáp Nga di chuyển tại tỉnh Kiev

Xe tăng, thiết giáp Nga di chuyển tại tỉnh Kiev, Ukraine trong video công bố ngày 7/3. Video: BQP Nga.

Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine với mục tiêu "phi quân sự hóa, phi phát xít hóa chính quyền Kiev", Mỹ và phương Tây chỉ trích mãnh liệt, tung ra các đòn trừng phạt chưa từng có. Tuy nhiên, các nước này hầu như không nhắc đến trách nhiệm của Ukraine như một bên góp phần châm ngòi lửa xung đột.

"Ukraine liều lĩnh chấp nhận Mỹ và NATO đổ dầu vào lửa, tự biến mình thành bãi chiến trường, biến người dân thành nạn nhân để phương Tây hưởng lợi lẫn có thêm cớ chống Nga", đại tá Tâm nói.

Hành động của các thế hệ lãnh đạo Ukraine "không thể hiện tính độc lập, tự chủ như họ nhiều lần tuyên bố gần đây", chuyên gia nhận định. Thái độ liên kết với nước này để chống lại nước kia, theo phe này chống lại phe kia và dựa dẫm thế lực bên ngoài để nhờ vả bảo vệ cho mình "là minh chứng rõ nhất cho tính phi độc lập, phi tự chủ" của Ukraine.

Dân thường di tản khỏi thành phố Iprin, gần thủ đô Kiev của Ukraine ngày 6/3. Ảnh: AP.

Dân thường di tản khỏi thành phố Iprin, gần thủ đô Kiev của Ukraine ngày 6/3. Ảnh: AP.

Vi phạm nguyên tắc trung lập là điều tối kỵ với các quốc gia nhỏ yếu bên cạnh các cường quốc, đại tá Tâm nhấn mạnh. "Trong những biến cố lớn như chiến tranh thế giới, quốc gia nhỏ yếu có thể liên kết để tạo vị thế. Tuy nhiên, quyết định ngả về nước này để chống nước kia trong thời bình là điều dại dột", ông cho biết.

"Theo nguyên tắc quân sự thông thường, khi liên minh này đối đầu với liên minh khác, các mục tiêu nhỏ yếu chắc chắn bị tiêu diệt trước tiên. Một quốc gia cho phép nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ mình sẽ biến người dân của họ thành nạn nhân đầu tiên khi chiến sự nổ ra".

Dù nhiều lần tuyên bố ủng hộ Ukraine, Mỹ và NATO tới nay đều kiên quyết từ chối đưa lực lượng tới tham chiến ở nước này, cũng như khước từ đề nghị thiết lập vùng cấm bay của Kiev, do lo ngại nguy cơ đối đầu trực tiếp với Nga. Khoản hỗ trợ đáng kể nhất của phương Tây đối với Ukraine là các loại vũ khí chống tăng, tên lửa phòng không, súng bộ binh và trang thiết bị quân sự cá nhân.

Tuy nhiên, số vũ khí phương Tây rót vào Ukraine khó lòng thay đổi cục diện chiến trường, do nước này thiếu yếu tố con người như kỹ năng chiến đấu, tư duy chiến thuật và tâm lý của binh sĩ, đại tá Tâm nhận định.

Trong khi đó, người Urkaine chỉ muốn yên bình sau nhiều năm chịu thiếu thốn. Ukraine còn phải đối phó với nạn tham nhũng làm tiềm lực quốc gia xuống mức đáy, các phe phái liên tục đấu đá trên chính trường và nhiều binh sĩ không muốn tham chiến, trừ những phần tử cực hữu.

"Với một quốc gia như vậy, đổ vào đó bao nhiêu vũ khí đi nữa cũng đều như muối bỏ biển, thậm chí phản tác dụng", ông Tâm nhấn mạnh. "Với chính sách chọn phe hiếu chiến và vô trách nhiệm, giới chức Ukraine chỉ có thể tự trách mình khi tình nguyện thay Mỹ và phương Tây chống Nga, dẫn đến chiến sự hiện nay".

Nguyễn Tiến

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét