Chính phủ hai nước Đông Âu Gruzia và Moldova gửi đơn xin gia nhập EU, vài ngày sau khi Nghị viện châu Âu ủng hộ động thái tương tự của Ukraine.
"Hôm nay chúng tôi đã gửi đơn xin làm thành viên Liên minh châu Âu (EU)", Thủ tướng Irakli Garibashvili ngày 3/3 thông báo sau khi ký thư xin gia nhập. "Gruzia là quốc gia châu Âu và sẽ tiếp tục có những đóng góp có giá trị trong bảo vệ và phát triển châu lục".
Sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nộp đơn gia nhập EU vào đầu tuần này, đảng cầm quyền tại Gruzia những ngày qua chịu áp lực lớn từ phe đối lập, yêu cầu chính phủ Thủ tướng Garibashvili có động thái tương tự.
Gruzia có dân số 3,7 triệu người, phía tây giáp Biển Đen, phía bắc và đông giáp Nga, phía nam giáp Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia, phía đông nam giáp Azerbaijan.
Cùng ngày, Tổng thống Moldova Maia Sandu thông báo nước này đã ký đơn đề nghị gia nhập EU. Ngoại trưởng Nicu Popescu nói ngày 3/3 sẽ trở thành cột mốc mà "những thế hệ mai sau sẽ tự hào nhìn lại, rằng đây là khoảnh khắc đất nước gắn chặt với không gian châu Âu".
Moldova có dân số gần 2,6 triệu người, giáp với Romania về phía tây và Ukraine ở phía bắc, đông và nam.
Sau khi gửi đơn hồi đầu tuần, Ukraine đã nhận được ủng hộ mạnh mẽ từ Nghị viện châu Âu, cụ thể hóa bằng một nghị quyết không mang tính ràng buộc. Ông Zelensky muốn được đặc cách xét duyệt nhanh tư cách thành viên, lấy lý do Nga đang mở chiến dịch quân sự đặc biệt trên lãnh thổ nước này.
Theo giới quan sát, Gruzia có thể nhìn nhận sự ủng hộ ở nghị trường dành cho Ukraine là cơ hội để hiện thực hóa giấc mơ tham gia EU của mình. Chính phủ Gruzia đã tuyên bố ý định gia nhập từ năm ngoái, đặt lộ trình nộp đơn xin làm thành viên EU vào năm 2024.
Tổng thống Gruzia Salome Zurabishvili tháng trước đã đến Paris và Brussels thuyết phục giới chức châu Âu đưa ra những cam kết cho nước ông tương tự với Ukraine.
Chiến sự tại Ukraine khiến phương Tây quan tâm nhiều hơn đến Gruzia và Moldova, hai nước từng thuộc Liên Xô nhưng cùng muốn có quan hệ chặt chẽ hơn với phương Tây.
Sau khi nộp đơn xin gia nhập, các nước này vẫn phải trải qua quy trình xét duyệt thành viên phức tạp và tốn nhiều thời gian. Chính phủ hai nước còn cần thực thi một loạt cải cách để đáp ứng tiêu chuẩn chính trị và kinh tế của liên minh 27 nước châu Âu. Bất kỳ nước EU nào cũng có quyền phủ quyết kết nạp thành viên mới.
Trung Nhân (Theo AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét