Thứ Năm, 10 tháng 3, 2022

Ngày thứ 15 chiến sự Ukraine: Tranh cãi về cáo buộc không kích bệnh viện

Ukraine cáo buộc Nga ném bom bệnh viện phụ sản và nhi tại Mariupol gây thương vong cho dân thường, trong khi Moskva khẳng định họ không thực hiện không kích.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm nay cáo buộc Nga thực hiện "hành vi diệt chủng" sau khi các quan chức nước này nói rằng máy bay Nga đã ném bom một bệnh viện phụ sản và nhi đồng ở Mariupol vào ngày 9/3, chôn vùi các bệnh nhân trong đống đổ nát bất chấp thỏa thuận ngừng bắn để người dân sơ tán khỏi thành phố đang bị bao vây bị bao vây này.

Theo giới chức địa phương, vụ ném bom đã khiến ba người thiệt mạng, trong đó có một bé gái, và 14 người bị thương.

Bệnh viện ở Mariupol tan hoang sau khi trúng bom ngày 9/3. Ảnh: AP.

Bệnh viện ở Mariupol tan hoang sau khi trúng bom ngày 9/3. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, Nga bác bỏ thông tin Ukraine đưa ra, khẳng định lực lượng Ukraine đã tiếp quản bệnh viện ở Mariupol trước khi nó trúng bom nên không còn phụ nữ và trẻ em.

Trong cuộc họp báo sau hội đàm với Ngoại trưởng Ukraine ngày 10/3, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov chỉ trích truyền thông phương Tây chỉ đưa tin theo quan điểm của Ukraine. "Từ lâu đã không còn phụ nữ, trẻ em ở đó, chỉ có những kẻ cực đoan vũ trang", ông nói.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova gọi các cáo buộc của Ukraine là "khủng bố thông tin". Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng tái khẳng định lực lượng Nga "không tấn công các mục tiêu dân sự" và cho biết giới chức nước này sẽ xem xét sự việc.

Bộ Quốc phòng Nga sau đó bác bỏ họ đã không kích bệnh viện, cáo buộc Ukraine có "hành động khiêu khích được dàn dựng" ở đó. Bộ này nói rằng Nga không thực hiện các cuộc không kích vào các mục tiêu mặt đất ở khu vực đó, tôn trọng "chế độ im lặng" đã được thỏa thuận.

Trong khi đó, giới chức Mariupol tiếp tục cáo buộc Nga cản trở mở hành lang nhân đạo ở đây bằng cách không tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn. Các nỗ lực gửi viện trợ và tổ chức các đoàn xe sơ tán đã thất bại trong 6 ngày qua.

Theo Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn (UNHCR), tính đến nay, hơn 2,3 triệu người đã sơ tán khỏi Ukraine kể từ sau khi Nga phát động chiến dịch tại nước này.

"UNHCR cần khoảng 500 triệu USD cho nỗ lực hỗ trợ khẩn cấp ở Ukraine và các nước láng giềng", Filippo Grandi, người đứng đầu cơ quan này, viết trên Twitter. "Chúng tôi đã nhận được hơn 300 triệu USD, trong đó gần 200 triệu USD đến từ các cá nhân, công ty và quỹ".

Bên cạnh đó, hãng thông tấn Interfax Ukraine hôm qua dẫn lời một quan chức cấp cao chính quyền Tổng thống Zelensky cho hay khoảng 48.000 người đã được sơ tán thông qua các hành lang nhân đạo.

Nhóm phóng viên AFP hôm nay cho biết đã nhìn thấy nhiều xe thiết giáp Nga triển khai ở rìa đông bắc thủ đô Kiev của Ukraine. Nhiều cột khói bốc lên từ làng Skybyn, chỉ cách cột mốc đánh dấu địa giới Kiev vài trăm mét.

Các binh sĩ Ukraine cũng mô tả về những trận giao tranh ác liệt nhằm giành quyền kiểm soát tuyến cao tốc vào thủ đô. "Đang có hoạt động tác chiến ở Skybyn", một quân nhân Ukraine nói, thêm rằng một đoàn xe thiết giáp Nga đã bị tập kích khiến nhiều phương tiện bị phá hủy.

Thị trưởng Kiev Vitali Klitschko cho hay một nửa dân số thủ đô đã rời đi từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự hôm 24/2. "Chỉ còn chưa đầy hai triệu người ở lại, nhưng Kiev đã trở thành pháo đài. Mọi con đường, tuyến phố và điểm giao cắt đã được củng cố", ông nói.

Lực lượng Nga đang dần bao vây thủ đô của Ukraine. Những tuyến đường về phía đông bắc vẫn rộng mở trong tuần đầu giao tranh, nhưng điều này thay đổi khi Nga mở chiến dịch không kích thành phố Chernihiv, cách thủ đô của Ukraine khoảng 125 km, tuần trước.

Các đơn vị Nga đã tiếp cận Kiev từ ba hướng, chỉ còn để ngỏ những tuyến đường phía nam cho hoạt động tiếp tế và sơ tán.

Các hướng tiến quân của Nga. Đồ họa: NY Times.

Các hướng tiến quân của Nga. Đồ họa: NY Times.

Trước những biện pháp trừng phạt từ phương Tây, Điện Kremlin thừa nhận kinh tế Nga đang "gặp cú sốc và những hệ quả tiêu cực". Quan chức Nga mô tả tình hình hiện nay rất biến động, nhưng khẳng định Moskva đang áp dụng những biện pháp nhằm bảo đảm ổn định và hạn chế tối đa tác động từ các đòn trừng phạt của phương Tây.

Cuộc họp của Ngoại trưởng Ukraine - Nga diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ nhưng không đạt được đột phá. Hai bên đều bày tỏ mong muốn tiếp tục đàm phán.

Ngoại trưởng Lavrov bác bỏ khả năng căng thẳng Nga - phương Tây xoay quanh vấn đề Ukraine sẽ dẫn đến chiến tranh hạt nhân. "Tôi không muốn tin và cũng không tin rằng một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể bắt đầu", ông nói và cho biết thêm rằng những tin đồn Nga có thể tấn công các nước vùng Baltic từng thuộc Liên Xô "là những trò lừa bịp cũ".

Trong chuyến thăm Ba Lan, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris tuyên bố Tổng thống Putin chỉ khiến liên minh phòng thủ phương Tây NATO trở nên "mạnh mẽ hơn" với chiến dịch quân sự tại Ukraine.

"Liên minh NATO đang mạnh hơn và Nga trở nên yếu hơn vì những gì ông Putin đã làm. Điều đó rất rõ ràng đối với chúng tôi", bà phát biểu.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron điện đàm với Tổng thống Puti, kêu gọi duy trì đàm phán về cuộc khủng hoảng Ukraine.

"Đức và Pháp yêu cầu Nga ngừng bắn ngay lập tức" và "tái khẳng định rằng mọi giải pháp cho cuộc khủng hoảng này đều phải thông qua đàm phán giữa Ukraine và Nga", nguồn tin chính phủ Đức cho biết về nội dung cuộc điện đàm.

"Ba lãnh đạo đồng ý giữ liên lạc chặt chẽ trong những ngày tới", Điện Elysee ra thông báo.

Vũ Hoàng (Theo Reuters, AFP, AP)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét