Thứ Hai, 14 tháng 3, 2022

Nhà máy hạt nhân Chernobyl lại mất điện

Đơn vị quản lý nhà máy điện hạt nhân Chernobyl thông báo cơ sở này tiếp tục mất điện vào cáo buộc lực lượng Nga gây ra tình trạng này.

"Đường dây cung cấp điện cho nhà máy điện hạt nhân Chernobyl và thị trấn Slavutych hư hại bởi lực lượng đang kiểm soát", Ukrenergo, cơ quan quản lý cơ sở hạt nhân phía bắc Ukraine, ngày 14/3 thông báo.

Bộ trưởng Năng lượng Ukraine German Galushchenko một ngày trước xác nhận các kỹ sư nước này đã khôi phục điện cho nhà máy, nơi từng xảy ra thảm họa hạt nhân vào năm 1986 đe dọa toàn châu Âu.

Quân đội Nga đã kiểm soát khu vực này trong những ngày đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, bắt đầu từ ngày 24/2. Nhà máy Chernobyl bị cắt điện ngày 9/3, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) hôm đó cho biết đã nhận được thông báo từ giới chức Ukraine và không thấy "tác động nghiêm trọng nào đến an toàn".

Ảnh chụp từ trên cao nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Pripyat, Ukraine, hôm 7/3. Ảnh:Bộ Quốc phòng Nga.

Ảnh chụp từ trên cao nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Pripyat, Ukraine, hôm 7/3. Ảnh:Bộ Quốc phòng Nga.

Theo Ukrenergo, đường điện đến khu vực bị hư hại "trước khi nguồn cung điện được khôi phục hoàn toàn". Cơ quan này đang điều động một nhóm kỹ sư khác đến vùng do quân đội Nga kiểm soát để khắc phục sự cố.

Ukrenergo nhấn mạnh Chernobyl không thể thiếu nguồn điện ổn định để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, người dân thị trấn Slavutych phụ thuộc vào đường điện cung cấp đến Chernobyl.

Theo cơ quan thanh tra năng lượng hạt nhân Ukraine (SNRIU), nhà máy Chernobyl vẫn còn hệ thống máy phát điện dự phòng chạy bằng dầu diesel. Đơn vị giám sát an toàn hạt nhân tại Chernobyl vẫn cần điện để giám sát tình hình và vận hành hệ thống làm mát kho chứa nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.

Sau thảm họa hạt nhân năm 1986, các lò phản ứng đã được cô lập bằng một mái vòm khổng lồ bằng thép và bê tông. Tuy nhà máy hiện nằm bên trong một khu hạn chế tiếp cận, nơi có các lò phản ứng đã ngừng hoạt động cũng như các cơ sở xử lý chất thải phóng xạ, hơn 200 nhân viên vẫn làm việc tại đây bởi nhà máy đòi hỏi phải duy trì hoạt động liên tục.

Chernobyl đi vào hoạt động vào cuối những năm 1970, với hai lò phản ứng đầu tiên. Đến năm 1983, lò phản ứng thứ ba và thứ tư bắt đầu hoạt động. Thảm họa Chernobyl được coi là sự cố hạt nhân nghiêm trọng nhất thế giới, khi lò phản ứng số 4 tại nhà máy phát nổ vào tháng 4/1986, thổi một lượng lớn bụi nhiễm xạ vào không khí. Ước tính về số người chết trực tiếp và gián tiếp do thảm họa dao động từ mức thấp vài nghìn tới mức cao nhất là 93.000 người tử vong do ung thư trên toàn cầu.

Trong cuộc họp tuần qua cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moskva, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tiết lộ nước ông đã hỗ trợ cung cấp điện đến Chernobyl. Thông tin này không được phía Ukraine xác nhận trong thông báo cuối tuần qua.

Trước đó, Tổng giám đốc Tập đoàn điện hạt nhân Nga (Rosatom) Alexey Likhachev ngày 12/3 cũng đề xuất với Tổng giám đốc IAEA Rafeal Mariano Grossi rằng Chernobyl có thể dùng nguồn điện dẫn sang từ Belarus.

Ngoài Chernobyl, lực lượng Nga cũng kiểm soát Zaporizhzhya, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Ukraine, từ ngày 4/3. Các kỹ sư Nga đã tới nhà máy này hồi đầu tuần trước để kiểm tra nồng độ phóng xạ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuần qua khẳng định Chernobyl và Zaporizhzhya đang được kiểm soát bởi quân đội Nga, nhưng vẫn phối hợp với chuyên viên Ukraine giám sát an toàn hạt nhân.

Chernobyl là một trong số những nơi nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng Nga. Đồ họa: AP.

Chernobyl là một trong số những nơi nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng Nga. Đồ họa: AP.

Trung Nhân (Theo AFP, TASS)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét