Thứ Ba, 15 tháng 3, 2022

Phương Tây mơ hồ về tương lai xung đột Ukraine

Mỹ và đồng minh ban đầu tin Nga sẽ nhanh chóng thắng thế ở Ukraine, nhưng khi chiến dịch bước sang tuần thứ ba, họ không chắc nó sẽ đi về đâu.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã vận động thành công NATO và đồng minh phương Tây sử dụng gần như mọi đòn bẩy sẵn có để trừng phạt Nga. Nhưng những nỗ lực đó cho đến nay chưa cho thấy hiệu quả đối với Tổng thống Vladimir Putin, khi Nga đang tiếp tục chiến dịch bao vây các thành phố Ukraine.

Dù xung đột diễn tiến theo hướng nào, các quan chức, nhà ngoại giao, nhà hoạch định chính sách và chuyên gia phương Tây đều không thể đoán chắc chiến dịch quân sự của Nga sẽ kết thúc ra sao. Tình thế hiện nay nhiều khả năng sẽ dẫn đến kịch bản giao tranh kéo dài hơn, đẫm máu hơn, tàn phá đất nước Ukraine và gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo khổng lồ.

Cơ quan nhân quyền Liên Hợp Quốc cho biết hơn 500 dân thường ở Ukraine đã thiệt mạng kể từ ngày 24/2 và cảnh báo con số thực tế có thể cao hơn.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc họp báo hôm 12/3 cho biết khoảng 1.300 quân nhân Ukraine đã thiệt mạng sau hơn hai tuần chiến sự, thêm rằng 12.000 quân nhân Nga cũng đã tử trận. Moskva chưa bình luận về con số này.

Hôm 2/3, Bộ Quốc phòng Nga nói rằng gần 500 quân nhân nước này tử trận tại Ukraine. Moskva đến nay chưa cập nhật số liệu mới về thương vong.

"Kết thúc sẽ khá phức tạp", Jim Townsend, cựu phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ về châu Âu và chính sách NATO, nói. "Xung đột kết thúc thế nào còn phụ thuộc vào tính toán của ông Putin, phương án hỗ trợ Ukraine phục hồi và cách xử lý các biện pháp trừng phạt".

Người phụ nữ đứng trước chiếc xe tải bị hư hỏng nặng vì pháo kích tại Mariupol, Ukraine hôm 10/3. Ảnh: AP.

Người phụ nữ đứng trước chiếc xe bị hư hỏng nặng vì pháo kích tại Mariupol, Ukraine hôm 10/3. Ảnh: AP.

Chiến lược hiện tại của Mỹ là đảm bảo Nga chịu thiệt hại kinh tế nghiêm trọng bằng các lệnh trừng phạt, cũng như tiếp tục hỗ trợ an ninh cho Ukraine. Tuy nhiên, hỗ trợ quân sự của Washington đến nay còn hạn chế, vì ông Biden nói rõ rằng Mỹ không muốn đối đầu trực tiếp với Nga. Tổng thống Mỹ nói sẽ không điều quân tới Ukraine, đồng thời cùng với các đồng minh NATO từ chối lời kêu gọi thiết lập vùng cấm bay của Tổng thống Volodymyr Zelensky.

Mỹ gần như không theo đuổi con đường ngoại giao với ông Putin trong hơn hai tuần qua. Thay vào đó, các đồng minh như Pháp, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và cả Ukraine đang mở các kênh đối thoại với Điện Kremlin kể từ khi xung đột nổ ra.

Các cuộc thảo luận này cho tới nay chưa đạt được bất kỳ thỏa thuận mang tính đột phá nào. Phái đoàn hai nước gặp trực tuyến lần thứ tư vào 15/3, trong đó mục tiêu đàm phán được Tổng thống Zelensky đề ra là thu xếp một cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Putin. Moskva chưa bình luận về ý tưởng này của ông Zelensky.

Các nhà ngoại giao nước ngoài từng hy vọng thuyết phục được ông Putin giảm bớt các yêu cầu về phi quân sự hóa hoàn toàn Ukraine, nhưng giới chức Mỹ và Pháp không tin rằng các cuộc đàm phán sẽ mang lại kết quả.

Cuộc đàm phán giữa Ngoại trưởng Ukraine và người đồng cấp Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 10/3 đã không đạt bất kỳ tiến triển nào về thỏa thuận ngừng bắn hoặc các biện pháp cải thiện tình hình nhân đạo.

Bất chấp tình hình ảm đạm, giới chức Mỹ nói họ không vội vàng tham gia đối thoại trực tiếp với Tổng thống Nga.

"Điều quan trọng cần nhớ là trong suốt cuộc khủng hoảng, chúng tôi đã tìm cách tạo ra những đường tránh cho Tổng thống Putin", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói hôm 9/3. "Ông ấy là người duy nhất có thể quyết định có chọn chúng hay không".

Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay có rất ít dấu hiệu cho thấy Nga có ý định tiến hành con đường ngoại giao có thể mang lại kết quả vào thời điểm này.

"Thật khó để đưa ra một lời đề nghị khi lập trường của Điện Kremlin là 'chúng tôi sẽ tiếp tục chiến dịch ở Ukraine cho đến khi Kiev thay đổi hiến pháp, phi quân sự hóa'", quan chức này nói.

Nhưng một số nhà phân tích cảnh báo chính quyền Biden sẽ không thể ngồi yên và để cho những nước khác tiếp tục đàm phán với Moskva khi cuộc xung đột quân sự ở Ukraine ngày càng căng thẳng.

"Nga sẽ không nhượng bộ khi họ đàm phán với Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel và Ukraine", Jeremy Shapiro, giám đốc nghiên cứu tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế châu Âu, nói.

Samuel Charap, nhà khoa học chính trị cấp cao của tổ chức RAND Corporation, cũng cho biết việc cố gắng đàm phán trực tiếp với Nga, sử dụng một số đòn bẩy được tạo ra những ngày gần đây nhờ các biện pháp trừng phạt là hợp lý, ngay cả khi khả năng Nga thay đổi tính toán là rất mong manh.

Trong khi đó, quan chức châu Âu tiết lộ các lãnh đạo của họ thời điểm này cũng không quá nỗ lực để làm ông Putin thay đổi ý định, cũng như chưa có ý định rút lại các biện pháp trừng phạt, một phần vì họ không cho rằng Điện Kremlin đã sẵn sàng đàm phán. Trong khi đó, dư luận châu Âu ủng hộ biện pháp cứng rắn chống lại Nga.

"Rất khó để biết mọi chuyện sẽ kết thúc thế nào", một nhà ngoại giao châu Âu cấp cao nói. "Nghe có vẻ tồi tệ khi nói rằng không còn đường tránh nào cho khủng hoảng. Nhưng về mặt ngoại giao, tôi thực sự không thấy con đường như vậy".

Nhà ngoại giao này giải thích thêm có một số vấn đề mà các lãnh đạo phương Tây không thể thỏa hiệp, trong đó có tính trung lập của Ukraine.

Một nhà ngoại giao cấp cao khác thừa nhận việc áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt có thể dẫn tới rủi ro làm sụp đổ nền kinh tế Nga. Người này thêm rằng nếu không áp trừng phạt mạnh tay, Nga có thể được khuyến khích để tiếp tục tiến vào lãnh thổ NATO khi thấy phản ứng yếu ớt từ phương Tây.

Một doanh trại quân đội bị tấn công ở Mykolaiv, Ukraine. Ảnh: NY Times.

Một doanh trại quân đội bị tấn công ở Mykolaiv, Ukraine. Ảnh: NY Times.

Một trong những thách thức của chính quyền ông Biden là làm thế nào ứng phó với một đối thủ như lãnh đạo Nga, người mà một số nhà phân tích dự đoán có thể có những hành động khó lường nếu bị dồn vào chân tường.

Trước khi xung đột quân sự ở Ukraine xảy ra, chính quyền Tổng thống Biden đã đe dọa áp trừng phạt mạnh tay để ngăn Nga phát động chiến dịch. Nhưng khi nỗ lực răn đe đó thất bại, Mỹ và đồng minh châu Âu đã phải thực hiện hàng loạt biện pháp trừng phạt.

Nhưng ông Putin coi các biện pháp này không phải nhằm thay đổi hành vi của ông ở Ukraine, mà là nỗ lực để lật đổ chính phủ Nga. Washington nhiều lần nhấn mạnh họ không quan tâm đến việc thay đổi chế độ ở Moskva, theo nguồn tin thân cận.

Trong phiên điều trần tại quốc hội đầu tuần này, Giám đốc CIA William J. Burns cảnh báo Tổng thống Nga có thể có những bước đi quyết liệt hơn, leo thang xung đột nếu nhận thấy bị cô lập và ngày càng thất vọng với những gì diễn ra ở Ukraine.

Dù không biết chính xác cuộc xung đột Ukraine sẽ kết thúc thế nào, giới chức Mỹ hiểu rõ kết quả phụ thuộc vào ông Putin.

"Xung đột này sẽ kết thúc khi Putin nhận ra rằng cuộc phiêu lưu này đặt quyền lực của ông, quân đội và người dân Nga vào nguy hiểm", Victoria Nuland, thứ trưởng ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị, nói.

Thanh Tâm (Theo Washington Post)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét