Tòa án Công lý Quốc tế của Liên Hợp Quốc ra phán quyết sơ bộ yêu cầu Nga lập tức dừng chiến dịch quân sự tại Ukraine.
"Nga phải lập tức ngừng các hoạt động quân sự mà họ phát động từ ngày 24/2 trên lãnh thổ Ukraine", Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) tại Hague, Hà Lan ngày 16/3 kết luận, đồng thời yêu cầu Nga đảm bảo mọi lực lượng do nước này kiểm soát hoặc hậu thuẫn cần chấm dứt hoạt động quân sự tại Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodyrmyr Zelensky cùng ngày tuyên bố Ukraine "đã giành thắng lợi toàn diện trong vụ kiện với Nga" tại ICJ. Ông nhấn mạnh phán quyết mang tính ràng buộc luật pháp quốc tế và Nga cần lập tức tuân thủ. "Làm ngơ lệnh của tòa sẽ khiến Nga bị cô lập hơn nữa", lãnh đạo Ukraine cảnh báo.
Ukraine đệ đơn lên ICJ sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại nước này ngày 24/2. Phía Ukraine phản bác lý do chính thức mà Tổng thống Putin đặt ra khi dùng biện pháp quân sự giải quyết xung đột, trong đó lãnh đạo Nga khẳng định chiến dịch nhằm ngăn "nạn diệt chủng" ở vùng ly khai tại Donbass.
Trong các buổi điều trần vừa qua, đại diện phía Ukraine lập luận các vùng phía đông nước này không bị đe dọa "diệt chủng" như Nga cáo buộc. Đại diện Ukraine đồng thời nhấn mạnh Nga và Ukraine đều tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về Ngăn ngừa và Trừng phạt Tội diệt chủng năm 1948, vốn không cho phép một nước đưa quân sang nước khác để "ngăn chặn" diệt chủng.
Nga không cử đại diện tham dự điều trần vào ngày 7/3 và chỉ trích vụ kiện là hành động "ngớ ngẩn". Tuy nhiên, Moskva sau đó vẫn gửi một tài liệu cho ICJ với thông điệp tòa án không nên đưa ra bất kỳ phán quyết nào.
Phía Nga đồng thời lập luận Tổng thống Putin khi dùng khái niệm "diệt chủng" không mặc nhiên hàm ý chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này dựa trên Công ước năm 1948. Chính phủ Nga cho rằng tòa không có thẩm quyền ra phán quyết vì không tồn tại tranh cãi về cách diễn giải công ước của Liên Hợp Quốc.
Tuy nhiên, ICJ khẳng định tòa có đủ thông tin chứng tỏ Nga và Ukraine có bất đồng về cách diễn giải Công ước năm 1948 và đủ cơ sở để ra phán quyết sơ bộ. Phán quyết chính thức sẽ được tòa công bố sau.
ICJ cũng lưu ý những trường hợp khẩn cấp như xung đột vũ trang tại Ukraine cho phép tòa ra quyết định khẩn cấp chỉ vài ngày sau khi nhận hồ sơ, thậm chí không cần chờ xác định vụ kiện có nằm trong phạm vi thẩm quyền của ICJ hay không.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định phán quyết của ICJ chỉ mang tính hình thức do cơ quan này không có phương thức nào đảm bảo thực thi phán quyết. Trong một số vụ kiện trước đây, nước bị kiện vẫn làm ngơ kết luận của tòa.
Lệnh trừng phạt dựa trên phán quyết cần được thông qua bởi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong khi Nga là thành viên thường trực và nắm phiếu phủ quyết.
ICJ từng ra phán quyết sơ bộ tương tự vào năm 1984, khi Nicaragua kiện Mỹ hỗ trợ tài chính và vật lực cho phiến quân với mục tiêu lật đổ chính phủ nước này. Mỹ khi đó cũng từ chối tham dự phiên tòa, lập luận ICJ không đủ thẩm quyền. Sau khi Nicaragua được xử thắng kiện, Mỹ chặn nghị quyết thực thi kết luận của ICJ tại Hội đồng Bảo an, từ chối bồi thường cho quốc gia Trung Mỹ.
Trung Nhân (Theo Reuters, Washington Post)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét