New Delhi đang bị bao phủ bởi làn khói mù ô nhiễm dày đặc, khiến Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ ví bầu không khí thủ đô như "buồng hơi ngạt".
Hệ thống Giám sát Chất lượng Không khí, Dự báo và Nghiên cứu Thời tiết Ấn Độ (SAFAR) cho biết chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở thủ đô New Delhi đã chạm mức 418 vào hôm 3/11, khi thành phố chìm trong làn sương mờ ô nhiễm.
Hàng chục trạm quan trắc không khí xung quanh Delhi, khu vực bao quanh thủ đô New Delhi, cũng ghi nhận chỉ số AQI trên 450, khiến chính quyền yêu cầu người dân ở trong nhà để đảm bảo sức khỏe.
Bảng đánh giá AQI có các chỉ số từ 0 tới 500, tương đương cấp độ không khí từ trong lành tới nguy hại. AQI trên 300 được xếp vào mức độ nguy hiểm, có thể gây ra các ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng với mọi người.
Tàm nhìn tại một số khu vực ở Delhi gần như giảm xuống bằng 0 trong làn khói mù dày đặc. Thời điểm này hàng năm, Delhi thường chịu thêm các điều kiện bất lợi như khói từ các vụ đốt rơm rạ ở những vùng nông thôn lân cận, khí thải công nghiệp và lượng xe cộ lưu thông tăng vọt.
Bộ trưởng Môi trường liên bang Bhupendra Yadav, thành viên đảng Bharatiya Janata cầm quyền, chỉ trích cách quản lý chất lượng không khí của chính quyền thủ đô New Delhi, vốn do đảng đối lập Aam Aadmi (AAP) điều hành.
"Trong hôm nay, có tới 3.634 vụ đốt rơm rạ ở bang Punjab lân cận vùng thổ đô, nơi cũng do APP điều hành, trong khi số vụ đốt rơm rạ ở bang Haryana đã giảm hơn 30%. Rõ ràng chúng ta đã biết ai đã biến New Delhi thành buồng hơi ngạt", ông Yadav nói hôm 2/11.
Giới chức đã yêu cầu chính quyền New Delhi và chính phủ liên bang lập tức ra lệnh đóng cửa các trường học để ngăn trẻ nhỏ tiếp xúc với không khí ô nhiễm. Ủy ban Quốc gia về Bảo vệ Quyền Trẻ em (NCPCR) Ấn Độ cũng yêu cầu đóng cửa các trường học ở vùng Delhi tới khi chất lượng không khí được cải thiện.
Quan chức phụ trách môi trường của Delhi trước đó cũng yêu cầu người dân làm việc tại nhà hoặc đi chung xe càng nhiều càng tốt, để giảm mật độ phương tiện lưu thông trên đường. Chính quyền Delhi cũng cấm các hoạt động xây dựng và phá dỡ để giảm thiểu khói bụi.
Các chuyên gia y tế kêu gọi người dân Delhi tránh mọi hoạt động ngoài trời và những người có vấn đề về tim, hô hấp nên ở trong nhà. Các bác sĩ cảnh báo tiếp xúc lâu với không khí ở Delhi có thể gây ra các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng.
Đây là lần thứ hai trong tuần Delhi ghi nhận chất lượng không khí ô nhiễm nghiêm trọng. Từ cuối tháng 10, chỉ số không khí ở thành phố vốn ở mức "kém" và "rất kém".
Ngọc Ánh (Theo Independent)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét