Thứ Tư, 2 tháng 11, 2022

Phần Lan, Thụy Điển để ngỏ khả năng đặt vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ

Thủ tướng Thụy Điển và Phần Lan nói họ để ngỏ khả năng triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ khi trở thành thành viên NATO.

"Chúng tôi không nên đưa ra điều kiện tiên quyết nào. Chúng tôi quyết định không muốn đóng bất kỳ cánh cửa nào trong tương lai", Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin nói tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Thụy Điển Ulf Kristersson ở Helsinki ngày 1/11, trả lời câu hỏi về việc hai nước có chấp nhận vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ hay không.

"Các bạn cũng sẽ nhận được câu trả lời tương tự từ tôi", ông Kristersson, người nhậm chức thủ tướng Thụy Điển hôm 18/10, nói.

Theo ông Kristersson, việc Thụy Điển và Phần Lan có cùng hành động là "điều rất tự nhiên" và hai nước sẽ cùng hợp tác chặt chẽ. Thủ tướng Phần Lan và Thụy Điển đều cho rằng vấn đề trên có thể được bàn sau.

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tại cuộc họp báo ở thủ đô Helsinki, Phần Lan, ngày 1/11. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tại cuộc họp báo ở thủ đô Helsinki, Phần Lan, ngày 1/11. Ảnh: Reuters.

Thụy Điển và Phần Lan đang trong quá trình gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và cần được tất cả 30 thành viên liên minh quân sự chấp thuận. Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary là hai quốc gia chưa "bật đèn xanh".

"Mọi ánh mắt đang dồn về Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi đang chờ họ chấp thuận", bà Marin nói ngày 1/11, kỳ vọng việc này sớm hoàn tất.

Phát ngôn của tân Thủ tướng Thụy Điển Kristersson cho thấy ông có lập trường khác với chính phủ tiền nhiệm. Đảng Dân chủ Xã hội Thụy Điển, cầm quyền khi Stockholm xin gia nhập NATO hồi tháng 5, từng bày tỏ "nghi ngại đối với việc triển khai vũ khí hạt nhân và căn cứ thường trực trên lãnh thổ Thụy Điển".

Micael Byden, đứng đầu các lực lượng vũ trang Thụy Điển, cho rằng Stockholm không nên bộc lộ sự dè dặt về hợp tác vũ khí hạt nhân trước khi vào NATO "bởi việc này sẽ chỉ tạo ra trở ngại và bất đồng".

Tại Phần Lan, việc nhập khẩu, sản xuất, sở hữu và kích nổ vật liệu hạt nhân bị cấm theo pháp luật. Trong khi đó, Đan Mạch và Na Uy, đều là thành viên NATO, từ chối cho phép nước ngoài lập căn cứ thường trực hoặc đặt vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ trong thời bình.

7 thập kỷ NATO đông tiến ở châu Âu. Đồ họa: Statista.

7 thập kỷ NATO đông tiến ở châu Âu. Đồ họa: Statista.

Như Tâm (Theo AFP, Reuters, Bloomberg)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét